Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng bắt đầu dự Hội nghị Thượng đỉnh G20

Theo Chinhphu.vn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã khai mạc vào 8 giờ tối nay (21/11), giờ Việt Nam, dưới sự chủ trì của Quốc vương Ả Rập Saudi Salman bin Abdulaziz Al Saud. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự hội nghị và có bài phát biểu tại các phiên thảo luận.

 Sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận đầu tiên. Ảnh: VGP 
Tham dự Hội nghị thượng đỉnh có lãnh đạo cấp cao của 20 nền kinh tế lớn nhất thế giới (Tổng thống Hoa Kỳ, Chủ tịch Trung Quốc, Tổng thống Nga, Thủ tướng Đức...) và khách mời (Thủ tướng Chính phủ Việt Nam và một số lãnh đạo các nước), cùng lãnh đạo các tổ chức quốc tế lớn như Liên Hợp Quốc (UN), Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO).
Phát biểu khai mạc hội nghị, Quốc vương Ả Rập Saudi cho rằng, đại dịch COVID-19 là cú sốc chưa từng có, ảnh hưởng tới toàn bộ thế giới chỉ trong thời gian ngắn, khiến cho nền kinh tế và xã hội toàn cầu bị thiệt hại nặng nề. “Chúng ta sẽ nỗ lực hết mình vượt qua cuộc khủng hoảng này thông qua hợp tác quốc tế”.
Nhắc lại cam kết đóng góp 21 tỷ USD để hỗ trợ nỗ lực toàn cầu chống lại đại dịch, Quốc vương Saudi Arabia nhấn mạnh, G20 đã thực hiện các biện pháp chưa từng có để hỗ trợ kinh tế các nước thành viên bằng cách dành 11.000 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp và cá nhân.
Theo Quốc vương, G20 phải giải quyết được những điểm yếu được bộc lộ do COVID-19 bằng cách nỗ lực bảo vệ tính mạng và sinh kế cho người dân. Mặc dù rất lạc quan về những tiến triển trong việc phát triển vaccine, thuốc đặc trị và các công cụ chẩn bệnh, G20 vẫn phải nỗ lực để tạo điều kiện cung cấp vaccine một cách bình đẳng và công bằng cho tất cả mọi người. Cùng lúc đó cũng phải chuẩn bị tốt hơn cho các đại dịch có thể bùng phát trong tương lai.
“Chúng ta cũng phải tiếp tục hỗ trợ cho nền kinh tế toàn cầu, mở cửa lại nền kinh tế các nước cũng như mở cửa lại biên giới để tạo điều kiện cho giao thương và đi lại. Chúng ta cũng phải hỗ trợ các quốc gia đang phát triển để có thể duy trì được thành quả phát triển của những thập kỷ qua”, Quốc vương nói.
“Chúng tôi đưa ra kế hoạch về nền kinh tế carbon tuần hoàn, coi đây là một kế hoạch để đạt được mục tiêu về khí hậu và đảm bảo bền vững về năng lượng, tạo ra năng lượng bền vững hơn, sạch hơn, giá cả hợp lý hơn”. “Chúng tôi hiểu rằng thương mại là đầu tàu của phục hồi kinh tế toàn cầu”.
Theo Quốc vương, các nhà lãnh đạo G20 đã gặp gỡ lần đầu tiên cách đây 12 năm để phản ứng trước cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và kết quả đạt được sau cuộc họp đó đã chứng minh rằng G20 là diễn đàn hàng đầu để có thể đối mặt với các thách thức toàn cầu.
“Một lần nữa chúng ta lại cùng nhau hợp tác để đối mặt với một cuộc khủng hoảng lớn toàn cầu đã gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế thế giới” -  Quốc vương Saudi Arabia tin rằng hội nghị lần này sẽ đưa ra được những kết quả mang tính quyết định về kinh tế xã hội để phục hồi niềm tin cho mọi người dân trên thế giới.
Sau phiên khai mạc, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng lãnh đạo cấp cao các nước đã tham dự phiên thảo luận đầu tiên với chủ đề “Vượt qua đại dịch, phục hồi tăng trưởng và việc làm”. Ngày mai 22/11, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục tham dự phiên thảo luận thứ 2 của Hội nghị về chủ đề “xây dựng tương lai bền vững, bao trùm và có khả năng chổng chịu”.
Năm nay, cũng do tác động của dịch Covid-19 nên các hội nghị của G20 kể từ tháng 3 đều được tổ chức theo hình thức trực tuyến.
Hội nghị thượng đỉnh G20 đã khai mạc vào 8 giờ tối nay (21/11). Ảnh: VGP
Với chủ đề “Hiện thực hóa cơ hội của thế kỷ XXI cho tất cả mọi người”, Hội nghị Thượng đỉnh G20 vào ngày 21 và 22/11 sẽ tập trung thảo luận các biện pháp đưa kinh tế thế giới vượt qua “cơn bĩ cực” mang tên Covid-19 và tiếp tục phát triển.
Thời gian qua đã chứng minh G20 không chỉ là diễn đàn của các cam kết chính trị, mà còn là nơi thúc đẩy các sáng kiến hành động thực chất và hiệu quả, với các mục tiêu rõ ràng. Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G20 mới đây đã cam kết “làm mọi thứ” để hỗ trợ sự ổn định tài chính và kinh tế toàn cầu; nhất trí gia hạn thêm 6 tháng đối với Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) cho các nước nghèo nhất thế giới năm nay và sẽ xem xét lại vấn đề này vào tháng 4/2021... Đến nay, các nước thành viên G20 đã đóng góp hơn 21 tỷ USD để hỗ trợ tài trợ cho y tế toàn cầu.
Đây là lần thứ 3 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 kể từ năm 2017 (dự G20 tại Đức trên cương vị Chủ tịch APEC). G20 năm 2019, nước chủ nhà Nhật Bản mời Việt Nam tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 với tư cách là khách mời đặc biệt.
Năm nay, là nước Chủ tịch ASEAN 2020, Việt Nam được nước Chủ tịch G20 Saudi Arabia mời tham gia các Hội nghị quan trọng của G20. Sự tham gia của Việt Nam vào G20 tiếp tục khẳng định các nỗ lực chủ động tham gia và phát huy vai trò của Việt Nam tại các cơ chế đa phương nói chung. Việc Việt Nam thường xuyên được mời tham dự các hội nghị của G20 những năm gần đây cũng cho thấy vai trò, vị trí và uy tín quốc tế của Việt Nam ngày càng gia tăng trên trường quốc tế. 
Đây cũng là dịp để Việt Nam đóng góp hơn nữa vào nỗ lực chung toàn cầu nhằm ngăn chặn Covid-19 với tư cách một quốc gia đã khống chế và kiểm soát thành công đại dịch, được thế giới đánh giá cao; khẳng định hình ảnh đất nước phát triển năng động, khả năng thích ứng, cởi mở, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế.
Đây là lần thứ hai các nhà lãnh đạo G20 họp trực tuyến trong năm 2020 nhằm phối họp chính sách toàn cầu ứng phó dịch Covid-19 và thúc đẩy phục hồi kinh tế bền vững, cân bằng và bao trùm. Vào tháng 3/2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự hội nghị trực tuyến đặc biệt với các nhà lãnh đạo G20 nhằm thúc đẩy phối hợp toàn cầu ứng phó với dịch Covid-19.
G20 là diễn đàn của 20 nền kinh tế lớn, gồm 19 quốc gia có nền kinh tế lớn nhất thế giới và Liên minh châu Âu (EU), hiện chiếm 2/3 dân số thế giới, hơn 90% GDP toàn cầu và khoảng 80% thương mại quốc tế.