Thường trực Thành uỷ Hà Nội làm việc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội: Đưa Hoàng Thành Thăng Long thành công viên di sản

Trần Long - Thanh Loan - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/2, Thường trực Thành uỷ đã làm việc với Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội và các sở ngành liên quan của TP về tiến độ triển khai các dự án do Trung tâm thực hiện.

Giáo sư Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Thành ủy; Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Nguyễn Thị Tuyến; Ủy viên T.Ư Đảng, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh; Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Phó Bí thư Thành uỷ Nguyễn Văn Phong chủ trì cuộc làm việc. Tham dự cuộc làm việc còn có các Uỷ viên Ban Thường vụ Thành uỷ.
 Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc làm việc.

Tập trung mọi nguồn lực để thực hiện dự án

Phát biểu mở đầu cuộc làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho biết, cuộc làm việc nhằm mục đích thúc đẩy việc hoàn tất cam kết của Chính phủ với UNESCO khi khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội được công nhận Di sản thế giới 8/2010. Đồng thời, nghe và cho ý kiến để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị di sản.

Theo Bí thư Thành ủy, sự có mặt của các đại biểu tại cuộc làm việc cho thấy sự quan tâm rất lớn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, nhà khoa học, UNESCO đối với một di tích lịch sử quan trọng của Thủ đô.
Hà Nội là trung tâm chính trị, hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hoá, khoa học, giáo dục, TP nghìn năm văn hiến, TP sáng tạo, TP vì hoà bình. Vì vậy, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP các thời kỳ đều hết sức coi trọng việc xây dựng văn hoá, con người Hà Nội. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII mới đây cũng nhấn mạnh việc phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn động lực nội sinh quan trọng hàng đầu và quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.
Đối với trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, từ khi được UNESCO công nhận Di sản thế giới, vinh danh thì Chính phủ và Hà Nội đều quan tâm thực hiện các cam kết với UNESCO. Đến nay, có 7/8 cam kết đã được thực hiện tốt và còn 1 nội dung là thống nhất quản lý khu di tích thì vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Từ đó, Bí thư Thành ủy đề nghị các cơ quan TP và đại biểu tập trung làm sáng tỏ được một số câu hỏi: Vì sao việc nhất thể hoá quản lý khu di sản đến nay vẫn chưa được thực hiện; việc triển khai các dự án đầu tư tại 2 khu di tích vẫn không đạt tiến độ, thậm chí kéo dài; các giải pháp để phát huy giá trị kép của hai khu di tích trên cơ sở gắn giữa bảo tồn với phát triển du lịch, đặc biệt là thực hiện tầm nhìn để Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội trở thành một công viên di sản giữa lòng Hà Nội…?
“Đối với các di sản này cần tập trung mọi thời gian, nguồn lực để thực hiện các dự án. Theo đó, phải nêu được chúng ta đã làm được cái gì, vướng mắc là cái gì, giải pháp gì để thực hiện…” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.
 Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh báo cáo tại cuộc làm việc.
 

Thực hiện được 7/8 cam kết với UNESCO

Theo Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh, Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2009, được UNESCO công nhận Di sản Thế giới vào tháng 8/20210. Khu di tích Cổ Loa đã được xếp hạng quốc gia đặc biệt năm 2002, đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tỷ lệ 1/1.200. Trong suốt nhiều năm qua, Trung tâm đã tổ chức đón tiếp, hướng dẫn tham quan nhiều đoàn khách trong nước và quốc tế tới thăm và làm việc tại 2 khu di sản. Các hoạt động trưng bày, triển lãm sự kiện chính trị, văn hóa, du lịch được tổ chức hàng năm, từng bước đưa Hoàng thành Thăng Long trở thành điểm đến thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế. Hàng năm, thông qua kết quả nghiên cứu Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đã phát triển các sản phẩm du lịch mang tính đặc thù của di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa.

Sau 10 năm được công nhận là Di sản Thế giới, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long thực hiện được 7/8 cam kết thực hiện của Thủ tướng Chính phủ với UNESCO. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc thống nhất quản lý khu di sản về di tích và di vật vẫn đang trong quá trình thực hiện. Cụ thể: Về công tác thống nhất quản lý di tích: TP Hà Nội đã tiếp nhận, quản lý được 91% diện tích di sản. Về công tác thống nhất quản lý di vật, hiện vật khảo cổ học: Khu di tích Hoàng thành Thăng Long được tiến hành khai quật khảo cổ học từ năm 2002 với các đợt khai quật lớn. Số lượng hiện vật khai quật được là vô cùng lớn. Từ năm 2010 đến nay, Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã bàn giao cho UBND TP tiếp nhận, tổ chức trưng  bày, bảo quản số lượng di vật. Ngày 4/12, UBND TP Hà Nội và , Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam đã ký biên bản thỏa thuận thực hiện Kế hoạch và lộ trinifh bàn giao toàn bộ di vật còn lại từ năm 2020 đến năm 2025.

Việc triển khai các dự án từ trước năm 2020 là thực hiện dự án cải tạo, sửa chữa chống xuống cấp bằng nguồn kinh phí thường xuyên để phục vụ khách tham quan. Tổ chức thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long tại 18 Hoàng Diệu. Với các dự án đã thực hiện đầu tư và chuẩn bị đầu tư, có dự án Bảo tồn, tôn tạo tường hành cung phía Tây – Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội đã hoàn thành 2017. Dự án Bảo tồn Nhà Cục Tác chiến và từng bước hoàn trả không gian Điện Kính Thiên thực hiện từ năm 2017, nhưng gặp vướng. Hiện nay UBND TP đang giao Sở KH&ĐT, Sở Xây dựng phối hợp với Trung tâm thực hiện theo quy định. Dự án chỉnh trang mặt bằng cũng đang trong quá trình thực hiện. Hiện Trung tâm đã khởi công thi công hạng mục “Bảo tồn tòa nhà Vaxuco”. Dự án bảo tồn tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng – Hà Nội (dự án tổng thể) đang thực hiện. Dự án Lập Quy hoạch chi tiết 1/500 khu di tích Cổ Loa, UBND TP Hà Nội đã giao cho Tập đoàn Sun Group lập Quy hoạch chi tiết 1/500, sau 2 năm Tập đoàn Sun Group xin dừng lập Quy hoạch; UBND TP đã giao cho Sở QHKT hướng dẫn Trung tâm thực hiện lập Quy hoạch chi tiết, nhưng 27/10/2020, UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc dừng triển khai lập Quy hoạch chi tiết 1/500 khu di tích thành Cổ Loa.

Tại cuộc làm việc, Giám đốc Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội đề xuất TP Hà Nội 3 vấn đề. Trong đó, đối với việc thực hiện chuẩn bị đầu tư các dự án, đề nghị TP triển khai các dự án thành phần của Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng Thành Thăng Long-Hà Nội theo quy hoạch 1/500 đã được phê duyệt. Đồng ý chủ trương lập dự án đầu tư phục dựng Điện Kính thiên trên cơ sở hồ sơ khảo cổ học, các công trình tương tự và ý kiến các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội. Cho phép triển khai các dự án bảo tồn, tôn tạo Khu di tích Thành Cổ Loa tỷ lệ 1/2000 khi triển khai dự án thành phần sẽ lập Quy hoạch tổng mặt bằng tỷ lệ 1/500 cho từng dự án…

Thành lập tổ liên ngành để thực hiện các dự án

Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Hoàng Đạo Cương đánh giá, trên thế giới hiếm có một di tích nào có chiều dài lịch sử, nhiều giá trị văn hóa di sản như Khu trung tâm Hoàng thành Thăng Long. Tuy nhiên, từ khi được UNESCO vinh danh, chúng ta chưa khai thác hết tiềm năng di sản, các dự án bảo tồn và phát huy di sản được thực hiện rất chậm do còn thiếu cơ chế. Nói rõ hơn về vấn đề này, GS Nguyễn Quang Ngọc cho biết, chúng ta cần thành lập một tổ chức liên ngành, chịu trách nhiệm cao nhất với Khu trung tâm di sản Hoàng Thành Thăng Long. 

Nhấn mạnh riêng về từng dự án cần hoàn thành tại Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội, GS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh, dự án đầu tư phục dựng Điện Kính Thiên trên cơ sở hồ sơ khảo cổ học, các công trình tương tự và ý kiến  của các nhà khoa học, chuyên gia, cộng đồng xã hội là rất quan trọng. Bởi vì, từ năm 2012 khi UBND TP phê duyệt dự án nghiên cứu phục dựng không gian Điện Kính Thiên thì ngoài việc các nhà khoa học lao tâm khổ tứ thì các thủ tục từ phía Nhà nước còn giậm chân tại chỗ. “Điện Kính Thiên là hồn cốt của Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long và bằng mọi giá phải đẩy nhanh tiến độ trả lại không gian điện. Chúng ta đang tập trung phục dựng Điện Kính Thiên thời Lê là rất đúng” – GS Nguyễn Quang Ngọc nhấn mạnh. 

Ngoài ra, các chuyên gia lĩnh vực sử học, khảo cổ và đại diện UNESCO tại Việt Nam cũng đều đóng góp những ý kiến để góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di sản của Khu trung tâm Hoàng Thành Thăng Long hay khu di tích Cổ Loa.

 Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh phát biểu tại phiên họp

Trong khi đó, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh cho biết, Hà Nội nhiều nhiệm kỳ qua đã luôn cố gắng trong thực hiện bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị của hai di sản. Thời gian tới, TP sẽ tách dự án tổng thể thành các sự án thành phần và thực hiện rà soát lại để tổ chức thực hiện. Còn đối với việc nhất thể hoá trong quản lý di sản, sẽ làm việc với Thủ tướng, Quân uỷ T.Ư, Bộ Quốc phòng để cụ thể hoá tiến độ thực hiện chuyển giao. Để tăng cường triển khai thực hiện, TP đề xuất có Ban Chỉ đạo chuyên ngành và Hội đồng tư vấn khoa học nhằm mục đích thực hiện tốt nhất việc triển khai các dự án tại hai di sản. 

Vừa tôn tạo, vừa phát huy giá trị di sản

Phát biểu kết luận cuộc làm việc, Bí thư Thành uỷ Vương Đình Huệ cho biết, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP các thời kỳ đều hết sức coi trọng việc xây dựng văn hoá, con người Hà Nội. Tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP lần thứ XVII mới đây cũng nhấn mạnh việc phát huy giá trị văn hoá, con người Hà Nội thực sự trở thành nguồn động lực nội sinh quan trọng hàng đầu và quyết định đến sự phát triển nhanh, bền vững của Thủ đô.

Đối với trung tâm Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội, từ khi được UNESCO công nhận Di sản thế giới, vinh danh thì Chính phủ và Hà Nội đều quan tâm thực hiện các cam kết với UNESCO. Đến nay, có 7/8 cam kết đã được thực hiện tốt và còn 1 nội dung là thống nhất quản lý khu di sản thì vẫn đang trong quá trình thực hiện.

Bí thư Thành ủy cho rằng, những kết quả đạt được trong công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa thời gian qua chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng. Việc triển khai các dự án còn chậm, dàn trải, chưa đáp ứng mong muốn, kỳ vọng của Nhân dân Thủ đô và cả nước. Trong các nguyên nhân thì nguyên nhân chủ quan vẫn là chủ yếu từ nhận thức của các cấp, ngành; việc cụ thể hóa chủ trương của Chính phủ, TP còn chậm; công tác phối hợp liên ngành chưa tốt.

Nhấn mạnh một số quan điểm chỉ đạo, trước hết là về nhận thức, Bí thư Thành ủy đề nghị, phải tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ hơn những chủ trương, quan điểm lớn của Đảng, Nhà nước và TP đối với bảo tồn, phát huy giá trị di sản, di tích. Từ đó xác định quyết tâm, trách nhiệm không chỉ thực hiện bằng năng lực, trình độ mà bằng cả tâm huyết, trách nhiệm. Đồng thời, thấy hết được giá trị lịch sử, văn hóa to lớn của Khu di tích Hoàng thành Thăng Long cũng như Khu di tích Cổ Loa; phân tích, làm rõ những kết quả đạt được, vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần tháo gỡ.

Về công tác quản lý, bàn giao Khu di tích Hoàng thành Thăng Long, Bí thư Thành ủy đề nghị, bám sát thông báo kết luận giữa Quân ủy T.Ư và Thành ủy Hà Nội để đẩy nhanh tiến độ xây dựng Bảo tàng lịch sử Quân sự tại Tây Mỗ, Nam Từ Liêm để tiến hành di dời sang cơ sở mới. Bên cạnh đó, khẩn trương sửa chữa công trình, mua sắm thiết bị để làm nhà kho bảo quản các di vật khảo cổ sau khi tiếp nhận.

Bí thư Thành ủy giao, Ban Cán sự Đảng UBND TP chỉ đạo hoàn thiện hồ sơ, đề xuất chủ trương trình phê duyệt các dự án. Trong đó tập trung làm nhanh đối với dự án tại khu khảo cổ 18 Hoàng Diệu và dự án phục hồi Điện Kính Thiên, bổ sung vào danh mục dự án ưu tiên, sớm triển khai đầu tư của TP. “Đặt mục tiêu đến năm 2025 có làm xong hoặc cơ bản làm xong được không, nếu không quyết tâm thì 10 năm, thậm chí 20 năm cũng không làm được”, Bí thư Thành ủy nêu rõ.

Thống nhất với các dự án đề xuất của Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội, Bí thư Thành ủy đề nghị, cần có thứ tự ưu tiên, phân kỳ đầu tư để vừa tu bổ, tôn tạo nhưng không làm gián đoạn việc phát huy giá trị di sản. Bên cạnh việc triển khai các dự án, Trung tâm cần nghiên cứu, triển khai các dự án phi công trình như: Đẩy mạnh ứng dụng CNTT, các hoạt động giáo dục, làm phim, tổ chức các sự kiện văn hóa... để quảng bá, phát huy giá trị của di sản, di tích.

“Đối với các di sản này cần tập trung mọi thời gian, nguồn lực để thực hiện các dự án. Theo đó, phải nêu được chúng ta đã làm được cái gì, vướng mắc là cái gì, giải pháp gì để phát huy giá trị kép của hai khu di tích trên cơ sở gắn giữa bảo tồn với phát triển du lịch. Đặc biệt, thực hiện tầm nhìn để đưa Hoàng Thành Thăng Long – Hà Nội trở thành một công viên di sản giữa lòng Hà Nội” - Bí thư Thành ủy nhấn mạnh.

Bí thư Thành ủy cũng chỉ đạo, thành lập ngay Ban Chỉ đạo các dự án liên quan đến Khu di tích Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa do Chủ tịch UBND TP đứng đầu. Tiếp tục kiện toàn Hội đồng tư vấn khoa học; tăng cường năng lực cho Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội; tăng cường hợp tác quốc tế trong thực hiện nhiệm vụ này.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần