Cơ hội từ Covid-19
Theo Bộ Công Thương, quý I/2020 trong khi hàng loạt các sản phẩm XK chủ lực của Việt Nam sụt giảm mạnh, kim ngạch XK gỗ và sản phẩm gỗ vẫn đạt 2,47 tỷ USD, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù vậy, các chuyên gia kinh tế dự báo sang quý II/2020, khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp sẽ ảnh hưởng đến tiêu thụ đồ gỗ tại một số thị trường Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Thực tế thống kê cho thấy, quý I/2020, sức tiêu thụ đồ gỗ tại thị trường EU giảm 14,9%, Hàn Quốc giảm 15,6% so với cùng kỳ năm 2019. Không chỉ có vậy, do dịch Covid-19 nhiều đơn hàng XK sang EU, Mỹ đã chậm lại trong những tuần cuối tháng 3/2020.
Một tín hiệu lạc quan cho XK đồ gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam là dịch Covid -19 đã làm nguồn cung từ Trung Quốc đang bị gián đoạn. Điều này khiến các khách hàng lớn từ Mỹ, EU, Australia, Nhật Bản… đang tìm kiếm những thị trường sản xuất ngoài Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Thêm vào đó, Việt Nam còn tham gia rất nhiều hiệp định thương mại tự do như CPTPP, đặc biệt là EVFTA mới được Nghị viện châu Âu phê chuẩn, có hiệu lực trong năm nay, sẽ tạo động lực để ngành gỗ phát triển khi thuế XK sản phẩm vào EU sẽ giảm về 0%.
Đưa sản phẩm gỗ lên sàn thương mại điện tử
Các chuyên gia khuyến cáo, để nắm bắt được cơ hội đẩy mạnh XK đồ gỗ, các DN Việt Nam cần phải đẩy mạnh bán hàng online trên các trang thương mại điện tử (TMĐT) để tìm kiếm đối tác. T
heo Chủ tịch Hiệp hội Gỗ & Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập, chỉ với một kênh TMĐT, các DN đồ gỗ Việt Nam có thể giới thiệu sản phẩm tới các đối tác, khách hàng trên toàn cầu, thay vì phải tốn rất nhiều thời gian, công sức đi tiếp cận từng khách hàng, từng thị trường. “Thông qua TMĐT, đối tác nắm được mẫu mã, giá cả và năng lực sản xuất của DN đồ gỗ Việt Nam. Đây là hướng đi tất yếu, dài hạn đối với không chỉ ngành gỗ mà còn nhiều ngành hàng khác" - ông Lập nói.
Đồng tình với phân tích này, Phó Chủ tịch Hiệp hội TMĐT Việt Nam (Vecom) Nguyễn Ngọc Dũng cho hay: Trên các sàn TMĐT đều có sẵn ứng dụng B2C (từ DN tới khách hàng) lẫn B2B (DN tới DN), DN tham gia kinh doanh online trên các sàn TMĐT đều có cơ hội quảng bá, tiêu thụ sản phẩm đến nhiều khách hàng trên thế giới một cách nhanh chóng, tiện lợi. Quan trọng hơn cả là DN có thể cắt được khâu trung gian, từ đó giảm giá thành sản phẩm, nâng cao giá trị thặng dư. “DN ngoài việc bán hàng theo hình thức truyền thống, phải kết hợp giữa trực tiếp (offline) và qua công nghệ (online) để tiếp cận nhiều khách hàng mới hơn" - ông Dũng khuyến cáo.
Có thể thấy, trong bối cảnh dịch Covid-19 đang "cản đường" tiêu thụ sản phẩm gỗ thì TMĐT là giải pháp tốt nhất cho ngành này tiêu thụ sản phẩm. Vì vậy, các DN cần nhanh chóng chuyển đổi mô hình kinh doanh theo hướng online để hướng tới cách bán hàng mới.
"Đẩy nhanh tốc độ và thích ứng nhanh chóng trong dịch Covid-19 bằng việc tối ưu hoạt động quản trị vận hành, tiết giảm chi phí là điều mà các DN ngành gỗ Việt Nam cần ưu tiên để có thể tiên phong bứt phá trên thị trường. Chuyển đổi số sang bán hàng online trên các sàn TMĐT là một trong những chìa khóa giúp DN giải quyết vấn đề." - Phó Chủ tịch Vecom Nguyễn Ngọc Dũng Thống kê của nhà cung cấp dịch vụ Amazon tại Việt Nam - Công ty OnBrand cho thấy, từ đầu tháng 2 đến nay, số lượng DN gỗ kết nối với OnBrand để bán hàng trên sàn TMĐT Amazon đã tăng trưởng gấp 5 lần so với thời điểm trước dịch Covid-19. |