Chiến thắng lịch sử “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu” ấy đã được khẳng định là chiến thắng của Nhân dân cả nước, dựa trên sức mạnh của lòng dân.
Ký ức hào hùng về sức mạnh lòng dân
Như các tư liệu lịch sử đã ghi lại, Điện Biên Phủ là một thung lũng lòng chảo rộng lớn ở vùng rừng núi Tây Bắc, có vị trí chiến lược quan trọng đối với chiến trường Đông Dương và cả Đông Nam Á.
Thấy rõ vị trí quan trọng này, năm 1953, thực dân Pháp cho quân nhảy dù và không ngừng tăng thêm binh lực, vũ khí, trang thiết bị, khí tài quân sự, xây thêm nhiều công sự, đồn lũy…, biến Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương, “một pháo đài bất khả xâm phạm”.
Đánh giá đúng tình hình và âm mưu, thủ đoạn của địch, tháng 12/1953, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành T.Ư Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh, đã thông qua phương án tác chiến mùa Xuân năm 1954 của Tổng Quân ủy, quyết định mở Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp (Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam) được chỉ định làm Chỉ huy trưởng. Chủ tịch Hồ Chí Minh xác định: “Chiến dịch này là một chiến dịch rất quan trọng. Không những về quân sự mà cả về chính trị, không những đối với trong nước mà đối với quốc tế. Vì vậy, toàn Đảng, toàn quân, toàn dân phải hoàn thành cho kỳ được”.
Như các tướng lĩnh và nhà nghiên cứu lịch sử quân sự đã chỉ ra, việc chọn trận Điện Biên Phủ là trận quyết chiến đều không nằm trong kế hoạch của cả ta và Pháp. Sự thay đổi kế hoạch từ đánh vào những điểm yếu của địch sang đánh vào nơi mạnh nhất của địch, khi mà Pháp tập trung quân lực mạnh nhất vào Điện Biên Phủ là sự thay đổi quyết định nhanh nhất của Đảng.
Các tư liệu lịch sử đã ghi lại, theo lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn Đại tướng Võ Nguyên Giáp trước khi ra trận: "Phải chắc thắng mới đánh, vì tất cả quân lực của ta đã dồn vào trận đánh này".
Từ nghiên cứu, đánh giá tình hình thực tế và so sánh tương quan lực lượng trên chiến trường, Đại tướng và Bộ Chỉ huy chiến dịch đã quyết định chuyển từ phương án “đánh nhanh, thắng nhanh” sang “đánh chắc, thắng chắc”, theo đúng lời dặn của Bác, để tiêu diệt, làm suy yếu dần đối phương, đồng thời giảm thương vong ở mức thấp nhất cho bộ đội.
Thiếu tướng, TS Trần Minh Tuấn (Phó Viện trưởng Viện Chiến lược quốc phòng) nhận định, thay đổi phương châm tác chiến là nét đặc sắc, sáng tạo nhất và quyết định trực tiếp đến thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Rõ ràng đây là một quyết định “cân não”, rất khó khăn lúc bấy giờ và thực tiễn đã minh chứng với việc xác định đúng phương châm tác chiến, áp dụng linh hoạt các hình thức chiến thuật, nhất là hình thức vây, lấn, quân ta đã từng bước tiêu diệt các cứ điểm của địch.
Với phương châm này, ta đã điều chỉnh lực lượng và thế trận, cô lập địch ở Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, cắt chi viện bằng đường không, vây hãm toàn bộ tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, từng trung tâm đề kháng của Pháp, tiêu diệt từng bộ phận tiến tới đánh bại toàn bộ địch; thể hiện nổi bật về nghệ thuật chiến tranh Nhân dân, nghệ thuật sử dụng lực lượng, nghệ thuật tránh chỗ mạnh, đánh chỗ yếu; đánh chắc, tiến chắc, không chắc thắng, không đánh.
Chính vì vậy, trải qua 3 đợt tấn công liên tục bắt đầu từ 13/3, sau 56 ngày đêm chiến đấu dũng cảm, kiên cường, đến ngày 7/5/1954, quân ta đã tiêu diệt và bắt sống toàn bộ quân địch, đập tan tập đoàn cứ điểm mạnh nhất Đông Dương của thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Tướng De Castries, bộ tham mưu và sĩ quan, binh lính tập đoàn cứ điểm đã đầu hàng Việt Minh vô điều kiện, buộc Pháp phải ký Hiệp định Genève, tôn trọng độc lập, chủ quyền của Việt Nam, Lào và Campuchia.
Theo nhận định của các nhà nghiên cứu, một trong những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi của Chiến dịch Điện Biên Phủ chính là phát huy sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc; còn trong hồi ức của các cựu chiến binh, điểm mấu chốt của chiến thắng nằm ở thế trận lòng dân cùng một tinh thần quyết chiến đến cùng để quyết thắng.
Khi đó, chỉ bằng sức người là chính, bộ đội đã kéo những khẩu pháo nặng hơn 2 tấn qua núi cao. Bộ đội và dân công đã sử dụng những chiếc xe đạp thồ, được gọi với tên là “binh chủng xe đạp thồ” hoạt động trên suốt chiều dài gần 1.500km.
Lực lượng xe đạp thồ được biên chế thành từng đoàn theo địa phương, mỗi đoàn có nhiều trung đội, mỗi trung đội từ 30 - 40 xe, chia thành các nhóm khoảng 5 xe để hỗ trợ nhau khi qua đèo, vượt dốc cao. Đội quân xe đạp thồ xuất hiện ở Điện Biên là một sự kỳ diệu chưa từng có trong lịch sử.
Sức người, sức của đã được huy động tối đa để chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ. Nhân dân ở vùng tự do, ở vùng mới giải phóng Tây Bắc, cũng như ở vùng sau lưng địch, đều hăng hái tham gia phục vụ tiền tuyến.
Sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc còn được thể hiện ở sự hòa nhịp của chiến trường cả nước, mở các chiến dịch tiến công địch trên nhiều hướng. Nhờ đó, không những ta tiêu diệt một bộ phận quan trọng sinh lực địch, còn buộc chúng phải phân tán lực lượng đối phó với ta và bị giam chân ở nhiều nơi, khiến mâu thuẫn giữa tập trung và phân tán của địch càng thêm sâu sắc.
Mang tầm vóc thời đại
Như PSG.TS Nguyễn Mạnh Hà (nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng) đã nhận định, sau 70 năm, các nhà nghiên cứu càng nhận thấy rõ, Chiến thắng Điện Biên Phủ là sự kiện có một không hai trên thế giới, mà như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: "Đây là một cột mốc bằng vàng của lịch sử, đánh dấu nơi chủ nghĩa thực dân lăn xuống dốc và tan rã".
Chiến dịch Điện Biên Phủ là sự kết tinh cố gắng của toàn dân, toàn quân với khẩu hiệu: “Tất cả cho tiền tuyến, tất cả cho chiến thắng Điện Biên Phủ”. Sức mạnh Việt Nam chính là lần đầu tiên đã đánh thắng hình thức tập đoàn cứ điểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, về tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ được thể hiện ở hai khía cạnh. Trước hết, chưa bao giờ trong lịch sử quân sự thế giới, một quân đội còn non trẻ như Việt Nam thời điểm đó, lại đánh thắng và bắt sống hơn 10.000 quân Pháp, là một cường quốc quân sự ở phương Tây tại Điện Biên Phủ.
Khía cạnh thứ hai, Chiến thắng đánh dấu sự thất bại của chủ nghĩa thực dân cũ của Pháp; có sức lan tỏa, mang lại cảm hứng cho các dân tộc thuộc địa theo gương Việt Nam giành độc lập dân tộc.
“Có thể nói, Chiến thắng Điện Biên Phủ có sức cổ vũ rất lớn với phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc của các nước trên thế giới. Một dân tộc nhỏ bé nhưng có quyết tâm, đoàn kết, dưới sự lãnh đạo, đường lối đúng đắn sẽ đánh thắng bất kỳ kẻ thù nào. Đây là tầm vóc thời đại của Chiến thắng Điện Biên Phủ”- PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà nhận định.
70 năm đã trôi qua, từ một chiến trường đẫm máu, ngày nay, Điện Biên Phủ đã trở thành điểm hẹn của hòa bình, hữu nghị và hợp tác giữa các dân tộc. Những tàn tích phá hoại của bom đạn trong chiến tranh đã phai mờ, Điện Biên Phủ hôm nay đã chuyển mình, không ngừng xây dựng phát triển trở thành một TP du lịch đậm lịch sử tại khu vực phía Tây Bắc của Tổ quốc. Đời sống người dân không ngừng nâng lên, du khách trong nước và quốc tế đến Điện Biên ngày một đông. 70 năm trước, cũng như giờ đây, một Điện Biên Phủ anh hùng vẫn luôn hiện hữu.
Sức mạnh của chúng ta giành được thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ là sức mạnh của chiến tranh Nhân dân Việt Nam; là của sự lãnh đạo của Đảng; là tinh thần đoàn kết toàn Đảng, toàn quân và toàn dân. Bên cạnh đó, chúng ta còn sức mạnh khác được kết hợp như kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại và có sự ủng hộ giúp đỡ của bạn bè quốc tế mà trong đó có cả sự giúp đỡ trực tiếp về mặt tinh thần cũng như vật chất của các nước, anh em.
Thiếu tướng, TS Nguyễn Hoàng Nhiên - Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự