Chiều 9/4, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19. Tại điểm cầu Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý chủ trì.
Số ca mắc bằng 42% so với tuần trước
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Quốc gia, tính đến 12h ngày 9/4, cả nước ghi nhận 251 trường hợp mắc, trong đó 126 ca đã khỏi bệnh (106 trường hợp tiếp tục được theo dõi tại các cơ sở y tế); 125 bệnh nhân đang được điều trị tại 18 cơ sở khám, chữa bệnh.
Trong tuần từ ngày 1 - 7/4, số ca mắc trong tuần chỉ bằng 42% so với tuần trước đó (từ 25 - 31/3) đã phản ánh phần nào kết quả của việc thực hiện giãn cách xã hội từ ngày 1/4/2020 theo chỉ đạo tại Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ Y tế đang phối hợp với Bộ TT-TT cùng các DN chuyển đổi số đang gấp rút hoàn hiện giải pháp và triển khai thử nghiệm nền tảng dùng chung trên nền công nghệ điện toán đám mây (cloud computing), trí tuệ nhân tạo (AI), Big data… nhằm kết nối toàn diện các cơ sở khám chữa bệnh với người dân trên phạm vi toàn quốc phục vụ khám chữa bệnh từ xa góp phần nâng cao chất lượng quản lý, khám chữa bệnh và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Chương trình này dự kiến sẽ triển khai thí điểm tại một số bệnh viện trước 16/4, sau đó mở rộng triển khai toàn quốc từ 18/4.
Xử phạt nghiêm trường hợp không thực hiện giãn cách xã hội, không đeo khẩu trang
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu, gần 50% dân số thế giới đang yêu cầu ở nhà để phòng chống Covid-19. Nhiều nước thực hiện các biện pháp rất mạnh mẽ, quyết liệt nếu người dân ra đường phố không đúng quy định. Ở Việt Nam, về cơ bản chúng ta đang kiểm soát tốt tốc độ lây lan, song nguy cơ lây nhiễm của Covid-19 đang rất lớn nên tuyệt đối không được chủ quan, mất cảnh giác. “Yêu cầu mọi người phải thực hiện nghiêm giãn cách xã hội và đeo khẩu trang khi ra công cộng. Ai không thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 16 thì phải xử phạt nghiêm” – Thủ tướng nói.
Về giải pháp chống dịch, Thủ tướng khẳng định tính đúng đắn của các biện pháp mà Nhà nước đang làm, có thể thay đổi chiến thuật vào tùy thời điểm, nhưng luôn kiên định về chiến lược. Những thành công ban đầu quan trọng đã khẳng định điều đó.
Để ngăn chặn nguồn xâm nhập từ bên ngoài, Thủ tướng yêu cầu tiếp tục giữ chặt biên giới, tiếp tục kiểm soát chặt chẽ các chuyến bay. Hạn chế tối đa các chuyến bay nội địa. Tiếp tục khuyến cáo công dân không về nước trước ngày 15/4. Đối với người nhập cảnh đều phải thực hiện cách ly. Bộ Y tế mở các kênh tư vấn y tế, hệ thống khám chữa bệnh trực tuyến.
Lưu ý tình hình ở biên giới Tây Nam, Thủ tướng đề nghị tiếp tục thực hiện Chỉ thị 16, các địa phương cần chấn chỉnh thực hiện nghiêm biện pháp cách ly xã hội với những biện pháp mạnh mẽ. Đồng thời, tạo điều kiện đưa hàng hóa thông quan thuận tiện.
Để chuẩn bị tốt cho việc cách ly, Thủ tướng đề nghị cần rút các bài học kinh nghiệm, thành công trong giai đoạn 1, tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm theo chỉ đạo. Quân đội địa phương chuẩn bị các kịch bản điều hành khu cách ly để không bị động. Đối với phát hiện sớm các trường hợp, khoanh vùng dập dịch, Thủ tướng cho rằng khai báo trung thực về y tế đối với các cá nhân có liên quan vẫn là vấn đề cần đặt ra; tăng cường năng lực xét nghiệm theo tinh thần 4 tại chỗ. Rút kinh nghiệm của TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, cần thay đổi chiến lược xét nghiệm cho phù hợp. Không chủ quan trong phán đoán nhưng phải hành động ngay và dứt khoát.
Thủ tướng đề nghị tập trung huấn luyện chuyên môn điều trị và sử dụng máy thở cho các tuyến, đảm bảo thuốc men nếu dịch xảy ra trên diện rộng. Từ kinh nghiệm của BV Bạch Mai, cần đặc biệt lưu ý tiếp tục thực hiện phòng lây nhiễm Covid-19 trong các cơ sở y tế, phải đảm bảo duy trì lực lượng trực tiếp chiến đấu này. Đồng thời nhấn mạnh, đây là thời cơ và cũng là thách thức đối với các ngành sản xuất thiết bị, công cụ y tế, sản xuất máy thở chủ động hơn. “Chúng ta sẽ có ngành công nghiệp sản xuất máy thở ở Việt Nam. Khi thế giới đứt gãy các chuỗi cung cầu, chủ động nguồn cung là biện pháp hữu hiệu, căn cơ nhất” – Thủ tướng nói.
Trong công tác truyền thông, Thủ tướng lưu ý phòng, chống dịch là chính chứ không phải chống giặc trên mạng. Về hỗ trợ người Việt Nam ở nước ngoài, trước hết chúng ta cần vận động bà con ở lại nước sở tại. Chính phủ sẽ có những hỗ trợ khẩn cấp đối với bà con gặp khó khăn ở nước ngoài, nhất là ở Campuchia. Thủ tướng cũng cho biết, Chính phủ sẽ xem xét các chuyến bay thương mại về nước sau ngày 15/4 để đưa người Việt Nam ở nước ngoài về, ưu tiên du học sinh, người cao tuổi, người đi du lịch bị mắc kẹt ở nước ngoài trước hết là ở những nước Nhật Bản, Anh, Mỹ, Singapore.