Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Tiếng dân] Tôi không được làm giám đốc phở rồi!

Đèn Đường
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng Chủ nhật đẹp trời, vợ chồng tôi ra ăn sáng tại quán phở Gánh ở đường Trần Thủ Độ (quận Hoàng Mai). Ông chủ quán tủm tỉm: “Tôi không còn cơ hội để được làm giám đốc phở nữa rồi, ông giáo ơi!”. Sao lại giám đốc phở (?!!).

Phải ngớ người một lúc, tôi chợt nhớ ra tại kỳ họp thứ 9, trước khi thông qua Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Quốc hội khóa XIV đã bàn thảo về việc có nên quy định đưa hộ kinh doanh vào luật.
Theo thống kê của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam, cả nước hiện có trên 3,5 triệu hộ được cấp mã số thuế và có hơn 2 triệu hộ sản xuất nhỏ lẻ. Với khoảng trên 5,5 triệu hộ kinh doanh, ước tính tổng tài sản khoảng trên 655.000 tỷ đồng, tạo ra khoảng trên 2,2 triệu tỷ đồng doanh thu, nộp 12.362 tỷ đồng tiền thuế, giải quyết 7,945 triệu lao động. Trong số đó, khoảng 80% hộ kinh doanh hoạt động trong ngành công nghiệp - xây dựng; 20% trong ngành thương mại dịch vụ, trong đó, tập trung vào lĩnh vực bán buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (45%), lưu trú, ăn uống (16%).

Thoạt nghe, việc đưa hộ kinh doanh vào luật tưởng như là để định danh, hỗ trợ, bảo vệ và các hộ kinh doanh phải thực hiện nghĩa vụ với Nhà nước, với người lao động. Nhưng vô hình trung trong tình trạng kinh tế Việt Nam như hiện tại, các ông giám đốc phở, bà giám đốc nhà nghỉ, giám đốc cửu vạn… sẽ có cơ hội ngồi “chung mâm” với “bầu” Hiển, “bầu” Dương, “bầu” Đức… Những người chân lấm, tay bùn sẽ có cơ hội cầm con dấu, đóng cái cộp dưới chữ giám đốc cùng với chữ ký loằng ngoằng. Nên mới có chuyện ông “giám đốc phở tương lai” đã nghĩ tới việc xúng xính quần áo mới đi dự hội nghị tổng kết DN vừa và nhỏ cuối năm nay.
Điều khá may mắn là sau khi nghe các đại biểu phát biểu góp ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đều cho rằng các hộ kinh doanh này đang đóng góp tới 32 - 33% GDP, lớn nhất trong các khu vực kinh tế. Những đối tượng này được tự do phát triển thay vì bị đưa vào khuôn khổ luật để kiểm tra, giám sát, tức là trói lại.
Điều quan trọng nhất là mặc dù Bộ KH&ĐT cho rằng, việc đưa hộ kinh doanh vào luật thì các hộ kinh doanh được nhiều hơn mất nhưng khi các cơ quan báo chí truyền thông vào cuộc thì đa số các hộ đều không hào hứng với việc thay đổi này. Kể cả khi cơ quan soạn thảo cam đoan các hộ kinh doanh đang hoạt động không phải đăng ký lại, không phải đổi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động đã được cấp.
Trên cơ sở đa số ý kiến thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin tiếp thu theo hướng bỏ quy định tại Chương VII về hộ kinh doanh; bỏ quy định về chuyển hộ kinh doanh thành DN (Điều 199a). Để bảo đảm tính liên tục cho đến khi ban hành một luật riêng về hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh, cần thiết giao Chính phủ hướng dẫn đăng ký và hoạt động đối với hộ kinh doanh (khoản 4 Điều 217 quy định về điều khoản thi hành).
Nghe chuyện, ông chủ quán phở mới ngớ người ra, hóa ra cứ làm ông chủ cái quán nho nhỏ, với món phở bò gia truyền vẫn tốt hơn ngủ một đêm, trở thành giám đốc phở như trong giấc mơ hoa bao tháng qua.