Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Hoãn xử vụ bán logo cho xe vượt trạm vì… vắng mặt luật sư!

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Chỉ trong khoảng 18 tháng, các đối tượng đã bán trên 15 ngàn “logo” cho các xe quá tải vượt trạm để thu lời bất chính số tiền 23 tỷ đồng. Trong đó đưa hối lộ cho hàng loạt cán bộ CSGT, Thanh tra giao thông…

Sáng 14/8, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm lần 2 vụ án “Đưa hối lộ” và “Môi giới hối lộ” đối với 10 bị cáo: Nguyễn Văn Thới (SN 1976), Trần Quốc Thái (SN 1971), Lê Thị Cẩm Vân (SN 1982), Mai Văn Thái Em (SN 1979), Huỳnh Tấn Thắng (SN 1985), Nguyễn Văn Phúc (SN 1967), Trần Trọng Nhân (SN 1988), Nguyễn Minh Thiên (SN 1988), Nguyễn Mai Hữu Nhân (SN 1990, cả 9 bị cáo cùng ngụ TP Hồ Chí Minh, cùng bị truy tố tội “Ðưa hối lộ”) và Nguyễn Cảnh Chân (SN 1973, nguyên cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông đường bộ - đường sắt (PC67) Công an tỉnh Ðồng Nai) bị truy tố tội “Môi giới hối lộ”. Tuy nhiên phiên tòa phải hoãn vì… vắng mặt các luật sư bào chữa cho các bị cáo!
Bán logo, mua đường bảo kê xe quá tải!
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, từ tháng 1/2014 đến tháng 8/2015, Thới cùng Vân và các đồng phạm cấu kết với một số chủ xe tải, tài xế xe chở quá tải thường lưu thông qua các tuyến đường thuộc các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và TP Hồ Chí Minh góp tiền đưa hối lộ cho Cảnh sát giao thông (CSGT) và Thanh tra giao thông (TTGT) để không bị xử phạt.
Để cho lực lượng TTGT hoặc các chốt CSGT nhận biết xe nào có chung chi, Thới và Thái tổ chức in logo có số “68” và “Garage Thành Đô”, Vân in logo có chữ “Xe chở hàng” và logo hình “ông mặt trờ” để bán cho chủ xe, tài xế từ 2,5 - 3 triệu đồng/logo, rồi dán trên xe làm mật hiệu.
 Bị cáo Nguyễn Văn Thới. Ảnh: Tân Châu
Trong khoảng 1 năm rưỡi, các đối tượng trên bán được khoảng 15 ngàn lượt logo, thu lời bất chính khoảng 23 tỷ đồng. Để bảo kê cho các xe chở quá tải, từ khoảng tháng 6/2014, Thới gặp và nhờ Nguyễn Cảnh Chân (cán bộ Đội 1 – PC67 Công an tỉnh Đồng Nai), giúp để các Đội của PC67 Công an tỉnh Đồng Nai không xử phạt lỗi chở quá tải đối những xe có dán logo do Thới bán. Sau đó Chân báo ông Võ Thanh Sơn (Đội trưởng Đội 1 – PC67 Công an tỉnh Đồng Nai) và được ông Sơn chấp nhận. Chân nói với Thới nếu xe nào bị kiểm tra, cứ nói xe của anh Sơn và gọi điện cho Chân biết địa điểm, biển số xe bị kiểm tra để Chân gọi ông Sơn giải quyết.
Khi đã thỏa thuận xong, từ tháng 7/2014 đến tháng 8/2015, Thới đưa hối lộ cho Nguyễn Cảnh Chân trên 1,259 tỷ đồng để đưa cho ông Lê Hữu Khang (Đội trưởng Đội Tham mưu PC67 Công an tỉnh Đồng Nai trên 110 triệu đồng; đưa cho lực lượng CSGT, TTGT từ tháng 12/2014 - 8/2015 trên 3,604 tỷ đồng. Tổng số tiền Thới đưa hối lộ từ tháng 7/2014 đến tháng 8/2015 trên 4,974 tỷ đồng với 79 lần đưa hối lộ. Đối với Trần Quốc Thái khai bắt đầu bán logo từ tháng 3/2015 – 8/2015, mỗi tháng bán và quản lý khoảng 200 logo/lượt xe, hưởng chênh lệch từ 300.000 – 400.000 đồng/logo. Tính đến lúc bị bắt, Thái hưởng lợi khoảng 360 triệu đồng. Số tiền Thái đưa hối lộ cho CSGT, TTGT trên 2,244 tỷ đồng với tổng số 39 lần đưa. Trong đó theo tài liệu thu thập được tại nhà Thới thể hiện từ tháng 3/2015 – 5/2015, Thới nhờ Thái 10 lần đưa tiền cho các cán bộ CSGT, TTGT: Huỳnh Quốc Nhanh, Đoàn Hồng Tín, Lê Hồng Chấn, Nguyễn Văn Bình, Tạ Ngọc Anh, Lê Quốc Duy, Lê Văn Hải, Phạm Văn Hồng, Dương Thanh Hùng với tổng số tiền 565 triệu đồng.
Lời khai tại phiên tòa tháng 4/2018 là sai sự thật
Còn Lê Thị Cẩm Vân khai bán logo “xe chở hàng” và “hình ông mặt trời” từ tháng 5/2015 – 8/2015 với số lượng logo tăng dần, chỉ riêng tháng 8/2015 Vân thu được tổng số tiền bán logo là 2,988 tỷ đồng! Đưa hối lộ cho Đội 7 Thanh tra Sở GTVT TP Hồ Chí Minh tổng cộng 450 triệu đồng, mỗi tháng 150 triệu đồng (các tháng 6,7 và 8/2015) và thông qua Trần Trọng Nhân đưa hối lộ 11 lần cho Đội 8 với số tiền 169 triệu đồng trong tháng 8/2015. Ngoài ra Vân còn đưa cho Thắng 8 triệu đồng để đưa hối lộ cho Đội 7 và đưa danh sách 542 xe đã mua logo cho ông Lê Tân Hồng (Đội 7).
Đối với 17,8 tỷ đồng/23 tỷ đồng thu lợi bất chính, Thới hưởng lợi 1,3 tỷ đồng. Số còn lại khai dùng để nộp phạt cho các xe đã mua logo nhưng vẫn bị lập biên bản phạt hoặc trả tiền công cho những xe ôm có nhiệm vụ canh các tuyến đường có Tổ tham mưu đặc biệt của Phòng PC67 Công an TP Hồ Chí Minh tuần tra kiểm soát để nhắn tin cho Thới và tài xế đã mua logo biết để né tránh.
Tại phiên tòa diễn ra vào tháng 4/2018, do các bị cáo phản cung, cho rằng trong quá trình lấy lời khai do điều tra viên hăm dọa chích điện, treo cổ… nên khai không đúng sự thật; và cũng không đưa hối lộ mà chỉ nhờ nộp phạt giúp. Vì vậy HĐXX phiên tòa sơ thẩm lần 1 phải trả hồ sơ để điều tra bổ sung.
Đến tháng 6/2018, Cơ quan CSĐT Bộ Công an có kết luận điều tra bổ sung, khẳng định toàn bộ số tiền mà Thới chuyển cho Chân, ông Khang là đưa hối lộ. Trong quá trình điều tra bổ sung tất cả 10 bị can Thới, Thái, Vân, Thiên… thừa nhận lời khai tại phiên tòa tháng 4/2018 là không đúng và xin giữ nguyên lời khai trước kia tại cơ quan điều tra (CQĐT). CQĐT đã cho bị can Chân đối chất với ông Đỗ Hữu Tuyến, nguyên Phó trưởng phòng PC67 Công an tỉnh Đồng Nai. Chân giữ nguyên lời khai về việc sau khi nhận tiền của Thới (từ tháng 4/2015 – 8/2015) đã chuyển cho ông Tuyến 300 triệu đồng để nhờ ông Tuyến can thiệp các tổ công tác bỏ qua lỗi vi phạm quá tải mỗi khi Chân nhờ. Tuy nhiên ông Tuyến không thừa nhận.
Kẻ nói có đưa hối lộ, người bảo không nhận
CQĐT cũng cho Thới đối chất với các ông Lại Văn Ba (nguyên Đội trưởng Đội CSGT Chợ Lớn), Nguyễn Tuấn Anh (cán bộ CSGT Công an quận 8), Nguyễn Đức Toàn (cán bộ Đội CSGT An Lạc), Tô Văn Sỹ (Phó trưởng Đội CSGT Công an huyện Củ Chi), Vũ Đình Chung (cán bộ Đội CSGT Chợ Lớn), ông Nguyễn Minh Cảnh (cán bộ TTGT Thanh tra Sở GTVT tỉnh Bình Dương). Thới vẫn giữ nguyên lời khai có đưa tiền hối lộ cho những người nêu trên để nhờ bảo kê xe quá tải mua logo “Garage Thành Đô”. Tuy nhiên những người này chỉ thừa nhận có quen biết Thới và khẳng định không nhận tiền để bảo kê.
Đối với bị can Thái cũng được cho đối chất với các ông Phạm Văn Hùng (Đội trưởng Đội CSGT Cát Lái), Lê Quốc Duy (cán bộ Đội CSGT Công an quận 12), Phạm Tấn Nghĩa (cán bộ Đội CSGT Bình Triệu). Kết quả Thái nhận ra những người này và giữ nguyên lời khai về việc giúp Thới đưa hối lộ cho những người nêu trên. Tuy nhiên những cán bộ này khẳng định không biết Thái và cũng không nhận tiền hối lộ để bảo kê cho xe có logo “Garage Thành Đô”.
Bị can Vân cũng được cho đối chất với những cán bộ CSGT, TTGT mà Vân nhận dạng được và những cán bộ thừa nhận biết Vân là các ông: Phan Minh Hải, Trần Thanh Sơn (Đội phó và cán bộ Đội 7 TTGT TP Hồ Chí Minh), Lê Ánh Dương (Phó trưởng Đội CSGT số 1 PC67 Công an tỉnh Đồng Nai), Huỳnh Công Thắng (Phó trưởng Đội CSGT An Lạc PC67 Công an TP Hồ Chí Minh), Lê Văn Hải, Phan Thanh Tân (Đội phó và cán bộ Đội CSGT An Sương), Phan Văn Sự (Đội trưởng Đội TTCĐ Công an quận Thủ Đức), Vũ Đình Chung, Lại Văn Ba (Đội CSGT Chợ Lớn)… thì Vân giữ nguyên lời khai tại cơ quan điều tra là có đưa tiền hối lộ, quà cho những người này và có gọi điện thoại nhờ can thiệp bỏ qua lỗi xe chở quá tải. Tuy nhiên tất cả những cán bộ có tên trên đều khẳng định không nhận tiền, quà để bảo kê xe quá tải.
Có tổng cộng 62 cán bộ CSGT, 18 cán bộ TTGT của TP Hồ Chí Minh, tỉnh Đồng Nai và tỉnh Bình Dương được các bị can khai có đưa hối lộ và cơ quan điều tra cũng đã lấy lời khai của những người này, nhưng không ai thừa nhận đã nhận hối lộ để bảo kê xe quá tải.
Theo cáo trạng của Viện KSND Tối cao, các bị can giữ nguyên lời khai có đưa hối lộ cho những cán bộ đó. Tuy nhiên do không có tài liệu, chứng cứ nào khác ngoài lời khai của các bị can nên Viện KSND cho rằng chưa đủ cơ sở kết luận hành vi nhận hối lộ của các cán bộ CSGT, TTGT có tên nêu trên.