Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh:

Tốc độ tăng trưởng kinh tế ba tháng đầu năm có nhiều triển vọng

Văn Dũng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - UBND TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức phiên họp đánh giá về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội Quý I/2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Quý II/2024.

Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp 
Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi phát biểu tại phiên họp 

Theo đó, chiều 2/4, UBND TP Hồ Chí Minh đã tổ chức phiên họp về tình hình, kết quả phát triển kinh tế - xã hội Quý I/2024; nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm Quý II/2024. Phiên họp do ông Phan Văn Mãi - Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh chủ trì. Tham dự có đại diện các Sở, ban ngành, thành phố Thủ Đức cùng các quận, huyện.

Tại phiên họp, bà Lê Thị Huỳnh Mai -  Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư  đã có báo cáo tình hình kinh tế - xã hội Quý II/2024, trong đó nổi bật là tình hình chuyển biến và đạt một số kết quả tích cực, thúc đẩy một số ngành, lĩnh vực tiếp tục tăng trưởng, phát triển.

Cụ thể, trong Quý I/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước đạt 406.345 tỷ đồng (theo giá hiện hành). Nếu tính theo giá so sánh 2010 đạt 269.891 tỷ đồng, tăng 6,54% so với cùng kỳ.

Trong đó, khu vực nông lâm thuỷ sản tăng 0,85%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,66%, trong đó công nghiệp tăng 5,37%, xây dựng tăng 7,92%; khu vực dịch vụ tăng 7,34%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng 4,40%. Tất cả các ngành dịch vụ đều có mức tăng trưởng dương so với cùng kỳ.

Tình hình kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Quý I/2024 (ảnh Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh)
Tình hình kinh tế - xã hội Thành phố Hồ Chí Minh Quý I/2024 (ảnh Cục Thống kê TP Hồ Chí Minh)

Tăng cao nhất là ngành vận tải kho bãi với mức tăng 16,24%, kế đến là dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 6,92%; dịch vụ hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ tăng 6,24%; giáo dục và đào tạo tăng 6,15%; bán buôn, bán lẻ tăng 5,68%; thông tin và truyền thông tăng 5,52%; tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 4,11%; y tế và hoạt động cứu trợ xã hội tăng 3,02%; kinh doanh bất động sản tăng 2,51%. Chín ngành dịch vụ chủ yếu chiếm 59,7% trong GRDP, chiếm 91,0% trong khu vực dịch vụ.

Bên cạnh đó, tình hình giải ngân đầu tư công TP Hồ chí Minh đã giao và phân bổ chi tiết kế hoạch vốn đầu tư công năm 2024 là 78.746 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách Trung ương là 3.169 tỷ đồng và vốn ngân sách địa phương là 75.577 tỷ đồng.

Theo số liệu báo cáo từ Kho bạc Nhà nước TP Hồ Chí Minh, tính đến ngày 29/3/2024, tổng số vốn đã giải ngân là 4.481 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 5,7% tổng vốn Thủ tướng Chính phủ giao (79.263,776 tỷ đồng). Dự kiến đến hết ngày 31/3/2024, tổng số vốn giải ngân là 5.566 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 7,02%.

So với số liệu giải ngân của Quý I năm 2023 (1.608 tỷ đồng, tương đương 2,3%) thì số liệu giải ngân đến nay tăng hơn 3.958 tỷ đồng và gấp hơn 3,4 lần so với cùng kỳ năm 2023.

Cùng với đó, số doanh nghiệp thành lập mới ước đạt 12.433 doanh nghiệp với số vốn đăng ký mới khoảng 106.127 tỷ đồng, tăng 12,01% về số lượng và tăng 8,47% về vốn đăng ký so với cùng kỳ. Tuy nhiên, có 15.600 doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động, tăng 20,64% so với cùng kỳ.

Giám đốc Sở KHĐT Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp (ảnh SGGP)
Giám đốc Sở KHĐT Lê Thị Huỳnh Mai báo cáo tại phiên họp (ảnh SGGP)

Tổng thu ngân sách nhà nước Quý I/2024 ước đạt 138.546 tỷ đồng, đạt 28,7% dự toán, tăng 7,6% so cùng kỳ.

Tổng huy động vốn của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đến cuối tháng 3/2024 ước đạt 3.488.700 tỷ đồng, tăng 0,25% so với cuối tháng 2/2024 và tăng 7,07% so với cùng kỳ năm trước.

Nhận định tình hình kinh tế - xã hội Quý I/2024, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cho rằng, bên cạnh một số kết quả đạt được thì một số chỉ tiêu kinh tế thành phố tăng trưởng thấp hoặc không đạt; tăng trưởng tín dụng yếu; thu hút FDI giảm về quy mô vốn (giảm 7,61% so với cùng kỳ); số doanh nghiệp tạm ngưng hoạt động tăng (hơn 20%).

Cùng với đó, tiến độ triển khai thực hiện một số nhiệm vụ phức tạp, đề án lớn, dự án mới còn chậm. Những tồn tại cũ chưa giải quyết dứt điểm, phát sinh tồn tại mới. Do đó phải quyết tâm hơn nữa mới mong hoàn thành kế hoạch của Quý II cũng như các quý còn lại.

Các tồn đọng, nhất là những dự án bất động sản, thị trường bất động sản chưa phục hồi tốt. Các chỉ dấu này cho thấy "sức khỏe" của nền kinh tế TP Hồ Chí Minh chưa phục hồi mạnh mẽ.

Để giữ được đà tăng trưởng này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh yêu cầu các Sở, ngành phân tích nhiều khía cạnh, đặc biệt là đề ra giải pháp, những bài học kinh nghiệm từ Quý I chuyển hóa sang các quý sau để đạt được kết quả mong muốn.

Bên cạnh đó, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cũng cho biết thêm, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao so cùng kỳ, thị trường bất động sản chưa phục hồi tốt, kinh tế thành phố chưa phục hồi mạnh mẽ. Do đó nhiệm vụ quý 2 rất nặng nề…