Trong quá khứ, những lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung do bất ổn tại Trung Đông đều khiến giá dầu và khí đốt tăng mạnh. Nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao khi cuộc xung đột Hamas-Israel lan rộng khiến các tàu chở dầu mỏ và khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) buộc phải chuyển sang các tuyến đường dài hơn, nhưng giá năng lượng không ghi nhận biến động mạnh, thậm chí còn giảm xuống trong những tuần gần đây?
Thị trường năng lượng “ngó lơ” bất ổn tại Trung Đông
Châu Âu nhập khẩu phần lớn LNG từ Trung Đông, nhưng giá mặt hàng năng lượng này đã giảm hơn 13% từ đầu năm đến nay, mặc dù lực lượng Houthi ở Yemen liên tục tấn công nhằm vào các tàu thương mại ở Biển Đỏ.
Trong khi đó, giá dầu Brent và giá dầu WTI chỉ biến động nhẹ khi tăng khoảng 4% kể từ đầu tháng 12. Tính đến ngày 16/1, giá xăng trung bình tại Mỹ ở mức 3 USD/gallon, tương đương mức giá một tháng trước và giảm 8% so với cùng kỳ năm 2023 (1 gallon = 3,78 lít).
Chuyên gia phân tích dầu mỏ Homayoun Falakshahi của công ty cung cấp dữ liệu Kpler nhận định với CNN: “Thị trường năng lượng thế giới hiện không có phản ứng đáng kể trước bất ổn an ninh trên Biển Đỏ vì giới giao dịch cho rằng căng thẳng leo thang không thể ảnh hưởng đến nguồn cung dầu mỏ”.
Quay trở lại năm 2022, thị trường năng lượng thế giới lại khá nhạy cảm với cuộc xung đột Nga-Ukraine, khi bất kỳ một dấu hiệu rất nhỏ cho thấy bất ổn địa chính trị leo thang cũng khiến giá dầu, khí đốt và các hàng hóa khác tăng chóng mặt.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng các dữ liệu kinh tế quan trọng, như nhu cầu suy yếu tại những nền kinh tế lớn như Trung Quốc và Đức, cùng với nguồn cung khí đốt dồi dào đang lấn át những lo ngại về tình hình căng thẳng ở Trung Đông, ít nhất ở thời điểm hiện tại.
Khả năng dư thừa nguồn cung dầu
Theo số liệu của Kpler, khoảng 10-12% lượng dầu thô xuất khẩu toàn cầu, và 14-15% các sản phẩm dầu xuất khẩu, như xăng và dầu diesel, thường đi qua Biển Đỏ.
Do lo ngại an ninh, nhiều tàu chở dầu đã chuyển sang tuyến đường dài hơn trong những tuần gần đây. Tuy nhiên, chuyên gia Falakshahi nhận định việc chuyển hướng này sẽ không ảnh hưởng đến nguồn cung dầu toàn cầu. Vị chuyên gia cho biết: “Dù một số tàu chở dầu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng, nhưng cuối cùng thì khối lượng dầu vẫn không đổi”.
Trong khi nguồn cung không bị đe dọa do bất ổn tại Trung Đông, tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu lại đang suy yếu. Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc hồi tuần trước xác nhận rằng nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đạt mức tăng trưởng 5,2% trong năm 2023. Số liệu này cao hơn kỳ vọng của chính phủ Trung Quốc, song vẫn ghi nhận mức thấp nhất của Bắc Kinh trong hơn ba thập kỷ.
Trong khi đó, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) hôm 18/1 dự đoán mức tăng nhu cầu dầu toàn cầu sẽ giảm một nửa trong năm nay.
Ngoài ra, nguồn cung dầu toàn cầu được dự đoán sẽ chạm mức cao nhất từ trước đến nay, do sản lượng khai thác đạt mức kỷ lục tại nhiều nước như Mỹ và Canada, bất chấp nỗ lực cắt giảm nguồn cung từ Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, còn gọi là nhóm OPEC+.
IEA nhận định nếu OPEC+ nới lỏng thỏa thuận cắt giảm nguồn cung trong quý 2, sự tăng trưởng sản lượng mạnh mẽ từ các nước thành viên có thể khiến nguồn cung dầu toàn cầu rơi vào tình trạng thặng dư lớn.
Dự trữ khí đốt tại châu Âu cao kỷ lục
Trong khi đó, những nỗ lực của châu Âu nhằm giảm sự phụ thuộc vào nguồn cung khí đốt của Nga kể từ đầu năm 2022, bao gồm tìm kiếm các nguồn cung thay thế, tăng cường năng lực tiếp nhận LNG, và bổ sung các kho dự trữ, đã phát huy tác dụng.
Chuyên gia cấp cao về khí đốt Xi Nan của công ty năng lượng Rystad Energy nói rằng lượng khí đốt dự trữ hiện ở mức cao lịch sử là yếu tố quyết định giúp giữ giá năng lượng tại châu Âu nằm trong tầm kiểm soát.
Theo Gas Infrastructure Europe tính đến ngày 16/1, lượng khí đốt dự trữ của Liên minh châu Âu (EU) đã đầy 78%, cao hơn mức trung bình 63% cùng kỳ trong giai đoạn từ 2017-2021.
Bên cạnh đó, bà Nan nhận định việc một số tàu chở LNG từ Qatar tới châu Âu phải đi vòng qua Mũi Hảo Vọng chỉ khiến thời gian vận chuyển kéo dài thêm khoảng 10 ngày, song không ảnh hưởng đến nguồn cung cho khu vực.