Ngày 4/8, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các bộ, ngành, địa phương trên cả nước về mục tiêu, nhiệm vụ và các giải pháp thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Tham dự ở điểm cầu Hà Nội có Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Mạnh Quyền.
Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2026-2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Chương trình), Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng nhấn mạnh: Ban soạn thảo đã tiến hành xây dựng đề cương và gửi dự thảo lấy ý kiến đóng góp đến các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành; tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương trên cả nước để tham gia góp ý. Quá trình xây dựng, hoàn thiện, lấy ý kiến tiếp tục hoàn thiện chủ trương đầu tư Chương trình được thực hiện nghiêm túc, đúng thủ tục.
Đây là Chương trình do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì. Đối tượng thụ hưởng của Chương trình là nhân dân, kiều bào, cộng đồng dân cư, hợp tác xã, doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế - xã hội, các di sản văn hóa, thiết chế văn hóa trên địa bàn cả nước và tại một số quốc gia. Chương trình được thực hiện trên địa bàn cả nước, bao gồm tất cả các xã, phường, thị trấn, tất cả các huyện, thị xã và thành phố trực thuộc tỉnh của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tại một số quốc gia.
Chương trình sẽ được thực hiện trong 10 năm, từ năm 2026 đến 2035, chia thành 2 giai đoạn: Giai đoạn 2026-2030 và giai đoạn 2031-2035.
Xây dựng và triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm tạo ra sự chuyển biến căn bản, to lớn trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam, đồng thời, tạo động lực để khơi dậy, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước, xây dựng một nền văn hóa vì hạnh phúc của Nhân dân.
Về nội dung, Chương trình được xây dựng liên quan đến 9 nhóm dự án, gồm: Phát triển nhân cách văn hóa con người Việt Nam; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thông tin tuyên truyền và giáo dục văn hóa; bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy sự phát triển văn học, nghệ thuật; phát triển các ngành công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số và ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ trong lĩnh vực văn hóa; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và lan tỏa các giá trị văn hóa Việt Nam ra thế giới.
Hội nghị đã nghe ý kiến góp ý cụ thể, chi tiết của đại diện các ban, bộ, ngành, địa phương, các nhà nghiên cứu văn hóa, nhà khoa học, văn nghệ sĩ uy tín về dự thảo.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà khẳng định, Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam là chủ đề rộng lớn, quan trọng, cấp bách. Việc xây dựng, triển khai thực hiện Chương trình là một dấu mốc mang tính thời đại đối với việc phát triển văn hóa Việt Nam.
Khẳng định thống nhất chủ trương xây dựng Chương trình, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho rằng, đây là một đại công trình, tập trung vào những vấn đề cấp bách và ưu tiên nhất trong phát triển văn hóa đất nước. Chương trình xây dựng rất tổng thể nhưng đề ra những nhiệm vụ thực hiện cụ thể. Việc triển khai Chương trình sẽ mở đường, định hướng, khơi thông để tạo hiệu quả lâu dài cho chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam thời đại mới.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng đồng ý đề xuất triển khai Chương trình trong 10 năm, chia thành 2 giai đoạn, đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo lắng nghe ý kiến góp ý của các ban, bộ, ngành, địa phương, chuyên gia, văn nghệ sĩ, hội nghề nghiệp để đưa vào những nhiệm vụ, dự án cụ thể tập trung thực hiện trong từng giai đoạn. Kết thúc mỗi giai đoạn cần có những thay đổi nhiệm vụ, phân công công việc cho phù hợp thực tiễn và đạt được mục tiêu tổng thể của Chương trình.