Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tiêu điểm tuần: Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân

Tiến Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân; Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng; ... là nội dung chú ý tuần qua.

Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân
Sáng 15/6, Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XIV đã họp phiên bế mạc. Sau 21 ngày làm việc với tinh thần dân chủ, nghiêm túc và trách nhiệm, Quốc hội Khóa XIV đã hoàn thành chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 5 với nhiều nội dung quan trọng.
 
Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Quốc hội tiếp tục có những đổi mới; chương trình làm việc được bố trí hợp lý; công tác điều hành theo đúng Quy chế và chương trình kỳ họp, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế và đúng nguyên tắc; cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao.
Tại kỳ họp này, Quốc hội đã thảo luận đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2017 và tình hình thực hiện kế hoạch những tháng đầu năm 2018.
Những kết quả đạt được trong thời gian qua sẽ tạo đà để hoàn thành kế hoạch năm 2018 - năm bản lề trong thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020.
Theo Chủ tịch Quốc hội, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2016, trong đó, yêu cầu Chính phủ tăng cường chỉ đạo, có giải pháp tích cực để khắc phục những hạn chế, siết chặt kỷ cương, kỷ luật tài chính, xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức, cá nhân vi phạm trong quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, tăng cường quản lý vốn đầu tư, nợ công và bội chi ngân sách, bảo đảm an toàn nền tài chính quốc gia.
Trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 7 luật để tiếp tục thể chế hóa Hiến pháp năm 2013, hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân, bảo đảm quốc phòng, an ninh; cho ý kiến về 9 dự án luật khác, làm cơ sở để các cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra tiếp tục nghiên cứu chỉnh lý, hoàn thiện trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp tới.
Chủ tịch Quốc hội cũng nhấn mạnh: Các dự án luật được xem xét, cho ý kiến, thông qua tại kỳ họp đã được các đại biểu Quốc hội thảo luận, tranh luận thẳng thắn, có trách nhiệm, trí tuệ, tâm huyết, thể hiện chính kiến rõ ràng và quyết định thông qua với tỷ lệ tán thành cao.
Đối với Dự án Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt, trên cơ sở nghiêm túc tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, các tầng lớp Nhân dân và cử tri, sau khi cân nhắc nhiều mặt, thận trọng, Quốc hội đã quyết định điều chỉnh thời gian thông qua dự án Luật này từ kỳ họp thứ 5 sang kỳ họp sau để có thêm thời gian nghiên cứu, hoàn thiện, bảo đảm chất lượng, tính khả thi của Dự án Luật.
Điểm lại các nội dung khác của Kỳ họp, trong đó trên cơ sở kết quả giám sát tối cao về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước giai đoạn 2011 - 2016”, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về tiếp tục hoàn thiện và đẩy mạnh việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại doanh nghiệp và cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Chất vấn 4 nhóm vấn đề đối với Bộ trưởng các Bộ Giao thông vận tải; Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Giáo dục và Đào tạo.
Các Phó Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng, trưởng ngành khác đã tham gia báo cáo, giải trình rõ thêm những vấn đề liên quan đến nội dung chất vấn. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã thay mặt Chính phủ báo cáo về một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của đại biểu. Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn, làm cơ sở để Quốc hội giám sát và Chính phủ, các Bộ, ngành tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, kết quả kỳ họp này tiếp tục khẳng định trách nhiệm, sự nỗ lực, quyết tâm cao của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong công tác chuẩn bị cho kỳ họp. Quốc hội tiếp tục có những đổi mới; chương trình làm việc được bố trí hợp lý; công tác điều hành theo đúng Quy chế và chương trình kỳ họp, có sự điều chỉnh linh hoạt theo yêu cầu thực tế và đúng nguyên tắc; cách thức chất vấn và trả lời chất vấn được đổi mới, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, được cử tri và dư luận xã hội đánh giá cao.
Kết quả kỳ họp cũng cho thấy hoạt động của Quốc hội ngày càng gắn bó mật thiết với Nhân dân, được cử tri và nhân dân quan tâm, theo dõi, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết, thẳng thắn, xây dựng.
"Quốc hội trân trọng lắng nghe, tiếp thu những ý kiến xác đáng để hoàn thiện, nâng cao chất lượng các luật, nghị quyết được thông qua. Quốc hội biểu dương tinh thần yêu nước và sự quan tâm sâu sắc của nhân dân đến các vấn đề quan trọng của đất nước; đồng thời, nghiêm khắc lên án những hành động lợi dụng dân chủ, xuyên tạc sự thật, kích động, quá khích, gây mất trật tự an ninh xã hội, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của Nhân dân, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và hoạt động của các cơ quan, tổ chức.
Đề nghị Chính phủ chỉ đạo nắm chắc tình hình ở cơ sở, tăng cường công tác vận động quần chúng để không bị lôi kéo, lợi dụng, dẫn đến có hành vi vi phạm pháp luật; đồng thời phải xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
Quốc hội kêu gọi đồng bào, cử tri cả nước đoàn kết, thống nhất, hăng hái thi đua lao động, sản xuất, sống và làm việc theo pháp luật. Chung tay, góp sức, xây dựng quê hương đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng. Nhân dân được hưởng cuộc sống hòa bình, ấm no, hạnh phúc", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Quốc hội thông qua Luật An ninh mạng
Sáng 12/6, với 86,86% tổng số đại biểu có mặt tán thành, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Luật An ninh mạng. Trước khi thông qua toàn bộ Luật, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Điều 10 về hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia và Điều 26 về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng với tỷ lệ tán thành cao.
 
Luật An ninh mạng gồm 7 Chương, 43 Điều, quy định về hoạt động bảo vệ an ninh quốc gia và bảo đảm trật tự, an toàn xã hội trên không gian mạng; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.
Liên quan quy định bảo đảm thông tin trên không gian mạng, Luật yêu cầu doanh nghiệp trong và ngoài nước khi cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có trách nhiệm xác thực thông tin khi người dùng đăng ký tài khoản số; bảo mật thông tin, tài khoản của người dùng; cung cấp thông tin người dùng cho lực lượng chuyên trách bảo vệ an ninh mạng thuộc Bộ Công an khi có yêu cầu bằng văn bản để phục vụ điều tra, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về an ninh mạng.
Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ. Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam.
Luật quy định Hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia là hệ thống thông tin khi bị sự cố, xâm nhập, chiếm quyền điều khiển, làm sai lệch, gián đoạn, ngưng trệ, tê liệt, tấn công hoặc phá hoại sẽ xâm phạm nghiêm trọng an ninh mạng.
Theo đó, 8 hệ thống thông tin được xác định thuộc loại này, gồm: Hệ thống thông tin quân sự, an ninh, ngoại giao, cơ yếu; Hệ thống thông tin lưu trữ, xử lý thông tin thuộc bí mật nhà nước; Hệ thống thông tin phục vụ lưu giữ, bảo quản hiện vật, tài liệu có giá trị đặc biệt quan trọng; Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản vật liệu, chất đặc biệt nguy hiểm đối với con người, môi trường sinh thái;
Hệ thống thông tin phục vụ bảo quản, chế tạo, quản lý cơ sở vật chất đặc biệt quan trọng khác liên quan đến an ninh quốc gia; Hệ thống thông tin quan trọng phục vụ hoạt động của cơ quan, tổ chức ở trung ương; Hệ thống thông tin quốc gia thuộc lĩnh vực năng lượng, tài chính, ngân hàng, viễn thông, giao thông vận tải, tài nguyên môi trường, hóa chất, y tế, văn hóa, báo chí; Hệ thống điều khiển và giám sát tự động tại công trình quan trọng liên quan đến an ninh quốc gia, mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia.
Luật cũng giao Thủ tướng Chính phủ ban hành và sửa đổi, bổ sung Danh mục hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia. Đồng thời quy định rõ, người nào có hành vi vi phạm quy định của Luật này thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt vi phạm hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
Trước đó, trong báo cáo, giải trình tiếp thu Dự Luật do Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và an ninh của Quốc hội Võ Trọng Việt trình bày, liên quan đế quy định về bảo đảm an ninh thông tin trên không gian mạng (Điều 26), cho biết, một số ý kiến còn băn khoăn với quy định “Doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ.
Doanh nghiệp nước ngoài quy định tại khoản này phải đặt chi nhánh hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam”, vì cho rằng quy định này không bảo đảm tính khả thi, làm gia tăng chi phí của doanh nghiệp nước ngoài, gây khó khăn cho các hoạt động tiếp cận thông tin và trái với các cam kết quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, UBTVQH xin báo cáo bổ sung để làm rõ thêm tính khả thi của quy định này. Các Hiệp định cơ bản của WTO (Hiệp định GATT, Hiệp định GATS) và Hiệp định CPTPP đều có điều khoản ngoại lệ về an ninh.
Do đó, việc chúng ta áp dụng các điều khoản ngoại lệ về an ninh trong Luật này là hết sức cần thiết để bảo vệ lợi ích của người dân và an ninh quốc gia. Theo đó, Việt Nam có quyền yêu cầu các doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam phải lưu trữ tại Việt Nam đối với dữ liệu quan trọng của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam.
Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp nước ngoài tham gia các hoạt động này phải đặt trụ sở hoặc văn phòng đại diện tại Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 18 quốc gia thành viên của WTO (trong đó có Hoa Kỳ, Canada, Úc, Đức, Pháp) quy định bắt buộc phải lưu trữ dữ liệu trong lãnh thổ quốc gia.
Theo Chủ nhiệm Võ Trọng Việt, UBTVQH đã chỉ đạo Tổng Thư ký Quốc hội gửi phiếu lấy ý kiến các vị ĐBQH đối với Điều 26 của dự thảo Luật trình Quốc hội thông qua, kết quả như sau: Số phiếu thu về là 437 phiếu, trong đó có: 358 phiếu đồng ý (chiếm 81,92%); 73 phiếu không đồng ý (chiếm 16,7%); 6 phiếu ý kiến khác (chiếm 1,38%).

Bế giảng lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch TP Hà Nội

Chiều 13/6, Thành ủy Hà Nội đã tổ chức lễ bế giảng lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP Hà Nội nhiệm kỳ 2020 - 2025. Tới dự có Ủy viên T.Ư Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng - Trưởng Ban Chỉ đạo lớp học.

 

Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Vũ Hồng Khanh; Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo; Trưởng ban Nội chính Thành ủy Nguyễn Quang Huy; Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn; Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong.

Trình bày báo cáo kết quả tổ chức lớp đào tạo, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Vũ Đức Bảo cho biết, lớp học được tổ chức từ ngày 15/5 đến ngày 13/6 với nhiều nội dung đổi mới, thiết thực và hiệu quả. Trong thời gian 1 tháng, các học viên đã được nghiên cứu 30 chuyên đề (trong đó có 25 chuyên đề chính và 5 chuyên đề bổ trợ).

Nội dung, chương trình giảng dạy được đổi mới thiết thực, đi sâu bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn và kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý; bám sát yêu cầu đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo diện Ban Thường vụ Thành ủy quản lý theo Đề án số 04-ĐA/TU ngày 20/9/2017 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ diện Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội quản lý”.

Bên cạnh đó, giảng viên, báo cáo viên tại lớp học cũng là những chuyên gia đầu ngành thuộc lĩnh vực có liên quan và các đồng chí lãnh đạo TP có nhiều kinh nghiệm giảng dạy, thực tiễn công tác; chuyên gia nước ngoài là người Việt Nam hiện đang giảng dạy tại các trung tâm đào tạo, nghiên cứu khoa học ở nước ngoài. Học viên phải bảo vệ khoá luận tốt nghiệp trước các Hội đồng do các đồng chí lãnh đạo TP làm chủ tịch.

Căn cứ vào kết quả học tập và bảo vệ khóa luận của từng học viên, Ban Thường vụ Thành ủy đã ra quyết định công nhận tốt nghiệp và cấp giấy chứng nhận tốt nghiệp cho 144 đồng chí tham gia lớp đào tạo cán bộ nguồn quy hoạch Ban Chấp hành Đảng bộ TP nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Trong tổng số 144 học viên được công nhận tốt nghiệp, có 6 học viên đạt xuất sắc, 80 học viên đạt giỏi, 56 học viên đạt khá và 2 học viên đạt trung bình. Tại buổi lễ, các đồng chí lãnh đạo TP đã trao giấy chứng nhận tốt nghiệp cho các học viên và trao quyết định khen thưởng cho 15 học viên có thành tích cao.

Đẩy nhanh tiến độ các dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội

Ngày 16/6, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cùng các đại biểu HĐND TP ứng cử tại quận Hoàn Kiếm (Đơn vị bầu cử số 2) có buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 6 HĐND TP Hà Nội khóa XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021.

 

Tại buổi tiếp xúc, đa số cử tri quận Hoàn Kiếm đánh giá cao những kết quả đã đạt được tại kỳ họp thứ 5 HĐND TP khóa XV vừa qua cũng như hiệu quả điều hành của TP trong phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội. Bên cạnh đó, cử tri cũng nêu một số điểm tồn tại của TP cũng như trên địa bàn phường, mong muốn TP quan tâm giải quyết thỏa đáng.

Cử tri Nguyễn Phi Tính (Phường Cửa Nam), cử tri Trần Ngọc Toán (Phường Tràng Tiền) cùng kiến nghị TP cần có những giải pháp tích cực, hiệu quả hơn nhằm đẩy nhanh tiến độ, sớm đưa các công trình đường sắt Cát Linh - Hà Đông và Nhổn - Ga Hà vào sử dụng.

Trả lời kiến nghị của cử tri, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông do Bộ GTVT là chủ đầu tư. Đến 30/10/2018, dự án này sẽ được bàn giao để chạy thử nghiệm trong 2 tháng.

Tháng 1/2019 sẽ bàn giao cho BQL đường sắt Hà Nội để vận hành chính thức.

Với dự án Nhổn - Ga Hà Nội được Chính phủ thí điểm giao cho Hà Nội làm chủ đầu tư hiện đang chậm tiến độ, Chủ tịch UBND TP cho biết nguyên nhân do năng lực quản lý của cán bộ; tiến độ các gói thầu chậm; quá trình thương thảo các gói thầu; chậm GMPB; những bất cập trong giải ngân… Hà Nội đã đề xuất Chính phủ đã các bộ ngành tháo gỡ đẩy nhanh tiến độ.

Tại buổi tiếp xúc cử tri, chia sẻ với băn khoăn của các cử tri về việc TP còn thiếu nhiều điểm giao thông tĩnh nhất là các bãi đỗ xe, Chủ tịch UBNTP cho biết TP đã kêu gọi một số nhà đầu tư thiết kế các bãi đỗ xe ngầm cho Thủ đô. Tại hội nghị xúc tiến đầu tư vào ngày 17/6 tới đây, TP sẽ công bố dự án bãi đỗ xe ngầm lớn nhất của TP tại SVĐ Quần Ngựa (quận Ba Đình) với sức chứa 2.500 ô tô, 5.000 xe máy; sâu 5 tầng trên diện tích 1,8 ha.

Trên địa bàn quận Hoàn Kiếm, các nhà đầu tư đang nghiên cứu các địa điểm ở Cung văn hóa Hữu nghị, trước cửa công viên Thống Nhất; trước cửa Nhà Hát lớn nối từ vườn hoa Cổ Tân... Bên cạnh đó, Hà Nội cũng sẽ đầu tư xây dựng nhiều bãi đỗ xe thông minh.

Ngoài ra, Chủ tịch UBND TP khẳng định Hà Nội sẽ bảo tồn khu phố cổ phố cũ, tập trung quy hoạch các đô thị ở phía ngoại thành, các đô thị vệ tinh để giảm ùn tắc giao thông…

17 trạm BOT đặt sai vị trí: Bộ GTVT nhận sai, nhưng kêu khó sửa

Trong báo cáo gửi Thủ tướng Chính phủ, Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) thừa nhận hiện có 17 trạm BOT có bất cập về vị trí, nhưng vẫn kiến nghị giữ lại phần lớn những trạm thu phí này và cho phép hoạt động.

 

Văn phòng Chính phủ ra Thông báo số 136/TB-VPCP vào ngày 10/4 giao Bộ GTVT báo cáo, đánh giá cụ thể đối với các trạm BOT còn nhiều bất cập báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Báo cáo Chính phủ, Bộ GTVT cho biết, hiện nay, đơn vị quản lý 73 trong tổng số 88 trạm BOT giao thông trên cả nước. Trong đó, có 56 trạm đặt trong phạm vi dự án và đảm bảo khoảng cách giữa các trạm phù hợp với quy định. Còn lại 17 trạm có bất cập về vị trí đặt trạm.

Trong số 17 trạm BOT bất cập về vị trí được “điểm mặt” thì Trạm BOT La Sơn - Túy Loan có “bất cập về vị trí” khá đặc biệt và khôi hài. Khôi hài ở chỗ trạm này đặt trên tuyến cao tốc La Sơn - Túy Loan, đây là dự án được đầu tư theo hình thức BOT, song lại thu giá hoàn vốn bằng trạm BOT. Chính Bộ GTVT thừa nhận, sau khi rà soát cho thấy việc đặt trạm trên cao tốc La Sơn - Túy Loan như hiện tại, đối chiếu với quy định hiện hành thì "đầu tư một nơi, thu giá một nẻo" và thu giá trên tuyến đầu tư theo hình thức BT là không hợp lý.

Đối với trường hợp này, Bộ GTVT cho biết đang phối hợp với nhà đầu tư tính toán lại hiệu quả tài chính và trên cơ sở đó sẽ báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo hướng không lập trạm La Sơn - Túy Loan, nhà nước bố trí nguồn vốn để hỗ trợ nếu cần.

Cũng giống như La Sơn - Túy Loan, Trạm BOT Nam Hải Vân được xây dựng để thu giá hoàn vốn cho Dự án hầm đèo Cả. Tuy nhiên, trước đó, trong Văn bản 70/TTg-KTN ngày 12/1/2016, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý cho phép sử dụng 7 trạm, trong đó có Trạm BOT Nam Hải Vân để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho Dự án hầm đường bộ Đèo Cả (bao gồm hầm Đèo Cả, hầm Cổ Mã, hầm Cù Mông và hầm Hải Vân). Do đó, với trường hợp trạm thu phí này, Bộ GTVT cho biết, đã có quyết định gộp trạm Nam Hải Vân thu chung với trạm Bắc Hải Vân để thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ hoàn vốn cho 2 dự án hầm Đèo Cả và Dự án hầm Phú Gia - Phước Tượng do cự ly quá gần.

Trong báo cáo của mình, Bộ GTVT thừa nhận cả 3 trạm thu phí trên đều nằm ngoài phạm vi của dự án đó là các trạm BOT Cầu Rác (Hà Tĩnh), Tào Xuyên (Thanh Hóa) và Bắc Thăng Long - Nội Bài (Hà Nội). Trong đó, Trạm BOT Cầu Rác dùng để thu phí hoàn vốn cho dự án QL1 tuyến tránh Hà Tĩnh; Trạm BOT Bắc Thăng Long - Nội Bài để thu phí hoàn vốn cho Dự án tuyến tránh TP Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc và Trạm BOT Tào Xuyên thu phí hoàn vốn cho Dự án tuyến tránh TP Thanh Hóa.

Cũng trong báo cáo của Bộ GTVT, có 6 trạm BOT đang thực hiện việc thu phí trên cả tuyến cao tốc và tuyến đường QL hiện hữu có sửa chữa, cải tạo. Đó là Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới, QL6, cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Riêng với Dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thái Nguyên - Chợ Mới và nâng cấp cải tạo QL3 (có một trạm BOT đặt trên QL3 và 1 trạm trên tuyến cao tốc), trước mắt Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu giá dịch vụ sử dụng đường bộ trên tuyến cao tốc. Trên cơ sở số liệu doanh thu thực tế trong 3 tháng, Bộ sẽ tính toán các phương án xử lý, thống nhất với UBND tỉnh Thái Nguyên để báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Với 3 dự án còn lại, Bộ GTVT cho rằng, nếu dỡ bỏ trạm thu phí của những dự án này trên các tuyến QL, Nhà nước sẽ phải bố trí ngân sách để bù phần thiếu hụt lên đến khoảng 21.000 tỷ đồng (riêng QL5 từ Hà Nội đi Hải Phòng mất khoảng 16.000 tỷ đồng). Đây là phương án khó khả thi trong điều kiện ngân sách Nhà nước còn khó khăn. Do đó, Bộ GTVT kiến nghị cho những trạm thu phí trên QL này tiếp tục hoạt động song song việc tính toán tiếp tục giảm giá vé cho người dân trong điều kiện phương án tài chính của dự án cho phép.

Như vậy, trong tổng số 17 trạm BOT có bất cập về vị trí được điểm mặt, Bộ GTVT chỉ đề xuất xóa bỏ đúng một trạm là Trạm BOT La Sơn - Túy Loan. Đây chính là trạm điển hình "đầu tư một nơi, thu phí một nẻo". Ngoài ra, theo báo cáo của Bộ GTVT, Trạm BOT Nam Hải Vân nhiều khả năng cũng sẽ không tồn tại do được kiến nghị gộp chung với Trạm BOT Bắc Hải Vân. 15 trạm thu phí còn lại vẫn được kiến nghị cho tiếp tục hoạt động dù không ít trạm trong số đó đã và đang tồn tại những sai phạm không hề nhỏ về vị trí đặt trạm.