Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Quảng Nam sẽ là tỉnh công nghiệp vào năm 2020

Doãn Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 24/3 tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam đã long trọng tổ chức lễ kỷ niệm 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng (1997 – 2017) và 42 năm giải phóng tỉnh Quảng Nam (1975 – 2017).

 Lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã có mặt tại Lễ Kỷ niệm

Tới dự buổi lễ có có các đồng chí Nguyễn Xuân Phúc – Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Trương Tấn Sang – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước CHXHCN Việt Nam; Phạm Thế Duyệt – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam, Phan Diễn – nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban bí thư; Võ Văn Thưởng – Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đặng Thị Ngọc Thịnh – Phó Chủ tịch nước CHXHCN Việt nam; Uông Chu Lưu – Phó Chủ tịch Quốc hội, cùng các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo, các bộ ngành trung ương, địa phương và đông đảo cán bộ Đảng viên, nhân dân tỉnh Quảng Nam.
Tại buổi lễ, ông Nguyễn Ngọc Quang – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam đã ôn lại chặng đường 500 năm lịch sử hình thành tỉnh Quảng Nam và 20 năm tái lập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Từ một tỉnh nghèo, mọi hoạt động hàng năm phải dựa vào nguồn ngân sách nhà nước, đến nay tỉnh đã vươn lên mạnh mẽ thoát nghèo và trở thành một tỉnh khá, chủ động được nguồn ngân sách. Nếu như ở thời điểm tái lập tỉnh, tổng thu ngân sách của tỉnh mới chỉ đạt 135 tỷ đồng, đến năm 2016 tăng lên 6000 tỷ đồng và đặc biệt đến hết năm 2016 tổng thu ngân sách của tỉnh đã lên tới trên 20 nghìn tỷ đồng.
 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Lễ kỷ niệm

Quảng Nam có vị trí địa lý cùng điều kiện tự nhiên thuận lợi để phát triển kinh tế một cách toàn diện từ công nghiệp, nông – lâm nghiệp, thủy sản tới các ngành du lịch, dịch vụ. Trong đó, công nghiệp – dịch vụ đang vươn lên chiếm vị trí chủ đạo trong nền kinh tế của tỉnh với trên 80% đóng góp vào ngân sách địa phương hàng năm.

Quảng Nam không chỉ là một địa bàn đặc biệt của Việt Nam mà còn của thế giới, là nơi có 2 di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hiệp quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa thế giới, đó là: Phố cổ Hội An và Thánh địa Mỹ Sơn.

Phát biểu tại buổi lễ Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Chúng ta vô cùng tự hào vì những thành quả vượt bậc mà tỉnh Quảng Nam đạt được trong 20 năm qua, cùng với việc bảo tồn không gian sống của những giá trị di sản làm nên huyền thoại về một trung tâm giao thương phồn vinh nhất ở Đàng Trong ở những thế kỷ trước. Quảng Nam đang từng bước trở thành một điểm đến hấp dẫn nhà đầu tư, sẽ trở thành một tỉnh giàu có, toàn diện ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên và của cả nước”.
 Thủ tướng Nguyễn Xuyên Phúc trao Huân chương Độc lập hạng Nhất cho Tỉnh Quảng Nam

Kết thúc năm 2016, tỉnh Quảng Nam tiếp tục vươn lên mạnh mẽ về mọi mặt kinh tế - xã hội, GDP bình quân đầu người đạt trên 53 triệu đồng/người/năm cao hơn mức bình quân chung của cả nước; thu ngân sách năm 2016 đạt gần 21 nghìn tỷ đồng gấp 170 lần so với thời kỳ tái lập, đứng thứ 10/63 tỉnh thành phố và là một trong số ít địa phương có điều tiết ngân sách về Trung ương; Công nghiệp – Dịch vụ cũng có bước phát triển ngoạn mục đứng thứ 16/63 tỉnh, thành phố.

Thủ tướng Nguyễn Xuyên Phúc bày tỏ sự vui mừng, phấn khởi trước những thành tựu Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã đạt được, qua đó Thủ tướng giao tỉnh tiếp tục phát huy và làm tốt hơn nữa những kết quả đã đạt được để Quảng Nam vươn lên trở thành một tỉnh công nghiệp vào năm 2020.

Thủ tướng cũng yêu cầu tỉnh phải thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế để làm nền tảng cho 20 năm tiếp theo, trong đó du lịch được coi là ngành thế mạnh của tỉnh nhưng chưa phát huy hết được tiềm năng. Bên cạnh việc phát triển các ngành công nghiệp – dịch vụ, cần phải tập trung khai thác những lợi thế to lớn của các ngành du lịch, nông nghiệp hữu cơ. Đặc biệt là phải tập trung cải thiện đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng núi, vùng đặc biệt khó khăn tại địa bàn, tiếp tục chăm lo hơn nữa đối với gia đình có công, gia đình chính sách và người nghèo.