Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thi hành án: Đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em là nạn nhân bạo lực giới

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đối với những trường hợp phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới thì hiện nay vẫn chưa có các quy định riêng và quy trình, cách thức thực hiện riêng để có các biện pháp bảo vệ cho các đối tượng đặc biệt này khi yêu cầu thi hành án.

Ngày 28/9, Tổng cục Thi hành án dân sự (THADS) đã phối hợp với Văn phòng Dự án EUJULE tổ chức Hội thảo góp ý báo cáo rà soát những trở ngại phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới khi thực hiện quyền của mình trong quá trình thi hành các bản án, quyết định của tòa án. 

Ông Nguyễn Thắng Lợi - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS và ông Sergiu Rusanovschi - Chuyên gia bảo vệ trẻ em của UNICEF Việt Nam đồng chủ trì hội thảo. Ảnh: Kim Quy

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Hiện nay, pháp luật THADS cũng đã có những quy định đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em trong quá trình tổ chức thi hành án. Tuy nhiên, đối với những trường hợp phụ nữ, trẻ em là nạn nhân của bạo lực giới thì hiện nay vẫn chưa có các quy định riêng và quy trình, cách thức thực hiện riêng để có các biện pháp bảo vệ cho các đối tượng đặc biệt này khi yêu cầu thi hành án.

Với sự hỗ trợ của Dự án EUJULE, nhóm nghiên cứu của Tổng cục THADS và các chuyên gia đã thực hiện rà soát, tổng hợp những trở ngại của phụ nữ và trẻ em là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới trong quá trình tổ chức thi hành án để xây dựng báo cáo nghiên cứu mang tính tham khảo cho Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS khi xây dựng định hướng, đề xuất những chính sách phục vụ việc sửa đổi Luật THADS và các văn bản liên quan được hiệu quả, khả thi trong thời gian tới.

Với mục đích đó, Phó Tổng cục trưởng đề nghị các đại biểu cho ý kiến góp ý đối với các nội dung của dự thảo báo cáo; cung cấp, bổ sung tình hình, thực trạng của quá trình thi hành án mà đối tượng là phụ nữ, trẻ em là người được thi hành án, nhất là các đối tượng là nạn nhân của bạo lực trên cơ sở giới từ góc nhìn chuyên môn và thực tiễn của cơ quan đơn vị mình; qua đó, bổ sung các nguyên nhân khách quan, chủ quan của tồn tại, hạn chế và đề xuất các giải pháp.

Tại hội thảo, các đại biểu đã được nghe chuyên đề tổng quan về tình hình phụ nữ, trẻ em bị bạo lực giới Việt Nam trong những năm gần đây và thực trạng tổ chức thi hành án cho người phải thi hành án là phụ nữ và trẻ em bị bạo lực giới. Đồng thời, thảo luận về những khó khăn, vướng mắc của phụ nữ, trẻ em khi thực hiện quyền trong quá trình THADS, dự liệu những tình huống phát sinh trong tương lại và giải pháp hoàn thiện chính sách pháp luật THADS…