Thực phẩm “nhảy nhót'', ''té nước” tăng theo mùa nắng nóng 2023

Việt Hùng - Minh Quang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong bối cảnh thời tiết nóng nực, khắc nghiệt, giá điện và nước vừa tăng đã kéo theo giá rau củ quả, thịt cũng tăng mạnh, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của người dân.

 Ảnh: Việt Hùng
 Ảnh: Việt Hùng

Nhiều mặt hàng tăng giá

Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong những ngày gần đây, tại một số chợ dân sinh, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố Hà Nội như: Trại Găng - Bạch Mai, Lương Yên - Bạch Đằng và chợ đầu mối phía Nam (quận Hoàng Mai), các mặt hàng thực phẩm đã rục rịch tăng giá. Đặc biệt rau xanh và thịt lợn tăng mạnh so với thời điểm trước.

Đối với các loại rau, củ, quả đã đồng loạt tăng từ 2.000 - 5.000 đồng, tùy từng khu chợ. Ví dụ, ở chợ đầu mối phía Nam, trước đây chanh có giá 22.000 đồng/kg, nay tăng lên 25.000 đồng/kg. Tại chợ Lương Yên – Bạch Đằng, một số cửa hàng còn bán 26.000 đồng/kg, chênh hơn 4.000 đồng so với giá cũ. Cà chua trước đây bán 10.000 đồng/kg, nay tăng lên 13.000 đồng, cải chíp và cải ngọt đồng loạt tăng 1.000 đồng so với giá cũ là 7.000 đồng/kg…

Sạp rau củ quả tại chợ Trại Găng - Bạch Mai. Ảnh: Việt Hùng
Sạp rau củ quả tại chợ Trại Găng - Bạch Mai. Ảnh: Việt Hùng

“Rau muống, mướp, dưa chuột… là những mặt hàng thiết yếu đã tăng do nhu cầu sử dụng hàng ngày của người dân. Nguyên nhân do thời tiết khắc nghiệt, xăng dầu tăng, kéo theo các chi phí như: Vận chuyển, bảo quản, nhân công... đã đẩy giá thành sản phẩm lên theo” – anh Tuấn (chủ sạp hàng rau tại chợ Bạch Đằng - Lãng Yên) chia sẻ.

Các tiểu thương chia sẻ, dù không muốn nhưng khi nhập hàng rau củ quả về bán đã tăng, buộc khi bán ra cũng phải tính toán để lấy công làm lãi. Điều đó dẫn đến người tiêu dùng sẽ chịu tác động nhiều nhất, đặc biệt với những gia đình có thu nhập thấp.

Tương tự, hiện tại, giá thịt lợn đã tăng lên đáng kể trong vòng một tuần qua. Đơn cử như thịt chân giò 106.000 đồng/kg, ba chỉ 129.000 đồng/kg, nạc vai 96.000 đồng/kg, sườn non 159.000 đồng/kg, sườn già 106.000 đồng/kg và có xu hướng tiếp tục tăng.

“Bình thường giá thịt lợn ở mức hợp lý thì mọi người tiêu thụ nhiều. Trước người tiêu dùng thường mua 1 - 2 kg/lần. Giờ giá mỗi ngày tăng lên 4 – 5.000 đồng/kg, có thời điểm lên gần chục nghìn đồng khiến người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu” - anh Quyền (chủ cửa hàng bán thịt lợn trong chợ Vĩnh Tuy, quận Hoàng Mai) chia sẻ.

Tiết giảm phụ phí

Trong điều kiện thời tiết nắng nóng kéo dài hiện nay, giá cả các nhu yếu phẩm như điện, nước và thực phẩm tăng vọt, gây khó khăn cho các hộ gia đình trong việc quản lý chi phí.

Chị Thu (phường Tam Trinh, quận Hoàng Mai), cho biết, điện nước tăng buộc gia đình phải sử dụng tiết kiệm. Chưa kể các mặt hàng nhu yếu phẩm sinh hoạt hàng ngày cũng tăng theo, gia đình chỉ còn biết “thắt lưng buộc bụng”, tránh lãng phí vì phải thêm một khoản tiền không đáng có.

“Cuộc sống thực sự khó khăn hơn trước. Khó chồng khó. Đi chợ giờ chỉ mua các thực phẩm đủ dùng. Là người dân tôi cũng chia sẻ với ngành điện, trong nhiều năm chưa tăng giá dẫn đến lỗ lớn, chỉ mong có giải pháp để đảm bảo điện tối thiểu cho sinh hoạt” - chị Thu tâm sự.

Đồng thời cho rằng, việc tăng đột ngột các hóa đơn hàng tháng có thể gây áp lực tài chính cho gia đình, buộc phải cắt giảm chi phí. Chị nhấn mạnh rằng, việc tiết kiệm và sử dụng năng lượng một cách ý thức là rất quan trọng để giảm thiểu chi phí.

Trước tình hình này, người tiêu dùng nên thận trọng trong việc lựa chọn và mua sắm các loại rau củ và thịt lợn. Để tiết kiệm chi phí, người tiêu dùng có thể lựa chọn các kênh mua sắm trực tuyến hoặc đến các khu vực chợ truyền thống vào những ngày cuối tuần, khi giá cả thường được giảm để tiết giảm chi phí.

 

Đối với mặt hàng điện tử, máy lạnh, chị Hồng – Chủ cửa hàng điện máy tại phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) chia sẻ, không có biến động, vì mặt hàng này không phải cứ tiền điện lên mà tăng theo. Việc tăng tiền điện không làm ảnh hưởng đến sức mua mặt hàng điện máy của người tiêu dùng.