Thượng viện Tây Ban Nha đã được triệu tập vào 10 giờ sáng (giờ địa phương), tức 15 giờ (giờ Việt Nam) để cân nhắc việc áp dụng Điều 155 trong Hiến pháp, cho phép chính quyền Madrid quản lý trực tiếp khu vực Catalonia.
Tuy nhiên, hiệu quả của động thái này và việc Catalonia có chấp nhận điều này hay không vẫn chưa chắc chắn. Một số người ủng hộ việc khu vực này tách ra độc lập đã cam kết sẽ thực hiện một chiến dịch bất tuân dân sự.
Cuộc khủng hoảng đã chia rẽ Catalonia và gây ra bất ổn sâu sắc đối với Tây Ban Nha. Đồng thời đe dọa đến kinh tế và khiến các lãnh đạo châu Âu lo ngại, cuộc khủng hoảng có thể châm ngòi phong trào ly khai ở châu lục.
Hiện, Đảng Nhân dân của Thủ tướng Mariano Rajoy đang chiếm đa số tuyệt đối ở Thượng viện, bước cần thiết để chính phủ áp đặt quy tắc trực tiếp. Một cuộc bỏ phiếu dự kiến diễn ra vào khoảng 2 giờ chiều (giờ địa phương), tức 19 giờ (giờ Việt Nam).
Thủ tướng Rajoy sau đó dự kiến sẽ triệu tập nội các để áp dụng các biện pháp đầu tiên để kiểm soát trực tiếp Catalonia, bao gồm việc sa thải chính quyền khu vực Barcelona và giám sát trực tiếp lực lượng Cảnh sát Catalan.
Trước đó, Thủ hiến vùng Catalonia Carles Puigdemont đã từ chối một cuộc bầu cử sớm hôm thứ Năm (26/10), cho rằng, ông không nhận được sự đảm bảo đầy đủ từ chính quyền trung ương Tây Ban Nha để tiến hành một cuộc bầu cử, vốn sẽ tháo gỡ bế tắc chính trị hiện nay.
Thủ hiến Puigdemont tiếp tục từ chối xuất hiện trước Thượng viện tại thủ đô Madrid để giải trình về vấn đề độc lập. Theo kế hoạch, Thượng viện Tây Ban Nha hôm nay (27/10) sẽ xem xét “bật đèn xanh” cho chính phủ trung ương nắm quyền kiểm soát trực tiếp với Catalonia. Vì thế, ông Puigdemont nói “Không” với cơ hội này đồng nghĩa với việc thách thức chính quyền Madrid tước quyền tự trị của khu vực này.