Thêm niềm vui trong năm học mới

Lê Quân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cha ông ta đã dạy: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Khi gặp khó khăn, sự trợ giúp kịp thời luôn có hiệu quả, giúp đỡ người lao động yên tâm gắn bó với công việc...

Đúng vào thời điểm thầy trò cả nước đang háo hức chuẩn bị bước vào năm học mới 2022 - 2023, Chính phủ đã có Nghị quyết 103/NQ-CP về chính sách hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục tiểu học ngoài công lập (cơ sở giáo dục ngoài công lập) gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.

Theo Nghị quyết, đối tượng được hỗ trợ bao gồm cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên làm việc tại cơ sở giáo dục mầm non thuộc loại hình tư thục, dân lập; cơ sở giáo dục tiểu học tư thục; trường mẫu giáo, mầm non SOS, trường tiểu học Hermann Gmeiner trong hệ thống Làng trẻ em SOS Việt Nam...

Mức hỗ trợ một lần là 3,7 triệu đồng/người với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên chưa được hưởng chính sách của địa phương hỗ trợ đối với nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động và một số đối tượng đặc thù khác theo quy định tại khoản 12 Mục II Nghị quyết 68/NQ-CP.

Đối với cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên đã được hưởng chính sách của địa phương theo quy định nêu trên, sẽ hỗ trợ một lần với mức 2,2 triệu đồng/người. Thời gian thực hiện đến hết ngày 31/12/2022. Đây là một tin vui với cán bộ, giáo viên các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

Khoản tiền 3,7 triệu đồng và 2,2 triệu đồng tuy không nhiều, nhưng có ý nghĩa động viên rất lớn. Vả lại, cha ông ta đã dạy: Một miếng khi đói bằng một gói khi no. Khi gặp khó khăn, sự trợ giúp kịp thời luôn có hiệu quả, giúp đỡ người lao động yên tâm gắn bó với công việc.

Thêm một lần nữa, Chính phủ đã có những quyết định đúng đắn, mang tính nhân văn, kịp thời hỗ trợ người lao động vượt qua những khó khăn do đại dịch Covid-19 gây ra.

Tuy nhiên, bên cạnh niềm vui, sự tin tưởng vẫn còn những băn khoăn, lo lắng. Đó là làm sao để sự trợ giúp đến tay người lao động một cách kịp thời, đầy đủ, đúng đối tượng. Nói vậy bởi trong thực tế, việc triển khai thực hiện các gói hỗ trợ được ban hành trước đây đã gặp không ít khó khăn, trở ngại.

Thậm chí, sự hỗ trợ đã không thể đến với người lao động trong diện được thụ hưởng. Gần đây nhất là gói hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động tại một số địa phương theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Theo quyết định này, ngày 15/8/2022 là hạn cuối cùng tiếp nhận hồ sơ của DN đề nghị hỗ trợ tiền thuê nhà ở cho người lao động. Vậy mà theo Bộ LĐTB&XH, tính đến 0h ngày 12/8, tức là sau 3 tháng, số hồ sơ đã được giải ngân mới chỉ là 17.627 DN với 1.117.107 lao động, hơn 787,9 tỷ đồng, đạt 12,14% so với dự kiến.

Trước tình hình đó, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH yêu cầu UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư tập trung chỉ đạo các cấp, ngành khẩn trương đôn đốc, hướng dẫn và hỗ trợ các DN rà soát, lập danh sách, hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ tiền thuê nhà. Làm sao để đến ngày 30/8, các địa phương phải hoàn thành việc giải ngân, kịp thời chi trả tiền hỗ trợ thuê nhà cho người lao động theo quy định tại Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg.

Nhắc lại câu chuyện vẫn mang tính thời sự để mong các cơ quan chức năng liên quan nghiêm túc rút kinh nghiệm, xác định nguyên nhân của tình trạng chậm trễ nói trên: Do nhận thức, thiếu trách nhiệm, hay do quy trình giải ngân chưa phù hợp? Rút kinh nghiệm một cách công khai, minh bạch cũng là để các gói hỗ trợ đến được tay người lao động một cách nhanh chóng.

Theo đánh giá của Bộ LĐTB&XH, Hà Nội là một trong 10 địa phương có tỷ lệ giải ngân gói hỗ trợ theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg cao. Hy vọng rằng kết quả đó với những cách làm tốt sẽ tiếp tục phát huy trong việc thực hiện Nghị quyết 103/NQ-CP, góp phần giải quyết kịp thời khó khăn cho người lao động, để năm học mới thực sự là niềm vui của thầy trò các cơ sở giáo dục ngoài công lập.