Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tổng cục Thủy lợi lý giải nguyên nhân 71 sự cố hồ đập xảy ra trong 10 năm qua

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo thống kê của Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT), cả nước hiện có 6.750 hồ chứa với tổng dung tích trữ khoảng 14,5 tỷ m3, tạo nguồn nước tưới cho gần 1,1 triệu ha đất nông nghiệp và cấp khoảng 1,5 tỷ m3 nước cho sinh hoạt, công nghiệp.

Sự cố hồ Đầm Thìn xảy ra gần đây khiến hàng trăm hộ dân phải sơ tán
Mặc dù được Chính phủ hết sức quan tâm, các bộ ngành và địa phương cũng có nhiều nỗ lực trong công tác bảo đảm an toàn hồ chứa thủy lợi, tuy nhiên, những năm gần đây, ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đã gây mưa, lũ cực đoan diễn biến phức tạp, bất thường và ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn hồ chứa.
Tính từ năm 2010 đến nay, trên cả nước đã xảy ra 71 sự cố đập, hồ chứa. Cụ thể, năm 2010 (5 hồ), năm 2011 (5 hồ), năm 2012 (2 hồ), năm 2013 (10 hồ), năm 2014 (1 hồ), năm 2017 (23 hồ, đập), năm 2018 (12 hồ, đập), năm 2019 (11 hồ, đập). Mới đây nhất, ngày 28/5/2020, hồ Đầm Thìn (Phụ Thọ) bị vỡ. Đến ngày 7/6/2020, đập dâng Bara Đô Lương bị sập 2 khoang tràn.
Theo Tổng cục Thủy lợi, nguyên nhân chung dẫn đến các sự cố là do ảnh hưởng của mưa lũ, dòng chảy về hồ vượt tần suất thiết kế dẫn đến nước tràn qua đỉnh đập, gây vỡ đập. Công trình đầu mối bị xuống cấp suy giảm cường độ chịu lực; mái đập bị sạt lở, bào mòn lâu ngày; tổ mối trong đập đất... Khi mực nước dâng cao, lượng nước thấm qua các vị trí nứt hoặc tổ mối tăng lên gây vỡ đập (ví dụ điển hình như tại hồ đập: Đồng Đẻn, Đá Bàn, Khe Làng, hồ 271...).
Đối với các hồ mới xây dựng xong hoặc đang thi công xảy ra sự cố do còn chủ quan không lường hết được những tình huống thiên tai của chủ đầu tư, hay do đơn vị tư vấn thiết kế, thi công thiếu kinh nghiệm gây vỡ đập (ví dụ như các hồ đập: Z20, Phước Trung, Vưng...).
Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật, sự cố hồ đập cũng đến từ công tác quản lý. Theo đánh giá của Tổng cục Thủy lợi, năng lực của cán bộ, công nhân ở các hồ do cấp huyện, xã quản lý không đáp ứng yêu cầu, không phát hiện được và kịp thời xử lý các hư hỏng ngay từ giờ đầu. Việc kiểm tra, đánh giá hiện trạng công trình trước lũ hàng năm hầu hết chỉ mới được thực hiện bằng trực quan, ít có đánh giá chuyên sâu.
Ngoài ra, công tác kiểm định đập, hồ chứa chưa được thực hiện nên việc xác định, đánh giá ẩn họa chưa kịp thời. Công tác kiểm tra, vận hành thử, bảo trì thiết bị cơ khí của tràn xả lũ chưa được thực hiện theo quy trình dẫn đến thiết bị không vận hành được khi gặp lũ về...