Tin xấu với thỏa thuận tránh vỡ nợ của Mỹ

Nam Trung
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Dự luật trần nợ công được Tổng thống Joe Biden và Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy hoàn thiện hôm 27/5 sau nhiều tuần đàm phán căng thẳng đang vấp phải sự phản đối từ cả hai đảng, khi chỉ còn đúng 1 tuần nữa là Chính phủ Mỹ cạn tiền.

Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị báo giới săn đuổi khi ông đến Tòa nhà Quốc hội Mỹ giữa các cuộc đàm phán trần nợ công, ngày 26/5. Ảnh: REUTERS
Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy bị báo giới săn đuổi khi ông đến Tòa nhà Quốc hội Mỹ giữa các cuộc đàm phán trần nợ công, ngày 26/5. Ảnh: REUTERS

Cả ông Biden và ông McCarthy đều bày tỏ tin tưởng rằng dự luật hôm 27/5 sẽ được thông qua trong cuộc bỏ phiếu tại Hạ viện - dự kiến ​​diễn ra vào ngày mai (31/5) - và sau đó sẽ nhanh chóng được chuyển tới Thượng viện bỏ phiếu thông qua, để Tổng thống Biden ký thành luật.

Hạn chót là ngày 5/6 - ngày mà theo ước tính của Bộ Tài chính Mỹ, Chính phủ Washington sẽ không còn đủ tiền để thanh toán tất cả các khoản nợ và hóa đơn của mình, dẫn đến thảm họa vỡ nợ chưa từng có với nền kinh tế số 1 thế giới.

Tuy nhiên, một số nhà lập pháp theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa hôm 29/5 đã báo trước rằng họ sẽ phản đối dự luật nâng trần nợ 31,4 nghìn tỷ USD - một dấu hiệu cho thấy thỏa thuận lưỡng đảng có thể phải đối mặt với một con đường gập ghềnh để được thông qua tại Quốc hội.

Thống đốc Florida Ron DeSantis, một ứng cử viên cho đề cử Tổng thống năm 2024 của đảng Cộng hòa, nói rằng thỏa thuận trần nợ không đủ để thay đổi quỹ đạo tài chính. "Sau thỏa thuận này, đất nước chúng ta vẫn sẽ tiến tới bờ vực phá sản" - ông bình luận trên Fox News.

Dự luật dài 99 trang sẽ đình chỉ giới hạn nợ cho đến ngày 1/1/2025, cho phép các nhà lập pháp gạt rủi ro chính trị nợ công sang một bên cho đến sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ diễn ra vào tháng 11/2024. Nó cũng sẽ giới hạn một số chi tiêu của Chính phủ Mỹ trong 2 năm tới.

Một thử nghiệm quan trọng đầu tiên sẽ diễn ra vào hôm nay (30/5), khi Ủy ban Nội quy Hạ viện họp để thông qua dự luật trước khi nó được đưa ra bỏ phiếu công khai tại Hạ viện. Chip Roy - một trong những người bảo thủ của đảng Cộng hòa trong ban hội thẩm - đã nói rằng sẽ không ủng hộ dự luật.

"Đó không phải là một thỏa thuận tốt. Khoản nợ khoảng 4 nghìn tỷ USD treo trước mắt và không có cải cách chính sách nào mang tính thực chất" - Hja nghị sĩ Roy viết trên Twitter.

Một thành viên hội đồng khác, Ralph Norman, cũng đã lên tiếng phản đối thỏa thuận, chủ yếu liên quan đến vấn đề cắt giảm chi tiêu của Chính phủ theo thỏa thuận mới.

Tại Thượng viện, Mike Lee thuộc đảng Cộng hòa công khai phản đối dự luật, và điều này có thể dẫn đến một cuộc bỏ phiếu khó khăn tại nơi mà bất kỳ thành viên nào cũng có quyền trì hoãn hành động trong nhiều ngày. Đảng Dân chủ hiện kiểm soát Thượng viện với chênh lệnh số ghế chỉ là 51-49.

Đồng thời, một số lượng lớn đảng viên đảng Dân chủ cũng tỏ ra hoang mang với thỏa thuận sơ bộ hôm 27/5. Chẳng hạn, Hạ nghị sĩ Raul Grijalva, một đảng viên Đảng Dân chủ cấp tiến, đã viết trên Twitter cá nhân rằng những thay đổi của dự luật đối với các quy tắc môi trường là "đáng lo ngại và gây thất vọng vô cùng".

Ông Grijalva đang đề cập đến một yếu tố của dự luật sẽ đẩy nhanh quá trình cấp phép cho các dự án năng lượng. Dự luật cũng sẽ thu hồi các quỹ Covid-19 chưa sử dụng và thắt chặt các yêu cầu về công việc đối với các chương trình hỗ trợ lương thực cho người dân Mỹ khó khăn.

Một số nhà đầu tư cảnh báo rằng việc cắt giảm chi tiêu theo dự luật có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng của Mỹ. Các nhà đầu tư cũng đang chuẩn bị cho sự biến động tiềm tàng trên thị trường trái phiếu Mỹ.

Các đảng viên Cộng hòa đã lập luận rằng việc cắt giảm mạnh chi tiêu là cần thiết để hạn chế sự gia tăng nợ quốc gia, hiện ở mức 31,4 nghìn tỷ USD, tương đương với sản lượng hàng năm của nền kinh tế.

Theo dự báo của Chính phủ Washington, các khoản thanh toán lãi cho khoản nợ đó được dự đoán sẽ chiếm một phần ngày càng tăng trong ngân sách trong những thập kỷ tới, khi mà dân số Mỹ già đi, đẩy chi phí y tế và hưu trí tăng cao.

Thỏa thuận sơ bộ hôm 27/5 được tin chưa thể làm bất cứ điều gì để kiềm chế các mối nguy đang phát triển nhanh chóng đó. Hầu hết các khoản cắt giảm sẽ đến từ việc giới hạn chi tiêu cho các chương trình trong nước như nhà ở, kiểm soát biên giới, nghiên cứu khoa học và các hình thức chi tiêu "tùy ý" khác. Chi tiêu quân sự vẫn sẽ được phép tăng sau 2 năm nữa.