Vào một ngày đẹp trời (10/4/2020), nhà nghiên cứu Phạm Xuân Cần nảy ra ý định lập fanpage Vinh xưa, lấy tên một cuốn sách ảnh do ông dày công sưu tầm và biên soạn đã xuất bản thành công. Lúc đầu ông cũng chỉ nghĩ đây là địa chỉ online để nơi trao đổi thông tin của mấy người thích nghiên cứu về lịch sử hình thành và phát triển của TP Đỏ, ai dè chỉ sau một tuần số lượng người tham gia đã 5.000 người và đã lập tức phải điều chỉnh mục tiêu.
Sức sống của một diễn đàn
Fanpage Vinh xưa, sau 8 tháng giờ đã có trên 30.000 thành viên, là diễn đàn của "Vinh nhân" và những người yêu Vinh khắp thế giới. Chính xác Vinh xưa có mặt ở 10 quốc gia: Mỹ, Pháp, Đức, Nga… có người Nghệ bôn ba đất khách quê người, mưu sinh.
Vinh xưa, ảnh tư liệu của Pháp. |
Fanpage Vinh xưa là nơi người trẻ, gặp người già, nơi đàn ông gặp đàn bà, để ra đời những bài viết hoài niệm, thổn thức và cả những mong ước về một đô thị trẻ của bắc Trung bộ. Đó đây là những bài viết về nhà máy xe lửa Trường Thi, là hồ Goong, là những tháng ngày chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền bắc của máy bay Mỹ. Những người xa quê ước ao được nếm bát cháo lòng Nghi Phú, là giấc mơ đứng trên ngôi nhà tầng Quang Trưng ngắm bầu trờ Vinh về đêm. Những tiếng lòng “Ai còn nhớ…” xuất hiện với tầng suất ngày càng dày ở Fanpage Vinh xưa.
Từ 2.000 status ngắn có, dài có, thơ có, văn có, ban quản trị diễn đàn đã cùng Nhà xuất bản Nghệ biên tập và xuất bản cuốn "Vinh trong kí ức", được đông đảo người đọc đón nhận và yêu thương. Tiêu chí lựa chọn của ban biên soạn khá đơn giản, sự kiện, con người có thật và lay động trái tim người đọc. Chỉ trong tuần đầu, hơn 1.000 cuốn sách đã được bán hết vèo, ai cũng muốn nhìn thấy Vinh “nhân” (người Vinh), Vinh “địa” (địa danh Vinh) hay Vinh “sự” (sự kiện xẩy ra ở Vinh).
Ai cũng thấy được cha mẹ, người thân của mình trong "Vinh trong kí ức", mọi người sẽ có dịp tự soi bóng quá khứ nhớ nhớ, quên quên của mình. Được biết cuốn sách thứ hai viết về khu nhà cao tầng Quang Trung cũng theo phương thức “dân viết” như thế này.
Thành Vinh thời trước 1945. Ảnh Tư liệu |
Ảo và đời
Trong cuốn sách hơn 300 trang, có những tác giả đã gần 100 tuổi, người đọc sẽ bắt gặp những dòng tự sự đầy chất quê, da diết đến nao lòng người:
Vinh! Vinh ơi! Nước mặt cạn lâu rồi
Giữ phố phường vẫn giọng nói ấy thôi
Mà xa lạ như người không quen biết
Con đường nào in dấu chân thân thiết?
Tán lá nào phủ mát bóng người thương?
Đâu tiếng chuông thoảng gọi phút chiều buông?
Đâu ánh mắt dịu hiền luôn ngóng đợi
Năm mươi năm thời gian đâu chảy lại
(Tìm Vinh- Tôn Hy)
Hay nhà thơ trẻ Nguyễn Thị Thanh Yến có góc nhìn về Vinh mà chỉ có ai đã từng sống ở thành phố này mới cảm nhận được thành phố "thưở xuân thì":
E sẽ kể anh nghe về những ánh sáng bình minh
thành phố của em vừa ngủ dậy
có người chạy xe băng băng trên đường để thấy
mình như đương thưở xuân thì
(Em sẽ kể anh nghe...)
Các cây viết của diễn đàn Vinh xưa. Ảnh Fanpage Vinh xưa |
Ngoài sinh hoạt trên mạng, Vinh Xưa cũng đã tổ chức được một số hoạt động mang tính nhân đạo, từ thiện và tôn vinh những “giá trị Vinh”, thực sự có ý nghĩa. Diễn đàn đã đến thăm hỏi và tặng quà một người bán báo dạo gặp khó khăn, là khuôn mặt của những người bắn máy bay Mỹ năm 1968…
Hoạt động nhẹ nhàng, nhưng đầy ắp tình người, đến nỗi admin số 1 Phạm Xuân Cần của diễn đàn là đại tá công an, từng làm Phó bí thư thành ủy Vinh, Phó giám đốc Sở KHCN Nghệ An nhưng ông tự hào: “Trước đây khi xuất hiện ở đâu, người ta thường giới thiệu mình với rất nhiều chức danh "nguyên là", "vốn là". Nay thì chỉ ngắn gọn : "Đây là bác Cần Vinh Xưa". Thú thật là rất sướng!”.
“Năm xưa Tỉnh Nghệ Thành Vinh”
Tối 29/11/2020, tại TP Vinh đã diễn ra lễ ra mắt sách “Năm xưa Tỉnh Nghệ Thành Vinh” do Sở Văn hóa và Thể thao, Nhà Xuất bản Nghệ An, Thư viện Tỉnh, Book cafe đồng tổ chức. Đây là cuốn sách bao gồm những hình ảnh, nội dung của Nghệ An và TP Vinh từ cuối thế kỷ XIX, đến đầu thế kỷ XX do tác giả Phạm Xuân Cần sưu tầm, xác minh và giới thiệu, Nhà xuất bản Nghệ An ấn hành. Buổi ra mắt sách ý nghĩa hơn khi đúng dịp Nghệ An đang chuẩn bị tổ chức Lễ Kỷ niệm 990 năm Danh xưng Nghệ An (1030 - 2020). Năm xưa Tỉnh Nghệ, Thành Vinh đã được UBND tỉnh đặt hàng để làm quà tặng cho các đại biểu về dự lễ Kỷ niệm 990 năm danh xưng Nghệ An.
Nhà sưu tầm và biên soạn Phạm Xuân Cần chia sẻ: "Năm xưa tỉnh Nghệ, thành Vinh", bộ sưu tập gần 500 bức ảnh về Nghệ An và đô thị Vinh dưới thời thuộc Pháp, từ năm 1890 đến 1943. Đây là công trình đã được dày công thai nghén từ gần 20 năm nay”. Từ ngày trở thành sáng lập viên diễn đàn Vinh xưa, người đàn ông đã ngoài lục tuần như trẻ lại, bởi ông được gặp không biết bao nhiên người cùng sở thích nghiên cứu, sưu tầm văn hóa, lịch sử.
Ông Phạm Xuân Cần, ''nhà Vinh học số 1''. Ảnh FNCN |
Từ một sân chơi, giờ đây Vinh xưa đã nâng tầm thành nơi các nhà học thuật chia sẻ thông tin, đúng như Faxuca (nick name của ông Phạm Xuân Cần”: “ Định hướng nghiên cứu về lịch sử đô thị Vinh đã được xác định một cách quả quyết, rõ ràng hơn. Thậm chí không muốn và cũng không có hứng thú nghiên cứu bất kỳ cái gì ngoài Vinh xưa. Sự đời thích cái gì thì cái đó sẽ tìm đến. Tư liệu về Vinh từ nhiều nguồn, kể cả từ FB chảy về mình như lũ, tha hồ mà đọc. Chỉ tiếc là ngày xưa không biết mà học tiếng Pháp, giờ toàn phải...ngửi văn bản mà đoán”.
Là người quê lúa Yên Thành nhưng những gì ông mà đã đóng góp cho mảnh đất này, ông xứng đáng được tôn vinh là “nhà Vinh học số 1”.