Số công nhân quay lại làm việc tăng
Theo ông Nguyễn Văn Lâm - Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH TP Hồ Chí Minh, đã có khoảng 44.000 công nhân, người lao động rời khỏi nhà máy, xí nghiệp trong thời gian bùng phát dịch Covid-19 vừa qua. Thời gian gần đây, nhiều công nhân và người lao động đã quay trở lại TP để làm việc, tìm việc làm.
Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Nên kiểm tra công tác phòng chống dịch, thích ứng an toàn tại Công ty Pouyuen |
Cũng theo số liệu của Sở LĐTB&XH, hiện đã có 14.600 công nhân, người lao động ở khu vực miền Tây Nam Bộ quay lại TP Hồ Chí Minh làm việc. Nguồn lao động từ các tỉnh Tây nguyên quay trở lại TP vẫn đang ở mức thấp, chưa đến 500 người.
"TP Hồ Chí Minh có nhiều giải pháp để thu hút lao động quay trở lại làm việc. UBND TP đã chỉ đạo Sở GTVT tạo điều kiện thuận lợi để người lao động di chuyển; người lao động khi trở lại TP sẽ được tiêm vaccine phòng Covid-19. Khi người lao động đến tìm việc tại hệ thống sàn giới thiệu việc làm sẽ được xét nghiệm Covid-19 miễn phí; được giới thiệu việc làm; được giới thiệu đến các cơ sở nhà trọ giá trẻ, miễn giảm chi phí thuê trọ…" - ông Nguyễn Văn Lâm cho biêt.
Còn theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Lê Huỳnh Minh Tú, tình hình phục hồi sản xuất trong các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động bên ngoài đang rất lạc quan. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại đã đạt khoảng 96%. Trong khi đó, doanh nghiệp tại khu công nghệ cao đã hoạt động trở lại là 100%. Doanh nghiệp hoạt động bên ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp… đến nay đã hoạt động trở lại trên 90%.
Một vấn đề “nóng” mới nổi lên, đó là ngay khi các khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp bên ngoài các khu công nghiệp hoạt động trở lại, dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng ở một số khu vực gây lo ngại cho cộng đồng, các nhà quản lý và địa phương. Vấn đề đặt ra hiện nay là làm thế nào để thích ứng an toàn với đại dịch Covid-19 mà vẫn có thể đảm bảo sản xuất, kinh doanh, phục hồi kinh tế?
Thích ứng
Ông Võ Phan Lê Nguyễn - Phó Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè cho biết, trong số 543 ca F0 phát sinh trên địa bàn mấy ngày vừa qua, có 200 ca xuất phát từ Khu công nghiệp Hiệp Phước, Khu chế xuất Tân Thuận và Khu công nghiệp Long Hậu (Long An, giáp ranh với huyện Nhà Bè). Khi công nhân quay trở lại làm việc, doanh nghiệp tổ chức xét nghiệm và phát hiện các trường hợp dương tính với SARS-CoV-2, công nhân không được vào nhà máy, họ trở về các khu nhà trọ chật hẹp trong cộng đồng làm lây lan dịch Covid-19.
Tình hình trên địa bàn huyện Hóc Môn cũng tương tự. Bà Lê Thụy Mỹ Châu - Phó Chủ tịch UBND huyện Hóc Môn cho biết: "Từ ngày 25/10 tới nay, huyện Hóc Môn đã rà soát và phát hiện dịch Covid-19 có dấu hiệu tăng trở lại.
Theo đó, từ ngày 22/10 tới ngày 28/10/2021 ghi nhận có 346 ca F0. Từ ngày 29/10 tới ngày 4/11 số F0 được phát hiện mới là 432 ca. Số F0 mới phát hiện chủ yếu ở các khu vực nhà trọ gần khu công nghiệp. Doanh nghiệp hoạt động trở lại sau dịch, công nhân quay lại nhà máy, xét nghiệm phát hiện nhưng doanh nghiệp không thông báo với chính quyền, F0 về lại cộng đồng và làm lây lan dịch. Huyện Hóc Môn và Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh đã phối hợp để cô lập và dập 25 ổ dịch trong cộng đồng trên địa bàn huyện".
Theo ông Võ Phan Lê Nguyễn: "Để thích ứng với tình hình mới, huyện Nhà Bè đã làm việc với các khu công nghiệp trên địa bàn và lân cận. Tại khu công nghiệp Hiệp Phước sẽ xây dựng một trung tâm dành để cách ly cho công nhân bị nhiễm Covid-19. Huyện Nhà Bè cũng đã làm việc với Khu công nghiệp Long Hậu, thiết lập đường dây nóng, khi có công nhân là F0 sẽ thông báo cho địa phương, không để công nhân là F0 về cộng đồng làm lây lan dịch.
Công nhân có điều kiện cách ly tại nơi ở, địa phương sẽ chăm lo an sinh. Công nhân không đủ điều kiện cách ly tại nhà sẽ được đưa đi cách ly tập trung. Một giải pháp khác để thích ứng với tình hình mới, huyện Nhà Bè cũng đã vận động các chủ nhà trọ, dành 50% số nhà trọ để làm chỗ cách ly cho công nhân".
Ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, cho biết thêm, khi Chính phủ có Nghị quyết 128 về thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch, Sở Y tế đã có văn bản 8095 hướng dẫn tạm thời cho các nhà máy, doanh nghiệp, xí nghiệp… Trong đó, khuyến khích khu công nghiệp có khu cách ly riêng, hình thành các khu cách ly trong doanh nghiệp, nhà máy…
Vấn đề đảm bảo sản xuất và thích ứng an toàn với dịch bệnh đang được TP Hồ Chí Minh chú trọng. Liên tiếp trong các ngày từ 9 - 11/11, Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Nên và đoàn công tác đã có những chuyến kiểm tra tại các khu chế xuất, khu công nghệ cao, doanh nghiệp lớn. Tại các điểm đến kiểm tra, Bí thư Nguyễn Văn Nên luôn chỉ đạo chú trọng bảo vệ sức khỏe của công nhân lên hàng đầu.