Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TikTok một lần nữa đứng trước nguy cơ bị cấm tại Mỹ

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hạ viện Hoa Kỳ sẽ bỏ phiếu nhanh vào tuần tới về dự luật yêu cầu ByteDance - công ty mẹ Trung Quốc của TikTok, phải thoái vốn khỏi ứng dụng video ngắn này trong vòng sáu tháng nếu không muốn bị cấm hoạt động tại Mỹ.

Kết quả bỏ phiếu tại Ủy ban Năng lượng và Thương mại thuộc Hạ viện cho thấy tỉ lệ bỏ phiếu áp đảo là 50-0, ghi nhận động thái quan trọng của Washington liên quan đến TikTok kể từ sau đề xuất của cựu Tổng thống Donald Trump cấm ứng dụng này vào năm 2020 nhưng không thành công. Tiktok hiện có khoảng 170 triệu người dùng ở Mỹ.

Lãnh đạo phe đa số tại Hạ viện Steve Scalise cho biết các nhà lập pháp sẽ bỏ phiếu vào tuần tới "để buộc TikTok cắt đứt quan hệ với Trung Quốc."

TikTok tuyên bố đã, đang và sẽ không chia sẻ dữ liệu người dùng Mỹ với Chính phủ Trung Quốc, cho rằng đạo luật mang tính chất tương tự như một luật cấm. Bên cạnh đó, công ty này cũng bày tỏ băn khoăn về khả năng chấp thuận thương vụ trên từ phía Chính phủ Trung Quốc, cũng như việc ByteDance có thể hoàn tất thoái vốn trong vòng 6 tháng tới. 

"Dự luật này có kết quả được định sẵn: cấm hoàn toàn TikTok ở Hoa Kỳ", công ty cho biết sau cuộc bỏ phiếu. "Chính phủ Mỹ đang cố gắng tước bỏ quyền tự do ngôn luận theo Hiến pháp của 170 triệu người dùng nội địa. Điều này sẽ gây thiệt hại cho hàng triệu doanh nghiệp, tước đi việc tiếp cận tới công chúng của nhiều nghệ sĩ và ảnh hưởng đời sống của vô số nhà sáng tạo trên khắp đất nước."

Trước cuộc bỏ phiếu, các nhà lập pháp đã được tham dự một buổi họp kín về các vấn đề an ninh quốc gia liên quan đến quyền sở hữu của Trung Quốc đối với TikTok.

Thứ Năm, Dân biểu Frank Pallone, thành viên Đảng Dân chủ trong ủy ban, cho biết hy vọng của ông là luật "sẽ buộc TikTok phải thoái vốn và người Mỹ sẽ có thể tiếp tục sử dụng nền tảng này và các nền tảng tương tự mà không lo ngại bị kiểm soát bởi các đối thủ của chúng tôi."

Nghị sĩ Mike Gallagher, Chủ tịch Ủy ban đặc biệt về Trung Quốc của Hạ viện, và nghị sĩ Raja Krishnamoorthi đã đề xuất luật để giải quyết các vấn đề an ninh quốc gia trước lo ngại sự can thiệp của Chính phủ Trung Quốc đối với ứng dụng này.

"TikTok có thể tồn tại và vận hành miễn là có sự độc lập trong vận hành", Gallagher nói, kêu gọi các nhà đầu tư ByteDance của Mỹ ủng hộ việc thoái vốn. "Đây không phải là lệnh cấm - hãy coi đây là một cuộc phẫu thuật nhằm loại bỏ khối u và do đó cứu sống bệnh nhân trong quá trình này."

Người dùng TikTok đã gây sức ép lên Điện Capitol bằng các cuộc gọi điện thoại hối thúc Quốc hội không ủng hộ biện pháp này sau khi ứng dụng cảnh báo người dùng rằng nó có thể bị cấm.

Khi được hỏi liệu dự luật có thể ảnh hưởng đến hoạt động của WeChat thuộc sở hữu công ty Tencent (Trung Quốc) ở Mỹ hay không, ứng dụng mà ông Trump cũng từng định cấm vào năm 2020, Gallagher cho biết ông sẽ không suy đoán nhưng nói "trong tương lai, chúng ta có thể tranh luận xem công ty nào phải chịu ảnh hưởng của dự luật.”

Dự luật sẽ cho ByteDance 165 ngày để thoái vốn khỏi TikTok; nếu không, các cửa hàng ứng dụng do Apple, Google và các công ty khác điều hành sẽ không được phép cung cấp TikTok hoặc cung cấp dịch vụ lưu trữ web cho các ứng dụng do ByteDance kiểm soát.