Tham dự buổi giám sát có đồng chí Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cùng lãnh đạo các sở, ngành và các địa phương liên quan.
Tại buổi giám sát, được sự phân công của UBND TP Hồ Chí Minh, ông Huỳnh Thanh Khiết - Phó Giám đốc Sở Xây dựng đã báo cáo về việc thực hiện công tác quản lý nhà nước về TTXD trên địa bàn (từ năm 2021 đến tháng 6/2024).
Theo thống kê của Sở Xây dựng, trong giai đoạn từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024, số vụ vi phạm bị phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTXD là 1.418 trường hợp, với tổng số tiền xử phạt khoảng 34,6 tỷ đồng. Trong đó, số tiền xử phạt thu được khoảng 25,4 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 73,3%.
Kết quả số trường hợp đã chấp hành 741 trường hợp, đạt tỷ lệ 52,3%. Đối với công trình vi phạm bị xử phạt theo pháp luật đất đai có 1.256 trường hợp. Bên cạnh đó số trường hợp đã chấp hành 1.041 trường hợp, đạt tỷ lệ 82,9%.
Đối với việc kiểm tra, quản lý chất lượng, đảm bảo các biện pháp an toàn, việc xử lý, giải quyết, khắc phục các sự cố công trình gây mất an toàn hoặc có nguy cơ gây mất an toàn, từ năm 2021 đến tháng 6/2024, tổng số sự cố về công trình xây dựng trên địa bàn là 19 sự cố.
Bên cạnh đó, trong giai đoạn giám sát, Sở Xây dựng cũng đã tiếp nhận 2.850 thông tin phản ánh về trật tự đô thị qua ứng dụng trực tuyến (app SXD247). Đến nay đã giải quyết được 2.776/2.850 thông tin (đạt tỷ lệ 97,4%).
Cùng với đó, sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 23-CT/TU, tổng số công trình vi phạm TTXD trên địa bàn là 3.085 công trình, bình quân 1,7 vụ/ngày, giảm 6,9 vụ/ngày, tỷ lệ giảm là 80,2% so với bình quân số vụ vi phạm trước thời điểm ban hành Chỉ thị số 23-CT/TU là 8,5 vụ/ngày.
Riêng so sánh số liệu vi phạm TTXD trong thời gian qua thì số liệu vi phạm xây dựng không phép có dấu hiệu tăng.
Tình hình vi phạm xây dựng không phép tăng chủ yếu do nguyên nhân xuất phát từ các yếu tố như: tình hình tăng dân số cơ học cao dẫn đến nhu cầu nhà ở cho người thu nhập thấp tăng cao; quy hoạch đối với các dự án phát triển nhà ở, các dự án hạ tầng kỹ thuật và các công trình công cộng chậm; bất cập trong triển khai công tác quy hoạch và xây dựng…
Cũng tại buổi giám sát, một số ý kiến cũng cho rằng, số công trình vi phạm TTXD chưa bị cưỡng chế hiện nay còn tương đối nhiều với 677 công trình vi phạm. Do vậy, đề nghị Sở Xây dựng cho biết nguyên nhân vì sao tồn tại, vướng mắc, cũng như kế hoạch cưỡng chế.
Phát biểu tại buổi giám sát, ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết, trong thời gian qua các sở, ngành đã có nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, xử lý nhằm hạn chế vi phạm trong công tác TTXD.
UBND TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công Thương, Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Văn hóa và Thể thao phối hợp với Sở Xây dựng, Sở Tài nguyên và Môi trường, tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ sàn giao dịch bất động sản.
Bên cạnh đó, UBND TP Hồ Chí Minh cũng đã phê duyệt Đề án ứng dụng công nghệ viễn thám (GIS) trong công tác quản lý đất đai, quy hoạch và xây dựng trên địa bàn; ban hành các quyết định phê duyệt quy trình giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hoạt động xây dựng; công bố mẫu bản vẽ thiết kế để hộ gia đình, cá nhân tham khảo đối với nhà ở riêng lẻ trên địa bàn.
Phát biểu tại buổi giám sát, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cho biết, TP Hồ Chí Minh đã đưa ra 7 nhóm giải pháp gồm 56 nhiệm vụ trọng tâm để từ đó kéo giảm số vụ vi phạm TTXD, tuy nhiên để công tác này bền vững cần phải có sự phối hợp đồng bộ.
Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thị Lệ cũng nhấn mạnh, trong thời gian giám sát tại các quận, huyện có rất nhiều kiến nghị, đề xuất nhằm kéo giảm vi phạm TTXD rất hay nên cần được nhân rộng trên toàn địa bàn TP.
Được biết, qua 5 năm thực hiện Chỉ thị 23, tình trạng vi phạm TTXD trên địa bàn TP đã giảm rõ rệt khi số liệu vi phạm giảm dần từ năm 2021 đến 6 tháng đầu năm 2024. Qua đó cho thấy, Chỉ thị 23 thực sự phát huy được vai trò và tính hiệu quả đối với công tác quản lý nhà nước về trật tự xây dựng trên địa bàn TP.