70 năm giải phóng Thủ đô

Thượng đỉnh Nga-Thổ-Iran "đụng độ" nhóm họp Mỹ, đồng minh

Hương Thảo (Theo Newsweek)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi ngày thứ 2 của hội nghị "chống Iran" diễn ra tại Ba Lan thì Tổng thống Hassan Rouhani cũng bắt đầu cuộc gặp với 2 nhà đồng cấp Nga - Thổ Nhĩ Kỳ tại Sochi.

Lãnh đạo các nước Nga, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ. Ảnh: Tass   
Các nhà lãnh đạo Vladimir Putin, Recep Tayyip Erdogan và Hassan Rouhani ngày hôm nay (14/2) sẽ có cuộc gặp trực tiếp bên bờ Biển Đen để giải quyết cuộc xung đột Syria kéo dài hơn 7 năm qua. Trong một tuyên bố được đưa hồi đầu tuần, Điện Kremlin nói rằng "một khu định cư dài hạn ở Syria" dự kiến ​​sẽ được thảo luận trong cuộc gọp riêng của các nhà lãnh đạo tại Sochi.
Đáng nói, cuộc gặp ba bên diễn ra đúng vào thời điểm Mỹ và Ba Lan phát động một cuộc họp quốc tế kéo dài 2 ngày - bắt đầu từ hôm thứ Tư (13/2) - được cho là nhằm "thúc đẩy một tương lai hòa bình và an ninh ở Trung Đông". Tuy nhiên, cuộc họp này lại được đánh giá là nơi chính quyền Tổng thống Donald Trump, Israel, Ả Rập Saudi, một số đồng minh châu Âu và các quốc gia Ả Rập khác tiếp tục nhấn mạnh về "kẻ thù chung" Iran. Đại diện từ Tehran tất nhiên không được mời đến sự kiện này.
Iran đã bất hòa với Mỹ và một số quốc gia phương Tây khác kể từ Cách mạng Hồi giáo năm 1979, khi phế truất một vị quân vương được phương Tây ủng hộ và chứng kiến ​​một lãnh đạo Hồi giáo dòng Shiite tiếp quản.
Mặc dù Mỹ và Iran đều đã góp phần vào cuộc chiến chống khủng bố IS ở Iraq và Syria, nhưng họ đã phản đối sự hiện diện của nhau ở các quốc gia Ả Rập láng giềng và các nơi khác ở Trung Đông. 
Nga và Iran - các quốc gia nước ngoài duy nhất được Syria công nhận là có sự hiện diện hợp pháp tại nước này, đã kêu gọi Mỹ nhanh chóng rút quân sau khi cuộc chiến IS dần đi vào hồi kết. Đây cũng là điều mà ông Trump đã tuyên bố hồi tháng 12 năm ngoái, được dự báo sẽ góp phần đẩy nhanh các cuộc đàm phán giữa Lực lượng Dân chủ Syria do Mỹ hậu thuẫn và Chính phủ Syria, đồng thời truyền cảm hứng cho các quốc gia thuộc Liên đoàn Ả Rập đang muốn hàn gắn mối quan hệ của họ với Damascus với hy vọng hạn chế ảnh hưởng của Tehran.
Đáng chú ý, Nga trước đó đã từ chối lời mời tham dự sự kiện nhóm họp tại Ba Lan trong hai ngày 13-14/2, giống như nhiều đại diện các quốc gia Palestine, Iraq, Qatar, Thổ Nhĩ Kỳ, Algeria, Lebanon và EU.