Tham gia vào sự kiện, các em nhỏ sẽ được chơi những đồ chơi được làm từ nguyên liệu tái chế. Đây là những nguyên liệu đã được làm sạch và đảm bảo độ an toàn.
Từ những vật hết sức bình thường hay thậm chí là vật bỏ đi như tấm bìa carton, chiếc lốp xe cũ, hay vỏ hộp sữa, mẩu gỗ, rơm rạ, lá cây khô… mỗi em lại có thể sáng tạo ra một cách chơi khác nhau. Có em sẽ dùng chiếc hộp carton để tạo thành xe ô tô, hoặc có em lại thích nối những chiếc hộp đó thành một đường hầm xinh xắn. Những đồ chơi được sử dụng trong sự kiện là những đồ vật không có tập hợp định hướng trước (Loose-parts), chúng có thể xếp lại với nhau hoặc bị chia ra, được dùng đơn lẻ hoặc có thể kết hợp với những vật khác. Từ đó xóa bỏ đi giới hạn và kích thích sáng tạo trong việc chơi của trẻ. Bà Chu Kim Đức - Giám đốc Think Playgrounds chia sẻ: “Người lớn có thể là chuyên gia của rất nhiều thứ, nhưng về chơi thì trẻ em mới là chuyên gia. Khi trẻ em tự thiết kế ra môi trường chơi của mình, sử dụng những đồ không được thiết kế sẵn cho việc chơi là khi mà các em có sự sáng tạo nhất”.Cũng theo bà Đức, về khái niệm an toàn và phân biệt bẩn - sạch, hiện nay nhiều phụ huynh ở thành phố đang bị “cẩn thận” quá, làm mất cơ hội được gần gũi với thiên nhiên của trẻ nhỏ. Môi trường như vậy sẽ khiến trẻ khi ra ngoài rất dễ bị dị ứng. Giống như sự khác biệt giữa trẻ em ở quê và thành phố. Trẻ em ở quê ngay từ nhỏ đã được tiếp xúc với cây cối, đất cát, đồng ruộng... điều này giúp cho trẻ có một sức đề kháng tốt.
“Chơi tái chế - Loose-parts Play” là sự kiện thứ 2 trong chuỗi sự kiện “Chơi - Play Campaign” của Think Playgrounds. Chiến dịch được thiết kế nhằm mục đích thay đổi nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, ông bà và truyền thông Việt Nam về tầm quan trọng của vui chơi với sự phát triển của trẻ nhỏ, đồng thời vận động người dân thành phố có thể tự tạo ra không gian chơi cho trẻ em trong đô thị.