Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần qua: Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ trả lời chất vấn trước Quốc hội; bốn "tư lệnh" ngành trả lời chất vấn; Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao; Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp... là nội dung chú ý tuần qua.

Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu giải trình tại Quốc hội trước khi trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11/2017.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu: Thay mặt Chính phủ, tôi trân trọng cảm ơn các vị đại biểu Quốc hội đã thảo luận tâm huyết, trách nhiệm về các Báo cáo của Chính phủ và đã thông qua các Nghị quyết về phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2018 và kế hoạch tài chính - ngân sách nhà nước 3 năm quốc gia 2018 - 2020.

Tại Kỳ họp này, các vị đại biểu Quốc hội đã gửi 76 phiếu chất vấn đến các thành viên Chính phủ, trong đó có 6 phiếu chất vấn Thủ tướng Chính phủ. Trong hơn 2 ngày qua, các đồng chí Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã trực tiếp trả lời chất vấn; 2 đồng chí Phó Thủ tướng và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham gia báo cáo, giải trình thêm tại Hội trường.

Đa số các vị đại biểu Quốc hội đánh giá cao kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với 13/13 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch, các chỉ số vĩ mô ổn định, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm; các lĩnh vực văn hóa, xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực; tạo không khí phấn khởi trong làm ăn kinh doanh và trong toàn xã hội; triển khai hiệu quả nhiều hoạt động đối ngoại, được cộng đồng quốc tế đánh giá cao. Niềm tin của người dân vào sự lãnh đạo, quản lý, chỉ đạo điều hành của Đảng và Nhà nước được nâng lên.

Đồng thời, các vị đại biểu Quốc hội cũng lưu ý những vấn đề còn tồn tại, hạn chế cần sớm khắc phục. Chính phủ lắng nghe, nghiêm túc tiếp thu và sẽ tập trung giải quyết, nỗ lực phấn đấu thực hiện thắng lợi các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội.

Bốn "tư lệnh" ngành trả lời chất vấn Quốc hội

 

Ngày 16/11, Quốc hội bước vào phiên sôi động nhất của kỳ họp: chất vấn và trả lời chất vấn. Bốn "tư lệnh ngành" đăng đàn trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng trả lời chất vấn về công tác quản lý thuế (giải quyết nợ đọng thuế; thanh tra, kiểm tra; chống thất thu thuế, chuyển giá), hải quan đảm bảo nền tài chính an toàn, bền vững; giải pháp tăng cường quản lý nợ công an toàn, hiệu quả.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng sẽ nói việc điều hành chính sách tiền tệ đảm bảo hỗ trợ sản xuất và tăng trưởng tín dụng hợp lý, an toàn; hoạt động của các ngân hàng yếu kém đã được Nhà nước xử lý và giải pháp an toàn, hiệu quả cho hệ thống ngân hàng.

Bộ trưởng Bộ Thông tin - truyền thông Trương Minh Tuấn đăng đàn về việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính và xây dựng chính phủ điện tử; công tác quản lý nhà nước về báo chí, truyền thông; về hệ thống dịch vụ truyền thông, việc xã hội hóa các chương trình phát thanh, truyền hình; giải pháp kiểm soát, hạn chế thông tin xấu, độc hại, phản cảm trên mạng xã hội và định hướng thông tin, tuyên truyền văn hóa, đạo đức xã hội.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trả lời về giải pháp nâng cao chất lượng công tác xét xử, nhất là công tác xét xử về dân sự, hành chính; nâng cao trình độ, năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức ngành tòa án đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Chiều 18/11, bên hành lang Quốc hội, các đại biểu đã chia sẻ quan điểm về các phần trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và 4 vị Tư lệnh ngành.

Hầu hết, các đại biểu Quốc hội đều đánh giá cao phần phát biểu làm rõ thêm và trực tiếp trả lời chất vấn về những vấn đề liên quan thuộc trách nhiệm của Chính phủ trong các phiên chất vấn từ ngày 16 - 18/11/2017.

Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng (Đoàn Bến Tre) cho hay: "Phạm vi trả lời rộng, lại rất "ngóc ngách" nhưng Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trả lời vào đúng trọng tâm, đặc biệt là đi vào giải quyết các vấn đề lớn của cả nền kinh tế - xã hội với tầm nhìn tương đối bao quát".

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung tiếp xúc cử tri

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu với cử tri quận hoàn Kiếm

Chuẩn bị cho kỳ họp thứ 5, HĐND TP khóa XV, sáng 18/11, Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng Tổ đại biểu số 2 HĐND TP đã có buổi tiếp xúc với gần 200 cử tri quận Hoàn Kiếm báo cáo nội dung của kỳ họp. Cùng tham dự có lãnh đạo các sở, ngành của TP.

Tại buổi tiếp xúc, đại diện Tổ đại biểu HĐND TP Hà Nội đã báo cáo với cử tri về thời gian, chương trình, nội dung kỳ họp thứ năm HĐND TP khóa XV (dự kiến diễn ra trong 5 ngày, từ ngày 4 đến ngày 8/12/2017); đồng thời báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh - quốc phòng của TP Hà Nội năm 2017; phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng năm 2018; trả lời các kiến nghị của cử tri tại kỳ họp trước…

Trong phần thảo luận, cử tri Phùng Ngọc Bách (phường Cửa Nam) cho biết, Nhân dân quan tâm dự án (DA) cải tạo hồ Hoàn Kiếm (gồm nạo vét đáy hồ, làm sạch nước hồ và chỉnh trang ánh sáng ven hồ Hoàn Kiếm); cùng với đó, vỉa hè quanh hồ được lát bằng đá tự nhiên, bảo đảm độ bền lâu dài từ 50 - 70 năm. Đề nghị TP Hà Nội sớm triển khai và hoàn thành DA này.

Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, hồ Hoàn Kiếm là di tích đặc biệt quan trọng của Thủ đô và quốc gia. Quá trình triển khai, TP Hà Nội đã cẩn trọng mời các tư vấn chuyên gia (trong và ngoài nước) có kinh nghiệm, trong đó các chuyên gia của CHLB Đức nghiên cứu, đưa ra các phương án xử lý nước, bảo đảm theo yêu cầu.

“Khảo sát, hồ Hoàn Kiếm lâu không nạo vét, bùn đầy, có nơi độ nước sâu còn 50cm đến dưới 1 mét”, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung thông tin và cho biết, khi hoàn thành DA, nước hồ Hoàn Kiếm sẽ sâu thêm, bình quân là 70cm nước.

Trong khi đó, cử tri Nguyễn Tiến Trụ (phường Hàng Buồm) đề nghị TP giải quyết dứt điểm sai phạm tại 8B Lê Trực cũng như đảm bảo quyền lợi của người dân ở dự án B5 Cầu Diễn.... Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết quan điểm của TP về xử lý vi phạm nhà 8B Lê Trực là dứt khoát xử lý theo quy định, không khoan nhượng.

Cũng tại buổi tiếp xúc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trả lời, giải đáp, làm rõ những kiến nghị cử tri. Như xử lý môi trường (nước và không khí), đôn đốc đẩy nhà tiến độ DA Nhà máy nước mặt sông Hồng; lộ trình cải tạo các chợ, đảm bảo VSATTP; những giải pháp khắc phục bất cập trong việc hạ ngầm dây điện, cáp viễn thông; chỉ đạo các ngành chức năng liên quan, giải quyết sớm vấn đề quản lý nhà sở hữu nhà nước của các DN (sau khi sát nhập, giải thể) chưa có đơn vị quản lý…

Ủy ban Kiểm tra Trung ương kỷ luật nhiều cán bộ cấp cao

 

Từ ngày 7 - 9/11, tại Hà Nội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã họp kỳ 19. Ông Trần Quốc Vượng - Uyr viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì kỳ họp.

Tại kỳ họp này, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Trung ương đã xem xét, kết luận một số nội dung chính: Về kết quả kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc; Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015 và nhiệm kỳ 2015 - 2020 có các vi phạm, khuyết điểm.

Cụ thể, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm quy định của Đảng, Nhà nước và Quy chế làm việc của Tỉnh ủy trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác cán bộ; quản lý, sử dụng đất và quản lý đầu tư xây dựng đối với một số dự án, công trình trọng điểm, cụ thể:

Tham mưu để Tỉnh ủy ban hành Quy chế làm việc, trong đó có quy định ủy quyền cho Thường trực Tỉnh ủy xem xét, giải quyết một số nội dung vượt thẩm quyền theo Quy định số 51-QĐ/TW, ngày 19/4/2007 của Ban Bí thư về nhiệm vụ và mối quan hệ công tác của thường trực tỉnh ủy, thành ủy.

Quyết định bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử đối với một số cán bộ không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện, có biểu hiện cục bộ, không bình thường. Thiếu kiểm tra, giám sát, để một số cơ quan, tổ chức có số lượng phòng, số lượng lãnh đạo cấp phó sở, ngành và sử dụng lao động hợp đồng không đúng quy định.

Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương đối với một số dự án sử dụng đất không đúng quy định pháp luật, không phù hợp quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất.

Buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để xảy ra vi phạm đối với một số dự án, công trình trọng điểm, gây lãng phí, thất thoát ngân sách Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng. Những vi phạm, khuyết điểm nêu trên của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc xảy ra chủ yếu trong nhiệm kỳ 2010-2015.

Với cương vị cá nhân người đứng đầu, ông Phạm Văn Vọng - nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 (đến tháng 2/2015), Chủ tịch HĐND tỉnh Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2011 - 2016 chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Đồng thời, chịu trách nhiệm với vai trò chủ trì để Thường trực Tỉnh ủy cho chủ trương một số dự án có sử dụng đất không đúng quy định của pháp luật.

Ông Phùng Quang Hùng - Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2011 - 2016 (đến tháng 9/2015) cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.

UBKT Trung ương cũng nêu rõ, với cương vị người đứng đầu UBND tỉnh, ông Hùng chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh; để UBND tỉnh phê duyệt dự án vi phạm pháp luật, không phù hợp với quy hoạch; giao đất không thông qua đấu giá quyền sử dụng đất; thanh toán trùng chi phí đầu tư gây thất thoát ngân sách Nhà nước.

Ông Phùng Quang Hùng cũng thiếu trách nhiệm trong việc quyết định giao chủ đầu tư dự án không có năng lực; phê duyệt đầu tư, phê duyệt kế hoạch đấu thầu, giao chỉ định thầu một số dự án trọng điểm trái quy định, gây lãng phí, thất thoát vốn đầu tư.

Những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2010 - 2015, của các ông Phạm Văn Vọng và Phùng Quang Hùng là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức đảng và cá nhân, đến mức phải thi hành kỷ luật.

Cũng theo kết luận UBKT Trung ương, bà Hoàng Thị Thúy Lan, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020 chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020; cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015.

Ông Nguyễn Văn Trì, Phó Bí thư Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh nhiệm kỳ 2016 - 2021 có trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015, 2015 - 2020; chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của UBND tỉnh trong công tác quản lý, sử dụng đất; quản lý đầu tư xây dựng dự án, công trình trọng điểm.

Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020 đã chủ động khắc phục một số vi phạm, khuyết điểm của nhiệm kỳ 2010 - 2015 và 2015 - 2020.

Theo UBKT Trung ương, vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhiệm kỳ 2015 - 2020, bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Nguyễn Văn Trì chưa đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc nhiệm kỳ 2015 - 2020, bà Hoàng Thị Thúy Lan và ông Nguyễn Văn Trì kiểm điểm nghiêm túc, rút kinh nghiệm sâu sắc.

UBKT Trung ương yêu cầu Ban Thường vụ Tỉnh ủy Vĩnh Phúc tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh và các tập thể, cá nhân có liên quan đến vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy hai nhiệm kỳ theo thẩm quyền.

Quốc hội thông qua Luật Lâm nghiệp

Tiêu điểm tuần qua: Thủ tướng trả lời chất vấn trước Quốc hội - Ảnh 5
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Lâm nghiệp.
Với 87,78% đại biểu tán thành, sáng 15/11, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật Lâm nghiệp.

Luật được thông qua gồm 12 chương, 108 điều với các quy định cụ thể về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp; chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp; phân loại rừng; những hành vi bị nghiêm cấm; quy hoạch lâm nghiệp; quản lý rừng; bảo vệ rừng; sử dụng rừng; quản lý nhà nước về lâm nghiệp và kiểm lâm…

Về nguyên tắc hoạt động lâm nghiệp, Luật quy định rõ: Rừng được quản lý bền vững về diện tích và chất lượng, bảo đảm hài hòa các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo tồn đa dạng sinh học, nâng cao tỷ lệ che phủ rừng, giá trị dịch vụ môi trường rừng và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Xã hội hóa hoạt động lâm nghiệp; bảo đảm hài hòa giữa lợi ích của Nhà nước với lợi ích của chủ rừng, tổ chức, cá nhân hoạt động lâm nghiệp. Bảo đảm tổ chức liên kết theo chuỗi từ bảo vệ, phát triển, sử dụng rừng, chế biến và thương mại lâm sản để nâng cao giá trị rừng.

Bảo đảm công khai, minh bạch, sự tham gia của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư liên quan trong hoạt động lâm nghiệp.

Tuân thủ điều ước quốc tế liên quan đến lâm nghiệp mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; trường hợp điều ước quốc tế mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên có quy định khác với quy định của Luật này hoặc văn bản quy phạm pháp luật Việt Nam chưa có quy định thì thực hiện theo quy định của điều ước quốc tế đó.

Liên quan đến chính sách của Nhà nước về lâm nghiệp, Luật quy định: Nhà nước có chính sách đầu tư và huy động nguồn lực xã hội cho hoạt động lâm nghiệp gắn liền, đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh.

Nhà nước bảo đảm nguồn lực cho hoạt động quản lý, bảo vệ và phát triển rừng đặc dụng, rừng phòng hộ. Nhà nước bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư hoạt động lâm nghiệp…