Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

TP Hồ Chí Minh: Số ca tử vong do Covid-19 giảm, lượng người ra đường tăng

Huy Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - TP Hồ Chí Minh đã có 4 ngày liên tiếp số ca tử vong do Covid-19 giảm dưới 200 ca/ngày.

Gần 41.000 bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị
Chiều 17/9, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch Covid-19 TP Hồ Chí Minh (Ban chỉ đạo) họp báo cung cấp thông tin về tình hình phòng chống dịch trên địa bàn.
 Điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Nguồn HCDC
Theo số liệu của Ban chỉ đạo, tính đến 18 giờ ngày 16/9/2021, toàn TP đã có 321.358 trường hợp mắc Covid-19 (F0) được Bộ Y tế công bố, bao gồm 320.882 ca nhiễm trong cộng đồng, 476 ca nhập cảnh. Hiện hệ thống y tế đang điều trị 40.888 F0. Trong đó có 3.145 F0 là trẻ em dưới 16 tuổi, 2.514 F0 nặng đang thở máy và 23 F0 can thiệp ECMO. Trong ngày 16/9 có 3.287 F0 khỏi bệnh được xuất viện (tổng số xuất viện cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 164.294). Cũng trong ngày 16/9 có 166 F0 tử vong (tổng số tử vong cộng dồn từ 1/1/2021 đến nay là 12.934 ca).
Đáng chú ý, số ca tử vong do Covid-19 trên địa bàn ngày thứ 4 liên tiếp giảm dưới 200 ca. Trong đó, ngày 15/9 có 160 ca tử vong, thấp nhất kể từ ngày 23/8 - thời điểm bắt đầu tăng cường giãn cách xã hội. Riêng đối với ngày 16/9, số ca tử vong tăng nhẹ so với ngày trước đó, là 166 ca. Số ca tử vong trong 2 ngày 15 và 16/9 đã giảm hơn một nửa so với ngày 30/8.
Về hoạt động cung ứng hàng hóa cho người dân, theo Ban chỉ đạo, TP hiện có 3.115 điểm bán đang hoạt động, tăng 114 điểm bán so thời điểm bắt đầu triển khai mô hình (23/8/2021). Với chủ trương mở cửa theo lộ trình, an toàn đến đâu mở đến đó, đảm bảo an toàn phòng chống dịch, việc bổ sung thêm các kênh phân phối hàng hóa thiết yếu khác trong thời gian tới (như nới khung giờ hoạt động của hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm; cho phép người dân tại quận 7, huyện Củ Chi và Cần Giờ đi chợ 1 lần/tuần; mở các điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ đầu mối; đặc biệt là cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống được hoạt động từ 6 giờ 00 đến 21 giờ 00 hàng ngày theo hình thức bán hàng mang đi,…), sẽ tiếp tục nâng cao năng lực đáp ứng nhu cầu của người dân Thành phố.
 Lưu lượng giao thông trên đường đã bắt đầu tăng trở lại. Ảnh: Huy Khánh
Lưu lượng người ra đường bắt đầu tăng
Tại buổi họp báo, một vấn đề được báo chí quan tâm đó là doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống gặp khó khăn trong việc xin giấy đi đường.
Thượng tá Lê Mạnh Hà - Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TP Hồ Chí Minh cho biết, trong ngày 17/9 Công an TP đã ban hành công văn hướng dẫn công an các địa phương, tham mưu cho Chủ tịch UBND cùng cấp phân công đơn vị tiếp nhận hồ sơ đề nghị đăng ký hoạt động và cấp giấy đi đường cho doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Công an TP đề nghị công an cấp huyện, xã trực hàng ngày, kể cả thứ 7 và Chủ nhật để tiếp nhận, xem xét giải quyết. Công an TP cũng chuyển xuống công an các địa phương 15.000 giấy đi đường để cấp bổ sung theo nhu cầu.
Liên quan đến vấn đề giao thông, theo số liệu của Ban chỉ đạo, lượng phương tiện lưu thông trung bình cả ngày 16/9 (số liệu tại 100 điểm đo đếm trên 48 tuyến đường chính) giảm 75% so với trung bình ngày thường. Ngày 16/9, lưu lượng giao thông đã tăng 5% so với ngày 15/9; tăng 18% so với ngày 9/9; giảm 18% so với ngày 22/8 (thời điểm trước khi thực hiện tăng cường giãn cách).
ông Phan Công Bằng - Phó Giám đốc Sở Giao thông vận tải cho biết, ngày 16/9, TP cho phép shipper đi liên quận, một số cửa hàng vận chuyển hàng hóa, nối lại một số hoạt động… lượng người ra đường đã đông hơn, tăng khoảng 5%.