Những người tiên phong
Cách đây 3 năm, anh Đặng Quang Trọng (An Vĩnh, huyện đảo Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) chọn 400m2 đất ở đồng Cõi (An Vĩnh) để thử nghiệm trồng tỏi hữu cơ.
Mùa đầu, với vài chục triệu đồng mượn tạm, Trọng mua phân chuồng ủ sâu dưới đất, thay thế cho lớp cát cỗi, đất đồi bạc màu, đồng thời sử dụng phân hữu cơ là vật phẩm từ cá, rong biển, bánh dầu được ủ để cải tạo đất, xuống giống và tuyệt đối không dùng phân thuốc hóa học. Ngoài ra, Trọng để cây cỏ phát triển tự nhiên, tận dụng các loại thiên địch để xua đuổi côn trùng có hại.
“Năm đầu tiên hầu như mất trắng, chỉ thu được gần 1kg tỏi cô đơn. Năm thứ 2 sản lượng tỏi thu hoạch đạt 30 - 40% so với cách trồng đại trà. Năm nay là năm thứ 3, cũng là năm tỏi ở mảnh ruộng này đạt năng suất cao nhất so với 2 năm trước.
Trồng theo phương thức hữu cơ thì năng suất đạt 60 - 70% so với năng suất người dân làm bình thường nhưng bù lại, giá bán cao gấp nhiều lần, từ 250 - 350 nghìn đồng mỗi ký. Tất cả được đặt mua hết rồi”, Trọng phấn khởi.
Gắn bó với cây tỏi và nhiều trăn trở trước việc lạm dụng phân, thuốc hóa học, Nguyễn Văn Nhật (An Vĩnh) cũng tìm cho mình phương thức canh tác mới. Trên diện tích 900m2, Nhật bắt tay trồng tỏi sạch sinh học, hướng đến sản phẩm an toàn.
Ngoài cải tạo đất bằng phân bón vi sinh tự nhiên từ rong biển, Nhật sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học thay cho các hoạt chất hoá học. Đồng thời, thuốc trừ sâu sinh học cũng do anh tự pha chế từ các sản phẩm thiên nhiên như ớt, gừng, tỏi theo tỷ lệ nhất định.
Sau năm đầu thí điểm và tự điều chỉnh liệu trình trồng trọt, dinh dưỡng, đến năm kế tiếp, sản lượng tỏi trên đồng đã được cải thiện và bắt đầu cho lợi nhuận.
“Tất nhiên trồng tỏi hay cây gì thì cũng dùng phân, thuốc trừ sâu, nhưng dùng sản phẩm hữu cơ, sinh học thì sẽ an toàn cho cả người trồng lẫn người sử dụng. Còn nếu dùng phân thuốc hóa học tràn lan thì sẽ độc hại chính mình và người dùng, đất nhiễm độc, xấu, người trồng cũng vất vả, tốn kém”, Nhật chia sẻ.
Hướng đi tất yếu
Ông Đặng Tấn Thành- Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng nông thôn huyện Lý Sơn cho biết, huyện đảo đang khuyến khích tạo điều kiện cho người dân và doanh nghiệp tham gia đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp sạch. Tuy nhiên, các mô hình hiện nay chỉ dừng ở thí điểm, tự thực hiện của các nhân, đơn vị.
“Các sản phẩm tỏi sạch hay sinh học là các hộ, đơn vị cá nhân tự làm chứ chưa có sự xác nhận, công nhận của ngành chức năng. Chúng tôi đang triển khai và sẽ thực hiện trong giai đoạn tới”, ông Thành thông tin.
Gắn bó nhiều năm với đất đảo, lĩnh vực nông nghiệp, bà Phạm Thị Hương - Phó Chủ tịch HĐND huyện Lý Sơn nhận định, nghiên cứu giải pháp để phân định vùng sản xuất chuyên canh về nông nghiệp sạch là cần thiết. Trong đó vùng trồng sản phẩm chủ lực hành, tỏi là ưu tiên cơ bản, áo dụng nhiều chính sách hỗ trợ để nông dân, nhà đầu tư mạnh dạn tìm về nông sản sinh học.
“Sản xuất nông nghiệp sạch, trong đó có tỏi sinh học, hữu cơ không chỉ tăng giá trị cho chính sản phẩm đặc trưng vùng tỏi nổi tiếng mà còn tăng giá trị gia tăng cho du lịch, dịch vụ. Chẳng hạn cung cấp dịch vụ trồng tỏi sạch cùng nông dân, tham quan đồng tỏi sẽ gắn kết về phát triển du lịch, giá trị sản xuất cây tỏi sẽ có giá trị cao hơn” - bà Hương chia sẻ.
Được biết, tỏi là cây trồng chính mang lại giá trị, nguồn thu nhập lớn cho người dân đảo Lý Sơn. Huyện đảo này hiện có trên 320ha trồng tỏi. Để có năng suất, sản lượng cao, việc sử dụng các loại phân bón hoá học, thuốc trừ sâu đã trở nên phổ biến. Thói quen trong canh tác này nếu không có điểm dừng sẽ làm vùng chuyên canh tỏi trở nên quá tải và kéo theo nhiều hệ lụy khác.
Theo các ngành chức năng, việc cần nhất hiện nay là Lý Sơn phải xác lập vùng sản xuất chuyên canh nông nghiệp sạch, quy hoạch vùng đại trà, thí điểm và nhân rộng dần. Từ đó, nhà nông, doanh nghiệp tiên phong, mạnh dạn sản xuất nông sản sạch, an toàn từ vùng đất “Vương quốc tỏi”. Đồng thời, cần có những chính sách mở khuyến khích nhà đầu tư, nhà nông đồng hành tìm giải pháp trồng sinh học, thay cho phương thức trồng lạm dụng hoá chất như hiện nay.
“Canh tác tỏi sạch là hướng đi tất yếu của huyện đảo, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường, vừa bảo vệ môi trường sống”, ông Lê Văn Ninh - Phó chủ tịch UBND huyện Lý Sơn khẳng định.