Đã đưa 28.000 người về quê tránh dịchChiều 8/9, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh đã họp báo, cung cấp một số thông tin được dư luận quan tâm trong ngày.
Ông Phạm Đức Hải – Phó trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh cho biết, tính đến ngày 7/9, TP đã phối hợp với các tỉnh, thành, tổ chức đưa được 28.000 người về quê tránh dịch.
Giao hàng cho người dân trong thời gian giãn cách (Ảnh nguồn: Trung tâm báo chí TP Hồ Chí Minh). |
Theo ông Phạm Đức Hải, số lượng người về quê dựa trên khả năng tiếp nhận, bố trí khu cách ly, các điều kiện y tế, phòng, chống dịch của các địa phương. Trên cơ sở năng lực tiếp nhận, các địa phương có văn bản chính thức gửi cho TP, trong đó có danh sách người được về.
Đối với TP Hồ Chí Minh, thời gian qua UBND TP giao Sở Giao thông Vận tải làm đầu mối phối hợp với các hội đồng hương, các sở liên quan của các tỉnh thành để tạo điều kiện thuận lợi, sắp xếp, bố trí cho người dân về quê thuận lợi, an toàn.
Không có chuyện người dân cố tình "bom" hàng
Tại buổi họp báo, ông Phạm Đức Hải cũng thông tin chi tiết về tình hình các lực lượng chức năng ở địa phương tổ chức đi chợ hộ cho người dân.
Cụ thể, theo ông Phạm Đức Hải, tổng nhu cầu đăng ký đi chợ hộ trong ngày 7/9 là 82.536 hộ, giảm 124 hộ so với ngày 6/9. Kết quả, có 83.529 hộ được cung ứng hàng hóa, tỷ lệ đạt 101,2% số hộ đăng ký (phần vượt là đơn hàng tồn đọng của ngày hôm trước - PV). Điều đó chứng tỏ năng lực đáp ứng hàng hóa cho người dân đã được tăng cường, nhưng đồng thời cũng cho thấy còn nhiều đơn hàng của các hộ dân chưa được giải quyết kịp thời, phải thực hiện trong các ngày tiếp theo.
“TP hiện có hơn 2.700 điểm cung ứng hàng hóa đang hoạt động, trong đó bao gồm 92 siêu thị, 2.100 cửa hàng tiện ích và 522 cửa hàng tạp hóa. Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân...” - ông Phạm Đức Hải nhận định.
Cũng liên quan đến việc đi chợ hộ, Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó trưởng phòng Tham mưu, Công an TP Hồ Chí Minh đã có trao đổi về việc người dân đặt hàng nhưng không nhận ("bom" hàng).
Theo ông Lê Mạnh Hà, căn cứ phản ánh của các cơ quan báo chí, Công an TP chỉ đạo các địa phương làm việc với các đơn vị liên quan. Kết quả làm việc với các cơ quan quản lý shipper hiện chưa phát hiện hiện tượng "bom" hàng.
Tại 21 quận, huyện và TP Thủ Đức, cơ quan công an đã làm việc với 200 trường hợp đặt mua nhưng không chịu nhận hàng thì phát hiện, nguyên nhân chủ yếu là do người dân không thành thạo công nghệ, khi thao tác bị trùng đơn hàng, không biết hủy và dữ liệu không chính xác, tìm không ra địa chỉ.
Ngoài ra, có trường hợp chờ đợi quá lâu, người dân từ chối nhận hàng. Có trường hợp cung cấp không đủ hàng nên người dân từ chối. "Chẳng hạn như đặt mua con gà nhưng khi hàng giao chỉ có cánh hoặc đùi gà nên người đặt không nhận. Có trường hợp giao hàng hai lần nên người dân từ chối nhận hàng…" - ông Hà cho biết.Gần 15.000 F0 là người dưới 18 tuổi
Tại buổi họp báo, ông Nguyễn Hữu Hưng – Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh đã cung cấp thông tin về công tác điều trị cho F0 là người dưới 18 tuổi.
Điều trị cho bệnh nhân Covid-19 (Ảnh nguồn: HCDC). |
Theo ông Nguyễn Hữu Hưng, lũy tiến đến nay trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có 14.800 F0 là người dưới 18 tuổi. Hiện đang ngành y tế đang điều trị cho hơn 2.800 trường hợp, số còn lại đã khỏi bệnh. "Trong gần 15.000 F0 là người dưới 18 tuổi, có 13 ca tử vong, tỷ lệ tử vong là 0,1%, các ca tử vong hầu hết có bệnh lý nền kèm theo" - ông Hưng cho biết.Cũng theo ông Hưng, điều trị cho F0 là người dưới 18 tuổi cũng có thể coi là đồng thời điều trị cho người lớn đi kèm. Bởi vì các bệnh nhân chưa thể tự chăm sóc bản thân, nên việc phụ huynh đi kèm để thuận lợi hơn.
Thông tin chung về công tác điều trị cho F0, ông Nguyễn Hữu Hưng cho biết, đã có 83.000 F0 nhận được túi thuốc A, B (TP phát cho F0 cách ly, điều trị tại nhà 3 túi thuốc ký hiệu là A, B và C - PV). Về túi thuốc C, Bộ Y tế cấp cho TP 50.000 túi, đã phát về các địa phương 16.000 túi, đến nay có 7.900 F0 nhận túi thuốc C.
Về kinh phí điều trị cho F0 có bệnh nền, theo ông Nguyễn Hữu Hưng, Covid-19 được xác định là bệnh nguy hiểm, khi điều trị cho F0 có bệnh nền, nhà nước chi trả chi phí cho việc điều trị Covid-19. Nếu bệnh nhân có bệnh nền khác, BHYT sẽ thanh toán theo quy định.