Điều này cho thấy vai trò ngày càng quan trọng của không gian công cộng trong việc kết cộng đồng, nâng cao chất lượng sống và tạo dựng bản sắc đô thị.
Tạo lập nhiều không gian công cộng quý giá
Có thể thấy, trong nhịp sống nhanh của đô thị hiện nay những không gian công cộng nhằm thỏa mãn nhu cầu thư giãn giải trí, hưởng thụ đời sống văn hóa tinh thần ngày càng được mong đợi. Trong những năm gần đây, Hà Nội đã tổ chức tái thiết thành công nhiều không gian công cộng được người dân ủng hộ, tiếp nhận.
Trong đó, đáng kể nhất là việc hình thành các tuyến phố đi bộ đã khai thác được tối đa cảnh quan kiến trúc đường phố vốn có của Thủ đô và tạo ra nhiều không gian công cộng cho người dân. Hiện tại, Hà Nội đang dẫn đầu xu hướng phát triển phố đi bộ trong không gian đô thị trên cả nước. Ngoài phố đi bộ Hồ Gươm và quanh khu phố cổ còn có phố đi bộ Trịnh Công Sơn, Thành cổ Sơn Tây, Đảo Ngọc – Ngũ Xã.
Đặc biệt, mới đây nhất việc tổ chức không gian phố đi bộ Trần Nhân Tông cùng với với việc hạ rào công viên Thống Nhất và một số công trình phụ cận đưa vào hoạt động đúng dịp Tết Dương lịch đã thu hút đông đảo người dân Thủ đô đến vui chơi.
Chị Vũ Vân Anh (quận Đống Đa, Hà Nội) phấn khởi chia sẻ, gia đình tôi có hai con nhỏ mặc dù nhà ở gần công viên Thống Nhất nhưng trước đây rất ít khi cho con vào chơi vì ngại nhưng từ khi phố đi bộ khai trương khu vực phố Trần Nhân Tông, hồ Thiền Quang kết nối với công viên Thống Nhất một cách dễ dàng thì tôi thường xuyên cho các cháu đến chơi vào cuối tuần.
Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Quang Trung cho biết, phố đi bộ đi vào hoạt động sẽ phát huy lợi thế của khu vực công viên Thống Nhất, hồ Thiền Quang, cụm di tích chùa Quang Hoa, Thiền Quang, Pháp Hoa kết hợp tượng đài “Công an Nhân dân vì dân phục vụ” tạo ra khu vực văn hóa cộng đồng. Đồng thời đáp ứng nhu cầu giao lưu văn hóa, vui chơi giải trí, mua sắm gắn với ẩm thực của Nhân dân, từ đó, phát triển thương mại, du lịch, dịch vụ, thúc đẩy phát triển kinh tế và bảo tồn phát huy di sản văn hóa của dân tộc.
KTS Trần Huy Ánh - Hội Kiến trúc sư Hà Nội cho rằng, chủ trương mở rộng phố đi bộ của Hà Nội là hoàn toàn phù hợp, đã hiện thực hóa một giải pháp sáng tạo nâng cao chất lượng sống cho cư dân đô thị, được người dân đón nhận một cách tích cực, được các chuyên gia trong nước và ngoài nước đánh giá rất cao. Hà Nội vốn được xây dựng rất thân thiện với việc đi bộ. Nhưng sau 20 năm trở lại đây, do chúng ta quá phụ thuộc vào các phương tiện cơ giới nên dẫn đến tình trạng thiếu không gian đi bộ.
Bên cạnh đó, ngày càng xuất hiện nhiều các dự án xây dựng không gian công cộng đầy chất nghệ thuật, mang ý nghĩa nhân sinh vì con người, vì môi trường. Từ những vòm cầu nham nhở phủ đầy rêu mốc, dưới bàn tay của các nhà thiết kế “phố bích họa Phùng Hưng” đã được hình thành.
Các bức bích họa về không gian kiến trúc Hà Nội xưa như Bách hóa tổng hợp, hình ảnh những người phụ nữ gánh hàng hoa, tàu điện, món quà ngày Tết... đã được tái hiện sinh động, làm nổi bật nét xưa Hà Nội... Khi dự án hoàn thành, nhiều người ngỡ ngàng vì những đổi thay tích cực khi bộ mặt phố phường đổi khác, khang trang, lộng lẫy hơn và nơi đây đã thành điểm đến của nhiều dân cũng như du khách.
Hay như dự án nghệ thuật công cộng Phúc Tân (phường Phúc Tân, quận Hoàn Kiếm) dưới bàn tay biến hóa của các họa sĩ, nhà thiết kế đã biến một bãi rác dài khoảng 500m cạnh bờ sông Hồng đầy đồ phế thải trở thành không gian sáng tạo mang tên “con đường nghệ thuật cộng đồng Phúc Tân”. Nhờ nghệ thuật, nơi không ai muốn đặt chân đến giờ đây đã trở thành một không gian cộng đồng sạch sẽ, đa chức năng, cung cấp một địa điểm để tổ chức hoạt động cộng đồng, nơi trẻ nhỏ có không gian chơi, người lớn được tiếp cận dụng cụ tập thể dục...
Cần sự chung tay thực hiện mục tiêu
Một đô thị đáng sống là nơi mà ở đó không gian đô thị, không gian công cộng được bố trí, quy hoạch hợp lý, các yếu tố nhân văn để nâng cao chất lượng sống người dân là điều cần có. Song nhiều năm qua trước áp lực phát triển, đô thị Hà Nội chưa được chú trọng phát triển các không gian công cộng hướng đến thân thiện môi trường, phục vụ lợi ích người dân.
Vào thời điểm này, bên cạnh việc phát triển mở rộng, xây mới, Hà Nội cũng đang tập trung vào việc chỉnh trang tái thiết khu vực đô thị trung tâm theo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy về “Chỉnh trang đô thị, phát triển đô thị và kinh tế đô thị TP Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025”.
Nhiều ý kiến cho rằng đây chính là cơ hội để chính quyền các cấp của Thủ đô nhìn nhận nghiêm túc vấn đề quy hoạch, xây dựng và quản lý không gian công cộng nhằm đáp ứng nhu cầu đa dạng của người dân và cũng là góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế, đô thị.
Theo KTS Trần Huy Ánh, Thủ đô đang đứng trước một giai đoạn phát triển về chất chứ không phải theo số lượng. Bởi vậy, không có lý do gì chúng ta không quan tâm nhiều hơn đến phát triển không gian công cộng, để chứng minh rằng chúng ta dù không phải TP giàu nhất nhưng là TP vì con người nhiều nhất.
Về giải pháp, ông Trần Huy Ánh cho rằng, khi có quyết tâm sẽ tìm ra cách để tạo ra không gian ưng ý và đủ sức thu hút người dân. Ông lấy dẫn chứng, trong 5 năm qua, một quận có diện tích chật hẹp như Hoàn Kiếm đã sáng tạo và lập ra 13 không gian công cộng, điển hình như không gian phố đi bộ hồ Hoàn Kiếm, phố nghệ thuật Phùng Hưng, không gian công cộng ven sông Hồng tại phường Phúc Tân…
Còn theo quan điểm của PGS.TS Phạm Quỳnh Phương - Viện Nghiên cứu văn hóa (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam), việc giành lại các không gian công cộng và vận hành nó tốt trong TP thì phải có sự tham gia của cộng đồng, bởi chính quyền sẽ không thể lo hết. Cần phải có sự liên kết giữa những nhà quản lý đô thị với các DN để tạo nên nhiều hơn các không gian công cộng cho người dân.
Có thể nói từ những không gian văn hóa công cộng, bản sắc đô thị ngày càng định hình rõ nét hơn và trở thành điểm kết nối người dân và thành phố nhiều hơn. Những không gian này, cũng đã phản ánh nhịp sống, khả năng thụ hưởng và cảm thụ văn hóa của người dân thành phố.
Và để mỗi dịp tết đến xuân về, những không gian này góp phần tô điểm rực rỡ thêm cho cảnh quan đô thị, thêm nhiều điểm vui chơi, thư giãn thì mỗi người dân cần chung tay gìn giữ không gian quy giá đó.
Hà Nội đang vươn lên với khí thế mới của một Thành phố sáng tạo, Thành phố hòa bình nên hơn lúc nào hết tư tưởng đó phải được thể hiện trong xây dựng, cải tạo các không gian công cộng. Việc này không chỉ góp phần nâng cao chất lượng, môi trường sống tốt cho Nhân dân trong thời kỳ phát triển mới mà còn là để phát triển đô thị có bản sắc theo hướng xanh, bền vững - Chánh Văn phòng Hội Kiến trúc sư Việt Nam Phạm Thanh Tùng