Theo Theguardian, lễ tang cấp quốc gia của Anh dành cho Nữ hoàng Elizabeth II dự kiến được tổ chức vào khoảng ngày 19/9 tại Tu viện Westminster, nơi từng diễn ra lễ đăng quang của bà vào tháng 6/1953.
Tổng thống Mỹ Joe Biden hôm 9/9 đã xác nhận sẽ đến dự tang lễ. Ông mô tả nữ hoàng quá cố như "sự hiện diện bền vững và là nguồn an ủi, niềm tự hào cho các thế hệ người Anh".
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdoğan cũng thông báo có kế hoạch đến Anh để đưa tiễn nữ hoàng về nơi an nghỉ cuối cùng. “Chúng tôi muốn có mặt tại buổi lễ trang trọng này” – Tổng thống Erdoğan nói và chia sẻ với các phóng viên rằng ông biết Nữ hoàng và đã gặp bà 2 lần tại Điện Buckingham.
Các thành viên cấp cao của các hoàng gia châu Âu, bao gồm cả vua và nữ hoàng từ Tây Ban Nha, Bỉ, Na Uy, Đan Mạch, Thụy Điển và Hà Lan cũng sẽ có mặt tại Tu viện Westminster để dự tang lễ.
Tuy nhiên, ít nhất một nguyên thủ tiết lộ sẽ vắng mặt. Mặc dù quan hệ giữa Anh và Nga đã bị tổn hại nặng nề do chiến dịch quân sự đặc biệt của Moscow ở Ukraine, nhưng Tổng thống Nga Vladimir Putin vẫn gửi lời chia buồn tới Vua Anh Charles III.
Tuyên bố của Điện Kremlin nhấn mạnh: “Trong nhiều thập kỷ, Nữ hoàng Elizabeth II đã nhận được tình yêu và sự tôn trọng của thần dân cũng như uy quyền trên trường quốc tế. Người Nga kính trọng bà vì sự thông thái". Tuy nhiên, khả năng ông Putin dự lễ tang hiện "không được xem xét".
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có chuyến thăm không báo trước đến Đại sứ quán Anh ở Paris hôm 9/9 để ký sổ tang chia buồn về sự ra đi của Nữ hoàng.
Đại sứ Anh tại Pháp Menna Rawlings sau đó viết trên Twitter: “Tôi nhiệt liệt cảm ơn Tổng thống Emmanuel Macron vì chuyến thăm đại sứ quán Anh hôm nay để bày tỏ lòng tôn kính với Nữ hoàng Anh nhân danh người dân Pháp. Những lời nói và tuyên bố của ông ấy đã khiến chúng tôi cảm động sâu sắc và đi thẳng vào trái tim chúng tôi”.
Ông Bob Broadhurst, cựu chỉ huy cảnh sát thủ đô Anh nhận định, lễ tang của Nữ hoàng Elizabeth II gần như chắc chắn sẽ kéo theo các hoạt động an ninh lớn nhất từ trước tới nay tại nước này. Hãng thông tấn PA dẫn lời ông Broadhurst cho biết: “Trên thực tế, mọi quốc gia trên thế giới đều muốn đưa vua, hoàng hậu, thủ tướng hoặc tổng thống của họ đến dự lễ tang".
Hơn 8.000 khách đã đến Tu viện Westminster dự lễ đăng quang của Nữ hoàng Elizabeth II vào tháng 6/1953, lần đầu tiên được truyền hình trực tiếp.