Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi đua là phải hành động

Thương Huế
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sự kiện Hà Nội phát động phong trào thi đua “Sáng - xanh - sạch - đẹp” đã thực sự khởi động một hành trình mới để Thủ đô Hà Nội trở thành biểu tượng của phát triển bền vững và hài hòa với thiên nhiên.

Tuy nhiên, để đạt được hiệu quả, đúng như Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh, thi đua không chỉ dừng lại ở lời kêu gọi, mà cần thực hiện chương trình hành động cụ thể, thiết thực.

Hà Nội đang đối mặt với những thách thức lớn do quá trình đô thị hóa và biến đổi khí hậu. Ô nhiễm không khí, nguồn nước, rác thải sinh hoạt chưa được xử lý hiệu quả và sự suy giảm không gian xanh là những vấn đề cấp bách cần sự chung tay hành động của cả cộng đồng. Vì thế, nhiều chuyên gia cho rằng, cái được nổi bật của Luật Thủ đô 2024 là việc Hà Nội chú trọng đến công tác bảo vệ môi trường, với những quy định rất rõ tại Điều 17 về quy hoạch xây dựng, phát triển Thủ đô; Điều 28 về bảo vệ môi trường như: Quản lý và bảo vệ môi trường Thủ đô được thực hiện theo nguyên tắc phát triển bền vững, phát triển kinh tế tuần hoàn và chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu gắn với việc duy trì các yếu tố tự nhiên, đa dạng sinh học, văn hóa, lịch sử của Thủ đô; bảo đảm tỉ lệ không gian xanh theo quy hoạch…

Và chỉ còn chưa đầy 10 ngày nữa là Luật Thủ đô 2024 có hiệu lực, việc Hà Nội phát động phong trào thi đua “Sáng - xanh - sạch - đẹp” cũng chính là đang từng bước hiện thực hóa những quy định của Luật vào cuộc sống. Ý chí, quyết tâm của người đứng đầu chính quyền TP trong công tác bảo vệ môi trường được lan tỏa không chỉ đến các ban, ngành mà còn tới từng địa phương trên toàn TP với nhiều chương trình cụ thể.

Có thể kể đến như: Chương trình "Cuối tuần xanh" (vào ngày cuối tuần, tất cả các cơ quan, DN, các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể và các cộng đồng dân cư của TP, các du khách trong và ngoài nước sẽ đồng loạt tổ chức các hoạt động làm sạch môi trường); Quản lý rác thải tại nguồn (các mô hình thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải hiện đại, tiên tiến sẽ được từng bước triển khai tại các khu đô thị và nhân rộng trên toàn TP. Đồng thời, các hoạt động thu gom rác tái chế và rác thải cồng kềnh cũng sẽ được tổ chức định kỳ); Hồi sinh sông hồ Hà Nội với các hoạt động "Ngày làm sạch sông hồ", Ngày hội quanh hồ, Tái sinh không gian công cộng ven sông hồ;…

Những hoạt động với nhiều chương trình cụ thể hẳn còn kéo dài nhưng liệu rằng phong trào ấy có được duy trì và trở thành thói quen của mỗi người dân, đơn vị, DN? Hay chỉ bùng nổ một thời gian rồi lại vụt tắt? Sở dĩ nói như vậy vì bảo vệ môi trường không phải là điều gì quá to tát, mà chỉ là những hành động rất đơn giản hàng ngày, như: bỏ rác vào thùng, đừng xả rác, không khạc nhổ, phóng uế trên đường, hè phố; thường xuyên quét dọn, làm vệ sinh nơi ở, khu xóm, không làm phát sinh bãi rác trong khu dân cư; hướng dẫn con trẻ cùng bảo vệ môi trường; không xả rác xuống sông, mương làm cản trở dòng chảy; đừng vứt tờ rơi bừa bãi ra đường…

Chỉ cần như thế thôi, Hà Nội của chúng ta sẽ ngày càng sạch, đẹp, văn minh hơn rồi. Chỉ cần thế thôi, nghe đơn giản nhưng làm rõ ràng không đơn giản, bởi nếu đơn giản thì Luật không phải đưa ra quy định để tạo điều kiện cho người dân tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường, nâng cao ý thức cộng đồng và trách nhiệm của công dân đối với môi trường sống. Vậy nên, mỗi chúng ta hãy cùng nhau hành động để phong trào thi đua “Sáng - xanh - sạch - đẹp” của TP thành công và phát triển bền vững. Bảo vệ môi trường là bảo vệ chính chúng ta.