|
Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng. |
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tổ chức T.Ư Lê Quang Thưởng nhận định: Tinh thần đi đầu và quyết liệt của Bộ Công an rất đáng hoan nghênh. Đây cũng là tấm gương để các bộ, ngành, địa phương khác tích cực hơn trong sắp xếp lại bộ máy đang rất cồng kềnh hiện nay.
Không phải “một sớm một chiều” mà xongViệc Bộ Công an triển khai đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo hướng tinh gọn hơn được nhiều ý kiến nhận định là “một cuộc cách mạng”. Với góc nhìn của một người nhiều năm công tác trong ngành tổ chức của Đảng, ông nhận định thế nào về lần cải tổ toàn diện bộ máy này của Bộ Công an?- Trước hết phải nói rằng, việc sắp xếp bộ máy lần này của Bộ Công an là phù hợp với chủ trương chung của T.Ư về tinh gọn bộ máy trong toàn hệ thống chính trị và yêu cầu thực tế của ngành. Từ các nghị quyết T.Ư, Bộ Công an đã trực tiếp xây dựng đề án và thông qua Bộ Chính trị. Việc Đảng ủy Công an T.Ư chủ động nghiên cứu, tiên phong cắt giảm, sáp nhập mạnh mẽ nhất các đơn vị trong ngành, hướng tới bộ máy tinh gọn, chuyên nghiệp thể hiện quyết tâm rất cao.
Vừa rồi Chính phủ đã có Nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Tôi thấy các phương án sắp xếp bộ máy như lần này là phù hợp. Bộ Công an đã có nhiều lần thay đổi, sắp xếp tổ chức bộ máy. Có nhiều Tổng cục trước không có, sau đó hình thành, rồi mở rộng theo thời gian và các giai đoạn phát triển của đất nước. Nhiều Cục đã chia tách ra làm các Cục thành phần. Nhưng đúng là lần sắp xếp lớn nhất có thể coi là “một cuộc cách mạng”. Bởi so với bộ máy tổ chức cũ sẽ giảm 6 Tổng cục, giảm gần 60 đơn vị cấp Cục và gần 300 đơn vị cấp Phòng. Ở công an địa phương cũng giảm hơn 500 đơn vị cấp phòng, gần 1.000 đơn vị cấp đội. Đó là những con số rất lớn. Đồng thời với đó, hàng chục Cục trưởng và hàng trăm Phó Cục trưởng sẽ không còn được giữ chức vụ như hiện tại, chắc chắn sẽ giảm nhiều biên chế.
|
Làm thủ tục hành chính tại quận Hoàn Kiếm. Ảnh: Thanh Hải |
Nhưng theo tôi, việc triển khai cũng không hề đơn giản, nhanh chóng được, mà cần thời gian, có khi đến cả năm. Bởi chỉ riêng số cán bộ, sĩ quan dồn lại, phải giải bài toán sắp xếp họ thế nào cũng không hề dễ. Những người đến tuổi về hưu thì có thể về hưu, nhưng những người còn tuổi thì làm gì? Trước ở chức cao, giờ xuống cấp dưới, đây thực sự là cuộc đấu tranh rất lớn với mỗi người.
Vậy theo ông, để triển khai hiệu quả Nghị định của Chính phủ, ngành Công an cần phải giải quyết những khó khăn, thách thức gì?- Với ngành nào cũng vậy, sắp xếp bộ máy sẽ đụng chạm đến quyền lợi của mỗi người. Bởi thế, quan trọng nhất là vấn đề tư tưởng của cán bộ chiến sĩ có thông không. Vì lợi ích của đất nước, tư tưởng phải thông. Bộ Công an phải làm tốt công tác tư tưởng trong lực lượng, phải tạo được sự đồng thuận ủng hộ cao. Việc này đòi hỏi sự công tâm, công bằng, chính trực của người lãnh đạo. Sau nữa là sắp xếp công việc cho hợp lý. Đây thực sự là bài toán khó đòi hỏi sự “dụng công, dụng tâm” lớn.
Tôi nghĩ đây cũng là cơ hội để ngành Công an đánh giá lại đội ngũ, chọn lựa cán bộ, bố trí công việc phù hợp, kiên quyết thực hiện tinh giản biên chế. Theo kinh nghiệm là sau đánh giá cán bộ thì mới sắp xếp, những yếu kém cần xử lý ngay. Kiên quyết sàng lọc, miễn nhiệm, thay thế, cho từ chức đối với cán bộ làm việc kém hiệu quả, không hoàn thành nhiệm vụ, yếu về năng lực, kém về phẩm chất đạo đức, không cần chờ đến hết tuổi công tác, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu.
Cũng không phải lo rằng sáp nhập các tổ chức vào, có những vị trí quyền lực lớn. Bởi việc phân con rõ người, rõ việc thì quyền lực sẽ được phát huy và trách nhiệm được đề cao. Thực tế cho thấy rằng, việc tổ chức theo mô hình cũ khiến quyền lực trong ngành Công an bị dàn trải, khó kiểm soát ở một số bộ phận dẫn đến những sai phạm khá nghiêm trọng của một số cá nhân thời gian qua. Đó thực sự là điều rất buồn. Tôi nghĩ rằng việc sắp xếp bộ máy ngành Công an lần này thành công sẽ tạo ra một sự thay đổi lớn trong ngành. Nhưng khó khăn chắc chắc sẽ có, nhưng tôi tin tưởng vào sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, quyết tâm của Đảng ủy Công an T.Ư, sẽ làm tốt các vấn đề đặt ra.
|
Lực lượng Công an TP Hà Nội trong một đợt ra quân. Ảnh: Hải Linh |
Không quyết liệt, sẽ khó đạt mục tiêuCùng với Bộ Công an, nhiều ngành, địa phương khác cũng đang tập trung rà soát, đổi mới, sắp xếp lại tổ chức bộ máy theo tinh thần Nghị quyết 18 hội nghị T.Ư 6 (Khóa XII). Theo ông, mấu chốt để tinh gọn được bộ máy là gì? - Chúng ta phải tinh gọn vì bộ máy cồng kềnh quá, biên chế tăng nhanh quá, ngân sách Nhà nước chịu không thấu. Riêng việc trả lương cho cán bộ, công chức trong hệ thống chính trị chiếm tới 60 - 70% thu ngân sách. Trong khi đó có bao nhiêu lĩnh vực phải đầu tư, phát triển, thì việc giảm gánh nặng trả lương của ngân sách là việc làm cần thiết. Bởi tinh gọn sẽ giảm đầu mối công việc, giảm biên chế, giảm quỹ lương. Rất nhiều cái được khi tinh giảm.
Cùng với Bộ Công an, một số đơn vị như Bộ Công Thương cũng đã nhập mấy Cục, một số địa phương cũng giảm các phòng, ban… Có nơi làm quyết liệt như vậy, nhưng có nơi vẫn ít chuyển động.
Đây quả thật là chặng đường không dễ dàng. Như tôi đã nói, rào cản lớn của vấn đề tinh gọn bộ máy chính là việc đụng chạm đến quyền lực, lợi ích của nhiều người. Tuy nhiên phải xem đây là cuộc cách mạng trong bộ máy, là sự đổi mới toàn diện, triệt để. Phải nhất trí về chủ trương, từ trên xuống dưới. Phải nghiên cứu quán triệt kỹ Nghị quyết 18 của T.Ư và các nghị quyết khác. Bàn kế hoạch trong lãnh đạo các cấp, phân công nhiệm vụ cho từng người để làm công tác tư tưởng từ trên xuống dưới. Sau những việc ấy cần quyết tâm và rốt ráo thực hiện, thường xuyên giám sát, kiểm tra. Việc này đòi hỏi các bộ, ngành, cơ quan T.Ư phải đóng vai gương mẫu, đi đầu để địa phương học tập. Nếu không có sự quyết liệt từ trên xuống, sẽ rất khó thực hiện được mục tiêu.
Một vấn đề nữa khi sắp xếp bộ máy, biên chế sẽ dôi dư, vậy theo ông, phải giải quyết vấn đề này sao cho hiệu quả, giữ được sự ổn định trong hoạt động?- Đây cũng là bài toán cần giải. Theo tôi, ngoài những biện pháp đưa đội ngũ dư thừa này vào các cơ quan cần thiết, nên khuyến khích họ tìm việc mới, có chế độ phụ cấp nhất định để họ có thể làm ăn bên ngoài hay đầu quân cho các tổ chức phù hợp với năng lực.
Hơn nữa, phải vận dụng những quy định về đánh giá cán bộ, khi làm một thời gian, đánh giá cán bộ, công chức đạt yêu cầu thì giữ lại; không đạt yêu cầu, duy trì một vài năm nếu thấy không phát triển được thì đưa họ ra. Người không hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải loại ra khỏi bộ máy. Việc này đã đề ra từ lâu nhưng không thực hiện được vì nhiều khi người không hoàn thành nhiệm vụ lại là con em của cán bộ quản lý nên khó tinh giản được biên chế.
Bởi thế, đồng thời cũng phải lưu ý có cơ chế kiểm soát không để hiện tượng quan chức lợi dụng chức vụ mưu cầu lợi ích cá nhân, đưa con cháu mình vào các vị trí công việc mà không coi trọng việc đề bạt, sử dụng đúng những người ưu tú khác.
Xin cảm ơn ông!