Theo thống kê của Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA), tháng 11/2024, thị trường có tổng cộng 29 đợt phát hành trái phiếu DN riêng lẻ, trị giá 24.388 tỷ đồng. Lũy kế 11 tháng, tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ ở mức 374.830 tỷ đồng, trong đó có 362 đợt phát hành riêng lẻ trị giá 342.716 tỷ đồng và 21 đợt phát hành ra công chúng trị giá 32.114 tỷ đồng.
Trong đó, nhóm ngành bất động sản giữ vững ngôi vị á quân với giá trị phát hành hơn 63.721 tỷ đồng, tương đương chiếm 17% tổng giá trị phát hành, chỉ đứng sau nhóm ngân hàng với 269.877 tỷ đồng, tương đương chiếm 72% tổng giá trị phát hành.
Có thể thấy, cuộc đua phát hành trái phiếu DN đang nóng lên, đặc biệt là trái phiếu bất động sản, khi quy mô và lãi suất có xu hướng tăng vào cuối năm. Trong khi lãi suất trái phiếu ngân hàng chỉ dao động quanh mức 7 - 8%, thì nhiều DN bất động sản chấp nhận chi phí vốn lên tới 14,5%, thậm chí cao hơn, để chào mời mức lãi suất 10 - 12% nhằm thu hút nhà đầu tư.
Các lô trái phiếu lãi suất trên 12% của một số gương mặt mới đang xuất hiện tăng tần suất. Đơn cử, mới đây, Công ty Cổ phần Huy Dương Group vừa hoàn tất phát hành 900 tỷ đồng trái phiếu trong khoảng thời gian từ ngày 9 - 11/12/2024. Đây là lô trái phiếu đầu tiên mà công ty phát hành kể từ khi thành lập, có kỳ hạn 5 năm, đáo hạn ngày 9/12/2029; lãi suất phát hành 12,5%/năm.
Nguyên nhân khiến trái phiếu bất động sản nóng lên một phần là do thị trường thời gian qua dần xuất hiện tín hiệu hồi phục. Đặc biệt, việc thông qua bộ 3 Luật Kinh doanh bất động sản, Nhà ở và Đất đai đã tạo hiệu ứng mạnh, góp phần khơi thông thanh khoản, từ đó hút dòng tiền vào lĩnh vực địa ốc. Tuy nhiên, việc DN đua nhau phát hành trái phiếu khủng cũng cho thấy khối này vẫn khát vốn. Chất lượng các DN phát hành trái phiếu cũng có nhiều vấn đề đáng lo ngại.
Theo các chuyên gia, số trái phiếu đáo hạn trong năm 2025 vẫn là một áp lực lớn đối với DN. Trong đó, trái phiếu nhóm DN bất động sản có rủi ro quá hạn và tiềm ẩn nợ xấu hơn hẳn mức trung bình trên thị trường. Khả năng trả nợ của các DN bất động sản nhà ở vẫn ở mức yếu và mức độ phân hóa về khả năng trả nợ ngày càng nới rộng.
Thống kê của VIS Rating cho thấy, có tới 2/3 các chủ đầu tư đang niêm yết trên sàn chứng khoán có dòng tiền để trả nợ từ mức yếu đến cực kỳ yếu, cụ thể là dòng tiền hoạt động dưới 5% tổng nợ. Điều này xảy ra đặc biệt nghiêm trọng đối với những chủ đầu tư bị ảnh hưởng bởi các vấn đề pháp lý dự án. Với tình hình trên, dự báo, 50% số trái phiếu đáo hạn của các chủ đầu tư trong cuối năm 2024 và sang năm 2025 có thể rơi vào nguy cơ chậm trả gốc và lãi, mà phần lớn trong số đó là những DN thường xuyên chậm thanh toán.
Có thể thấy, "cơn sốt" trái phiếu DN bất động sản đang đặt ra nhiều câu hỏi cho nhà đầu tư và cơ quan quản lý. Vì thế, cần có những biện pháp giám sát chặt chẽ để bảo đảm sự phát triển lành mạnh và bền vững của thị trường.