Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc thăm khu vực trưng bày sản phẩm của doanh nghiệp tại hội nghị “Phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp - Hội nhập, hiệu quả, bền vững” ngày 23/12. Ảnh: Quang Hiếu |
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh: Thực hiện trọng trách quốc tế, nâng cao vị thế đất nước Năm 2020 có ý nghĩa hết sức quan trọng, cả nước chuẩn bị tổ chức Đại hội Đảng bộ các cấp và hướng tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Năm 2020 cũng là năm kỷ niệm 75 năm thành lập của ngành Ngoại giao, Việt Nam đảm nhiệm trọng trách quốc tế Chủ tịch ASEAN 2020 và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc nhiệm kỳ 2020 - 2021. Trong bối cảnh đó, Bộ Ngoại giao cần quyết tâm, nỗ lực hơn nữa để thực hiện thắng lợi mọi nhiệm vụ đối ngoại, góp phần xứng đáng vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Chủ đề thi đua của Bộ Ngoại giao năm 2020: “Năm ASEAN 2020 và Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc: Thực hiện trọng trách quốc tế, nâng cao vị thế đất nước, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Vì vậy, gắn kết nội khối để thúc đẩy ASEAN phát triển, tích cực tìm giải pháp cho các vấn đề nóng của khu vực và thế giới để đem lại hòa bình, ổn định chung là trọng trách quốc tế của Việt Nam trong năm 2020. Trên tinh thần đó, ưu tiên hàng đầu của Việt Nam trong năm tới là đóng góp cùng ASEAN thực hiện các mục tiêu của “Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2025” và “Kế hoạch Tổng thể xây dựng các trụ cột cộng đồng”. ASEAN ngày càng có vị trí quan trọng trên thế giới, vì vậy đóng góp vào khu vực chính là cách nâng tầm đất nước bởi vai trò của Việt Nam sẽ vững vàng hơn trong một cấu trúc rộng mở. Việt Nam sẽ đề ra định hướng mới, nâng cao hiệu quả cơ chế hợp tác do ASEAN dẫn dắt, góp phần củng cố vai trò trung tâm của ASEAN trong một thế giới mở, minh bạch và dựa trên luật lệ. Việt Nam tiếp tục đóng góp để tạo môi trường thuận lợi cho việc đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả và phù hợp luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS 1982). Đặc biệt hơn, chúng ta được đặt ở tâm thế chủ động và tích cực giải quyết những vấn đề an ninh toàn cầu phức tạp trong vai trò Thành viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc. Cùng với kinh nghiệm tham gia Hội đồng bảo an lần trước vào năm 2008 - 2009, Việt Nam sẽ nêu những sáng kiến và đề xuất đáp ứng được kỳ vọng và phù hợp lợi ích của các bên. Với vị thế hiện nay của đất nước, sự tin tưởng và kỳ vọng vào đóng góp của Việt Nam ở các diễn đàn, tổ chức quốc tế ở mức cao hơn. Đây vừa là vinh dự vừa là thách thức nhưng nếu làm tốt, ta sẽ một lần nữa tạo dấu ấn và nâng tầm vị thế quốc gia. | ||
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng: Hành động vì một Việt Nam thịnh vượng Điểm sáng nhất của bức tranh kinh tế 2019 là sức chống chịu của nền kinh tế đã được nâng lên rất nhiều. Nền kinh tế có độ mở lớn, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào yếu tố bên ngoài. Thế nhưng, một năm trôi qua với những biến động thế giới phức tạp, kinh tế Việt Nam không bị tác động nhiều, vẫn đảm bảo tăng trưởng và ổn định. Bên cạnh đó, tính tự chủ của nền kinh tế cũng được nâng lên rõ rệt... Nền kinh tế tiếp tục cho thấy khả năng chống chịu tốt nhờ hoạt động xuất khẩu tăng mạnh, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục tăng trưởng. Nhiều chỉ số khác như tăng trưởng tín dụng chậm lại, lạm phát được kiểm soát dưới 4%, giải ngân FDI tăng, số DN thành lập mới đạt kỷ lục cho thấy tăng trưởng kinh tế đạt được không phải do tăng cung tiền, mà là tăng trưởng thực. Môi trường kinh doanh đã có nhiều cải thiện, nhiều rào cản đã được tháo gỡ, hiệu quả đầu tư kinh doanh cao hơn giúp củng cố niềm tin của DN… Trong thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục tập trung vào những vấn đề then chốt, gồm đổi mới khoa học công nghệ - sáng tạo, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, thu hút đầu tư nước ngoài mạnh mẽ. Trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0 (CMCN 4.0) và Việt Nam đang trong giai đoạn dân số vàng, việc tiếp cận khoa học công nghệ rất dễ, thì đổi mới sáng tạo là chìa khóa vàng cho sự phát triển của Việt Nam. Tuy nhiên, Việt Nam cần có sự bứt phá. Sẽ không thể thành công nếu không liên tục tìm tòi, sáng tạo, đổi mới tư duy, chủ động xây dựng cách thức phát triển nền kinh tế, đổi mới thể chế, cơ chế, chính sách. | ||
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh: Liên kết để gỡ rào cản thương mại Năm 2020 là năm kết thúc nhiệm kỳ 5 năm Đại hội Đảng toàn quốc, đồng thời là năm bắt đầu cho chiến lược 10 năm về kinh tế - xã hội 2020 - 2030. Tuy nhiên, bối cảnh hiện nay đang diễn biến nhanh chóng và phức tạp. Đó là chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch cũng như chủ nghĩa thương mại đơn phương tạo ra những rào cản trong tự do thương mại hóa cho những phát triển hướng tới sự tiến bộ phồn vinh của các quốc gia và các nền kinh tế, đặc biệt là các nước đang phát triển trong đó có Việt Nam và các nước ASEAN. Thậm chí những xung đột đang có chiều hướng ngày càng gay gắt giữa các cường quốc kinh tế thế giới mà tác động không chỉ đến tự do hóa thương mại hay bảo hộ mậu dịch, mà còn đặt ra các nguyên tắc liên quan đến sự tồn tại của những tổ chức thương mại đa phương như Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Mặt khác là sự tiếp nối và liên kết để đảm bảo khả năng thích ứng và chống chọi với cơ hội mới và tiếp tục tạo sức sống mới cho ASEAN và các khu vực hợp tác của các đối tác. Phải kể đến 6 Hiệp định Thương mại tự do mà ASEAN đã có với các đối tác lớn trên thế giới tác động rất mạnh mẽ vào cấu trúc thương mại của toàn cầu. Đặc biệt với Hiệp định (RCEP) mà Việt Nam đang cùng các nước ASEAN dự kiến sẽ cùng các đối tác tổ chức ký kết vào năm 2020 chắc chắn sẽ mang lại cục diện mới và kết cấu mới của khu vực và thế giới. Bởi, một nền thương mại tự do trên thế giới mà chiếm đến gần 40% tổng GDP của thế giới thì chắc chắn sẽ có tác động rất mạnh mẽ đến toàn cầu hóa, đến thương mại tự do. Đồng thời nó tiếp tục ngăn chặn chủ nghĩa mậu dịch có hiệu quả. Từ những nền tảng đó và với những mục tiêu và trong cục diện bối cảnh như vậy, việc Việt Nam chọn ưu tiên như thế nào để đảm bảo được vừa thực hiện cho mục tiêu chung của ASEAN, đóng góp vào xu thế chung của thế giới, nhưng đồng thời không xa rời những tôn chỉ mục đích của ASEAN và của khối FTA này. | ||
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Đổi mới mô hình tăng trưởng nông nghiệp Năm 2019, nông nghiệp nước ta tiếp tục hội nhập sâu hơn, nhưng đồng thời cũng đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Trong bối cảnh đó, T.Ư Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã kịp thời lãnh đạo, điều chỉnh cơ chế, chính sách sát với thực tiễn. Nhờ vậy, nông nghiệp nước ta vẫn duy trì được đà tăng trưởng khá. Đó là kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 41,3 tỷ USD, thặng dư thương mại cao kỷ lục 10,4 tỷ USD; 54% tổng số xã đạt tiêu chí nông thôn mới. Năm 2019 tăng trưởng GDP toàn ngành nông nghiệp chỉ đạt 2,2%, có nguyên nhân chủ yếu do bệnh dịch tả lợn châu Phi. Năm 2020, ngành nông nghiệp tiếp tục xác định đối mặt với nhiều khó khăn cố hữu và đứng trước những thách thức mới, nhất là về năng lực sản xuất; thị trường cạnh tranh; biến đổi khí hậu; dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi... Tuy nhiên, ngành NN&PTNT đặt mục tiêu phấn đấu tăng trưởng GDP từ 2,8 – 3,0%; kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 42 tỷ USD; có ít nhất 59% tổng số xã đạt chuẩn nông thôn mới... Để thực hiện thắng lợi những mục tiêu, nhiệm vụ đề ra, Bộ xác định tiếp tục cơ cấu lại nông nghiệp gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Tổ chức sản xuất theo chuỗi giá trị với 3 nhóm sản phẩm chủ lực. Kết nối nông nghiệp với công nghiệp chế biến. Thúc đẩy xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả xây dựng nông thôn mới, cải thiện nhanh hơn đời sống của nông dân. | ||
Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng: Thúc đẩy số hóa ngân hàng và hỗ trợ doanh nghiệp Năm 2019, nền kinh tế, thương mại và đặc biệt là thị trường tài chính toàn cầu trải qua nhiều biến động lớn. Trên cơ sở định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã chủ động điều hành chính sách tiền tệ phối hợp chặt chẽ với các chính sách vĩ mô khác, đạt được mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng vào thành công chung trong điều hành vĩ mô của Chính phủ. Năm 2020, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều hành lãi suất, tỷ giá ổn định, linh hoạt, phù hợp với cân đối vĩ mô và diễn biến thị trường; tập trung triển khai có hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ DN tiếp cận vốn ngân hàng, đặc biệt là tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục vay vốn, phối hợp với chính quyền địa phương đẩy mạnh triển khai chương trình kết nối ngân hàng – DN. Cùng với đó tiếp tục đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt và thúc đẩy ứng dụng công nghệ số trong lĩnh vực ngân hàng theo hướng bứt phá, đổi mới sáng tạo nhưng vẫn chú trọng tới công tác bảo đảm an toàn, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, hạn chế rủi ro. Ngành ngân hàng cũng sẽ tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành, địa phương đồng hành cùng cộng đồng DN; tiếp nhận và xử lý kịp thời các ý kiến, kiến nghị của DN. Đồng thời, tiếp tục nghiên cứu, rà soát để hoàn thiện cơ chế chính sách trong lĩnh vực tiền tệ, ngân hàng, đảm bảo phù hợp với thực tiễn, hỗ trợ DN phát triển. |