Thông tin từ Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương, do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với nhiễu động trong đới gió Đông từ nay đến hết ngày 8/11 ở các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi, tiếp tục có mưa vừa, mưa to; riêng các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Ngãi có mưa rất to. Lũ trên các sông từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi có khả năng lên lại. Cảnh báo ngập lụt nghiêm trọng trên diện rộng tiếp tục xảy ra ở vùng trũng thấp tại các tỉnh từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định.
Đặc biệt là các huyện: Phú Lộc, Phú Vang, Hương Trà, TP Huế (Thừa Thiên Huế); Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam); Nghĩa Hành, Mộ Đức, Tư Nghĩa, thị trấn Châu Ổ, thành phố Quảng Ngãi (Quảng Ngãi); Vân Canh, Hoài Nhơn, thành phố Quy Nhơn (Bình Định).
Thừa Thiên Huế: Vận tải hàng không và đường sắt cơ bản thông suốtTrên địa bàn tỉnh những ngày qua có mưa lớn, lượng mưa phổ biến từ 200 - 630mm, xuất hiện lũ lớn trên các sông gây ngập lụt tại nhiều địa phương, đặc biệt tại các vùng trũng của huyện Phong Điền, Phú Vang, Phú Lộc, TP Huế, TX Hương Trà.Đến tối 6/11, hệ thống vận tải đường sắt và đường hàng không qua Huế cơ bản không có trở ngại. Việc đi, đến từ Huế và ngược lại của người dân, hành khách được đảm bảo thông suốt. Tại sân bay Phú Bài, các chuyến bay của Vietnam Airlines, Vietjet Air đã được khai thác trở lại. Trong khi đó, tại Ga Huế, không có tình trạng “kẹt” tàu. Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cho hay, mặc dù tuyến đường sắt Bắc Nam vẫn bị mưa ngập nhiều nơi, nhất là khu vực qua Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng, ngành đường sắt vẫn tổ chức chạy tàu hàng ngày. Hành khách có thể trả vé miễn phí nếu có nhu cầu. Tại TP Huế và các địa phương nước đã rút tại nhiều khu vực. Lực lượng chức năng đang bố trí theo dõi, cắt cử người trực tại những điểm vẫn còn ngập để nước rút đến đâu tiến hành công tác vệ sinh, khử trùng, dọn dẹp đến đấy.Theo báo cáo của BCH PCTT & TKCN Tỉnh, đến 17h 6/11, toàn tỉnh có 6 người chết, 3 người mất tích, 1 người bị thương và 20 người trên địa bàn Nam Đông đi rừng chưa về. 17.688 nhà bị ngập từ 0,2 - 0,8m, trong đó, TX Hương Trà: 2.900 nhà; huyện Quảng Điền: 2.320 nhà; TX Hương Thủy: 343; huyện Phú Lộc: 6. 747; huyện Phú Vang: 3.124; huyện A Lưới: 218; huyện Phong Điền: 1.981.
Quảng Nam: Nhiều tuyến đường phục vụ APEC vẫn ngập sâu
Ngày 6/11, toàn tỉnh còn nhiều địa bàn đang ngập sâu do lũ. Thị xã Điện Bàn có 15/22 xã ngập sâu trung bình 0,3 - 0,7m, sâu nhất là 1,0m. Huyện Đại Lộc: 18/18 xã ngập sâu trung bình từ 0,7 - 1,0m, sâu nhất là 1,5m. Huyện Duy Xuyên: 11/14 xã ngập sâu trung bình từ 0,7 - 1,2m, sâu nhất 1,5m. Thành phố Hội An: 8/9 xã, phường ngập sâu trung bình từ 0,5 - 1,0m, sâu nhất 1,5m.Các thủy điện tiếp tục được lệnh điều tiết giảm lũ cho hạ du. Tuy nhiên, mưa liên tục khiến lượng nước về hồ khá lớn, nhiều thủy điện đang xả lũ để điều tiết đảm bảo an toàn hồ đập và giảm lũ. Tại TP Hội An, theo báo cáo của chính quyền địa phương mặc dù bị ngập rất sâu trên báo động 3 là 1,3m, nhưng nhờ chủ động và tập trung chỉ đạo tốt, đến thời điểm trưa 6/11, Hội An vẫn đảm bảo tốt tính mạng cho người dân và du khách. Trong đó cứu hộ hơn 131 công nhân mắc kẹt giữa dòng lũ, và gần 20 người dân tại các bãi bồi về nơi an toàn. Ngoài ra, thành phố còn chỉ đạo các xã, phường bị ngập sâu tiếp tế lượng thực và nước uống cho nhân dân sơ tán đi tránh lũ. Riêng việc chuẩn bị công tác phục vụ Chương trình phu quân phu nhân APEC sắp diễn ra, Hội An cũng sẵn sàng nhân lực, vật lực để chờ lũ rút là vào cuộc dọn dẹp vệ sinh môi trường, khôi phục cảnh quan.Tuy nhiên, địa phương cũng lo ngại hiện nay những tuyến đường chính phục vụ APEC như Nguyễn Thị Minh Khai, Quảng trường Sông Hoài và khu phố cổ… còn chìm sâu trong lũ, chưa biết khi nào rút.
Quảng Ngãi: Sạt lở cuốn trôi 4 ngôi nhà ra biển
Lúc 5h sáng 6/11, đã xảy ra một vụ sạt lở kinh hoàng, biển ăn sâu vào đất liền tại thôn Khê Tân, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi. Sóng biển đã nhấn chìm 4 căn nhà, diện tích rừng phòng hộ, rừng dương đã trôi ra biển và đường cống thoát nước tại tuyến bờ đông sông Kinh đi Cửa Đại bị sạt lở. Một số nhà dân như nằm bên bờ vực, bên dưới là dòng nước lũ chảy xiết tiếp tục gây sạt lở.Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo TP Quảng Ngãi đã tiếp cận hiện trường và đã khẩn trương di dời các hộ dân ra khỏi khu vực bị sạt lở và có nguy cơ bị sạt lở đến nơi an toàn. Thành phố cũng đã cử lực lượng phong tỏa khu vực này, không cho người dân đi lại, đề phòng nguy hiểm.
Sạt lở tại TP Quảng Ngãi. |
Bình Định: Thiệt hại ước tính 655 tỷ đồngSau bão số 12, tại Bình Định tiếp tục có mưa to, nước lũ tràn về vùng hạ lưu sông Côn thuộc 2 huyện Phù Cát và Tuy Phước gây ngập nặng. Ngày 6/11, tuyến tỉnh lộ 640, 636B, 636A vẫn ngập chìm trong nước, riêng tỉnh lộ 640 qua địa bàn 2 xã Phước Thắng (huyện Tuy Phước) và Cát Chánh (Phù Cát) ngập sâu hơn 1m, các bờ tràn ngập sâu hơn 1,5m, làm ngưng trệ giao thông. Hàng ngàn nhà dân ở các địa phương trên bị ngập nước. Đặc biệt, từ ngày 4/11 đến nay, cúp điện, cúp nước trên diện rộng đã làm cho nhân dân vùng hạ lưu sông Côn và ven biển khó khăn trong sinh hoạt.Thống kê sơ bộ cho thấy, toàn tỉnh có 5 người chết, 5 người mất tích. 144 nhà sập, 770 nhà hư hỏng, tốc mái, gần 14.500 nhà ngập nước. 781ha lúa, 671ha hoa màu bị ngã đổ, ngập nước. 20 tàu cá bị chìm, 1 tàu bị cuốn trôi. 11.200m3 đất trên các tuyến đường liên huyện bị sạt lở, 5 cầu hư hỏng, 3 cầu bị cuốn trôi... Tổng thiệt hại ước tính 655 tỷ đồng.