Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thực hư thông tin Tập đoàn Qantas bất ngờ muốn rút khỏi Jetstar Pacific

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về việc Tập đoàn Qantas Group dự định rút khỏi liên danh trong hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific Airlines đang thu hút được sự quan tâm của dư luận.

Việc tập đoàn Qantas muốn rút khỏi liên danh Jetstar Pacific mới chỉ là tin đồn. (Ảnh minh họa)
Trong những ngày qua, trên mạng xã hội và một số trang báo xuất hiện thông tin Tập đoàn Hàng không quốc gia Australia - Qantas Group đang tính phương án rút khỏi liên danh hàng không giá rẻ Jetstar Pacific  sau 13 năm làm cổ đông chiến lược của hãng này.
Thậm chí, có thông tin còn cho rằng Qantas Group và Vietnam Airlines đang đàm phán các phương án để tập đoàn hàng không Australia có thể rút khỏi liên danh. Sốc hơn, còn có thông tin khẳng định Qantas có khả năng sẽ bàn giao lại 30% cổ phần mình đang năm giữ tại Jetstar Pacific mà không kém theo điều kiện về thu hồi vốn.
Thông tin trên xuất hiện trong bối cảnh các hãng hàng không của Việt Nam và trên toàn thế giới đang bị thiệt hại vô cùng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19 đã thu hút sự chú ý đặc biệt của dư luận.
Có thể nói, đây là giai đoạn khó khăn nhất trong lịch sử mà ngành hàng không đang phải trải qua. Đã có hãng không chịu nổi sức tàn phá dữ dội của dịch bệnh đã phải tuyên bố phá sản. Còn tại Việt Nam, các hãng hàng không cũng đang phải gồng mình lên chống đỡ trong giai đoạn khó khăn này.
Tuy nhiên, trao đổi với Kinh tế & Đô thị sáng 10/4, một nguồn tin riêng của phóng viên khẳng định, thông tin trên chỉ là tin đồn và hiện tại “chưa có gì đâu”. Theo nguồn tin trên, đây là giai đoạn rất khó khăn của các hãng hàng không, do đó nhìn nhận từ phía doanh nghiệp, họ có thể đưa ra một số phương án để cùng đánh giá, phân tích nhằm lựa chọn ra phương án tối ưu nhất giúp họ vượt qua giai đoạn khó khăn này.
Và, tin đồn về việc Tập toàn Qantas muốn rút khỏi liên danh Jetstar Pacific có thể là một trong những phương án được tính đến, hiện nay chưa có thông tin chính thức nào. “Sự việc này giống như như câu chuyện hai vợ chồng bàn bạc việc trong gia đình rồi đột nhiên ông hàng xóm nghe lỏm được lại đem ra bù lu bù loa lên thành ra câu chuyện bị tam sao thất bản” - nguồn tin trên cho hay.
Trước đó, vào ngày 15/6/1991, Jetstar Pacific Airlines được thành lập với tên gọi ban đầu là Pacific Airlines - hãng hàng không giá rẻ đầu tiên của Việt Nam, dù 7 cổ đông góp vốn ban đầu đều là doanh nghiệp nhà nước.
Năm 2007, Tập đoàn Hàng không quốc gia Australia - Qantas Group (Qantas Airways) đã mua lại 30% cổ phần Pacific Airlines để trở thành cổ đông chiến lược, và đổi tên hãng thành Jetstar Pacific Airlines. Với chiến lược phát triển hãng không giá rẻ. Hiện tập đoàn này cũng đang là đơn vị sở hữu thương hiệu Jetstar.
Sau đó, Vietnam Airlines đã trở thành cổ đông lớn của Jetstar Pacific. Từ đây, công cuộc cải tổ lại bộ máy, đội tàu bay, mạng đường bay của Jetstar Pacific bắt đầu được thực hiện và hãng bay giá rẻ này bắt đầu làm ăn có lãi. Năm 2018, Jetstar Pacific đã báo lãi 34,3 tỷ đồng; năm 2019, theo số liệu kinh doanh 9 tháng đã được công bố, hãng này tiếp tục ghi nhận lợi nhuận đạt hơn 205 tỷ đồng.
Hiện Jetstar Pacific có đội tàu bay 18 chiếc A320, khai thác 33 đường bay trong nước và quốc tế và hãng dự kiến nâng đội tàu bay lên 30 chiếc. Tuy nhiên, kế hoạch này bị tạm dừng do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.