Thủ tướng Merkel cho biết, các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) hôm 8/2 đã thông qua thỏa thuận do Pháp và Đức đề xuất, theo đó cho phép Berlin đóng vai trò là bên đàm phán chủ đạo với Nga liên quan đến tuyến đường ống Dòng chảy Phương Bắc 2 dẫn khí đốt từ Nga tới châu Âu.
“Về dự thảo thỏa thuận khí đốt liên quan đến dự án Dòng chảy Phương Bắc 2, chúng tôi đã đạt được bản thỏa hiệp vì Đức và Pháp phối hợp chặt chẽ với nhau” bà Merkel phát biểu tại cuộc họp báo chung với Tổng thống Malian Ibrahim Boubacar Keita hôm 8/2.
Một quan chức ngoại giao cho hay thỏa hiệp giữa Pháp và Đức đã "được thông qua gần như tuyệt đối". Một quan chức ngoại giao khác cũng xác nhận thỏa thuận này đã được thông qua trong cuộc họp của đại sứ các nước EU ở thủ đô Brussels (Bỉ).
Theo thỏa thuận đạt được giữa Paris và Berlin trước khi trình đại sứ các nước EU, Pháp và Đức nhất trí đảm bảo các quy định đối với hoạt động nhập khẩu khí đốt sẽ được áp dụng dựa trên "lãnh thổ và lãnh hải của nước thành viên nơi bố trí điểm kết nối đầu tiên" thay vì dựa trên "lãnh thổ của các nước thành viên EU" và/hoặc "lãnh hải các nước thành viên EU" như dự thảo thỏa thuận được đưa ra trước đó.
Trước đó, một nguồn tin ngoại giao của Pháp tiết lộ với AFP hôm 7/2 cho biết, Paris không cản trở việc thực hiện dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 đưa khí đốt từ Nga tới Đức.
Nhưng theo nguồn tin này, Chính phủ Pháp muốn có cam kết về việc “bảo đảm cho an ninh của châu Âu nói chung và an ninh cũng như ổn định của Ukraine nói riêng".
Dòng chảy Phương Bắc 2 là dự án liên doanh giữa tập đoàn Gazprom của Nga với 5 công ty của châu Âu. Khi hoàn thành, dự kiến vào cuối năm 2019, mỗi năm, hệ thống đường ống dài 1.225 km này sẽ vận chuyển 55 tỷ m3 khí đốt tự nhiên từ Nga tới các nước thành viên EU thông qua Biển Baltic đến Đức, không đi qua lãnh thổ Ukraine.
Dòng chảy Phương Bắc 2 vấp phải sự phản đối của nhiều quốc gia ở miền đông và miền trung châu Âu, đặc biệt là Ukraine vì cho rằng dự án khiến gia tăng nguy cơ châu Âu phải phụ thuộc nhiều hơn vào khí đốt tự nhiên của Nga.
Ngoài một số nước châu Âu, Mỹ cũng là nước phản đối dự án đưa khí đốt từ Nga tới Đức này.
Tuy nhiên, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho đến nay vẫn khẳng định rằng tuyến đường ống khí đốt Dòng chảy Phương Bắc 2 là một "dự án kinh tế thuần túy" và sẽ đảm bảo nguồn cung cấp khí đốt rẻ hơn, đáng tin cậy hơn cho châu Âu.