Mạch máu của nền kinh tế
Tham luận tại Hội nghị, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Cơ Điện Lạnh (REE) Nguyễn Thị Mai Thanh đánh giá, TTCK như là xương sống, là mạch máu của nền kinh tế. Năm 2000, TTCK Việt Nam ra đời như một kênh huy động vốn với khuôn khổ pháp lý được ban hành.
Bên cạnh vốn vay ngân hàng thì kênh huy động vốn qua phát hành cổ phiếu trên TTCK và phát hành trái phiếu doanh nghiệp là hai kênh vô cùng quan trọng và hữu ích cho doanh nghiệp phục vụ cho phát triển công ty trong trung và dài hạn. Các doanh nghiệp muốn phát triển liên tục thì rất cần nguồn vốn bổ sung liên tục, trong đó nguồn phát hành cổ phiếu và trái phiếu là rất dồi dào cần được tiếp tục củng cố và phát huy. “Thông qua thị trường này, REE đã 8 lần phát hành cổ phiếu và huy động được 2.800 tỷ đồng để đầu tư mở rộng và tiếp tục phát triển” – bà Nguyễn Thị Mai Thanh nhấn mạnh.
Là một doanh nghiệp niêm yết thành công trên TTCK, Tổng Giám đốc Vingroup Nguyễn Việt Quang khẳng định, huy động vốn thông qua TTCK là phương thức huy động vốn không thể thiếu được ở một thị trường phát triển, đang ngày càng trở nên phổ biến và hiệu quả tại Việt Nam. Sự phát triển của thị trường vốn ở Việt Nam đã trải qua nhiều giai đoạn, có sự tăng trưởng nhanh chóng về quy mô, sự đa dạng của sản phẩm, khung pháp lý cũng ngày càng hoàn thiện hơn, để tạo ra một sân chơi công bằng, minh bạch cho tất cả các nhà đầu tư. Doanh nghiệp có thể huy động vốn thông qua việc phát hành cổ phiếu, trái phiếu, nhà đầu tư có thể đến từ trong nước hoặc quốc tế, giúp cho sự phát triển của các doanh nghiệp được hiện thực hóa thông qua những khoản vốn kịp thời, đúng thời điểm, và chi phí vốn hợp lý. Hàng nghìn nhà đầu tư quốc tế cũng đã rót nhiều tỷ USD vào các doanh nghiệp Việt Nam, gián tiếp thông qua kênh đầu tư chứng khoán.
Cũng đánh giá cao vai trò huy động vốn của TTCK, Tham tán công sứ Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam khẳng định, chức năng đầu tiên của TTCK là cung cấp nguồn vốn dài hạn và ổn định hơn cho các hoạt động phát triển doanh nghiệp so với vay ngân hàng. Bởi, khoản vay ngân hàng có kỳ hạn tương đối ngắn và không ổn định. Các khoản vay này đồng thời yêu cầu thanh toán hàng năm hoặc vài tháng một lần. Cổ phiếu cung cấp nguồn vốn cố định dưới hình thức vốn chủ sở hữu. Trái phiếu doanh nghiệp cung cấp nguồn vốn trong khoảng thời hạn từ 3 đến 5 năm.
Chức năng thứ hai của TTCK là nhằm nâng cao sự thịnh vượng của công dân Việt Nam. Nhà đầu tư cổ phiếu có thể gia tăng giá trị tài sản khi giá cổ phiếu tăng. Nhà đầu tư trái phiếu có thể nhận lợi suất đầu tư cao hơn so với tiền gửi ngân hàng. Quỹ hưu trí đầu tư vào cổ phiếu và trái phiếu để tạo ra các khoản lợi nhuận đáng kể, sau đó được phân phối cho công dân dưới hình thức lương hưu.
Tăng chất hàng hóa trên TTCK
Dù có những phát triển nhất định, tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, doanh nghiệp, TTCK Việt Nam phát triển chưa xứng tầm với vị thế.
Chủ tịch FPT Trương Gia Bình cho rằng, TTCK của Việt Nam phải lên một tầm nữa tương đương với TTCK của các nền kinh tế thị trường lớn, phải nâng cấp lên thị trường mới nổi. “Trong thời đại ngày nay, chuyển đổi xanh, chuyển đổi số là cặp bài trùng. Nếu làm được chúng ta mới có vốn xanh, trái phiếu xanh, tài chính xanh và đó là nguồn khổng lồ để kinh tế phát triển và cũng là để Việt Nam hòa nhập với thế giới” – Chủ tịch FPT Trương Gia Bình nhấn mạnh.
Nêu giải pháp phát triển, Chủ tịch HĐQT REE Nguyễn Thị Mai Thanh chỉ ra, các công ty niêm yết là "hàng hóa" trên TTCK phải tốt và không có hàng giả. Vấn đề mấu chốt đó là khuôn khổ pháp luật và chính sách cần được ổn định lâu dài. Chính phủ cần tiếp tục kiến tạo một môi trường luật pháp trong kinh doanh cởi mở, minh bạch hơn nữa, có thể tiến đến dịch vụ một cửa, giảm bớt cơ chế xin cho, chuyển dần sang cơ chế đăng ký và doanh nghiệp tự chịu trách nhiệm trong khuôn khổ pháp luật, không cấm là có thể tự động được làm.
Với vai trò là cơ quan tham mưu, tổng hợp, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Thị Bích Ngọc góp ý, cần phải khẩn trương hoàn thành nâng hạng TTCK Việt Nam từ thị trường cận biên lên mới nổi. Đồng thời, Bộ Tài chính cần ban hành kế hoạch hành động để triển khai chiến lược phát triển TTCK năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 29/12. Đặc biệt, cần đổi mới, cải cách thể chế và ban hành các quy phạm để làm cơ sở phát triển thị trường trái phiếu, TTCK ổn định, lành mạnh, dần đáp ứng các chuẩn mực, tiêu chuẩn quốc tế. Song song, cần phải chuyên nghiệp hơn nữa hoạt động của TTCK; tăng hàng hóa có chất lượng để huy động thêm nguồn lực tạo sản phẩm mới cho thị trường.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Chính phủ rất quan tâm tới thị trường tài chính, trong đó có TTCK. "Có lẽ không tuần nào tôi không nói chuyện và làm việc với các đồng chí lãnh đạo có liên quan tới TTCK, luôn theo dõi thị trường. Lúc 12 giờ 40 hằng ngày, tôi luôn theo dõi bản tin xem TTCK hôm nay thế nào để có phản ứng chính sách kịp thời, nếu không theo dõi được thì rất sốt ruột.
Thủ tướng bày tỏ: "Chúng ta cùng nhau xây dựng và phát triển TTCK Việt Nam còn non trẻ. Qua 25 năm, thị trường có nhiều thăng trầm, đột phá và đang tiếp tục phát triển theo tinh thần tiến kịp, đi cùng, tăng tốc, nên không thể không có những khó khăn, trong bối cảnh Việt Nam là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, quy mô còn khiêm tốn, sức chống chịu có hạn nhưng độ mở lớn, một tác động nhỏ bên ngoài cũng có thể ảnh hưởng lớn tới bên trong".
Về phương hướng phát triển TTCK, trong Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030 và Chiến lược phát triển TTCK đến năm 2030 có nhiều nội dung, song Thủ tướng nhấn mạnh 6 điểm.
Thứ nhất, Việt Nam sẽ tiếp tục giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thứ hai, chính sách phải nhất quán, phản ứng chính sách phải kịp thời, chính sách phải phù hợp và theo kịp thực tiễn. Thứ ba, quản lý nhà nước phải công khai, minh bạch, đúng quy luật thị trường. Thứ tư, Chính phủ, các cơ quan chức năng luôn bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể liên quan; luôn chia sẻ khó khăn và đặt mình vào vị trí nhà đầu tư, nhà phát hành để thiết kế chính sách, xây dựng một Chính phủ thực sự kiến tạo phát triển.
Thứ năm, Chính phủ quyết tâm nâng hạng TTCK, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững. Thứ sáu, liên hệ chặt chẽ giữa Nhà nước, nhà đầu tư và xã hội để thực hiện các chức năng cung cấp vốn; phát triển mạnh hạ tầng và hệ sinh thái TTCK.