Đó là khẳng định của ông Lê Nguyễn Minh Quang - Trưởng Ban Quản lý (BQL) Đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh tại buổi họp báo ngày 24/5, nhằm thông tin tiến độ các dự án đường sắt đô thị.
Bản đồ tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên). |
Cũng theo ông Quang, phía Ban quản lý dự án đã báo cáo với UBND TP Hồ Chí Minh đề nghị với Chính phủ tiếp tục cấp vốn nhằm phục vụ việc chi trả cho nhà thầu trong thời gian thi công sắp tới. Bởi lẽ, từ cuối tháng 9/2016, trong điều kiện cấp bách, TP đã tạm ứng vốn ngân sách để cung cấp cho các nhà thầu, trả lương cho công nhân, các nhà cung cấp vật tư...
“Tuy nhiên, việc này không thể tiếp diễn mãi được vì TP không đủ điều kiện để chi trả. Nếu việc chậm chi vốn lặp lại, nhà thầu sẽ giảm tiến độ và ngưng thi công. Do đó, nguy cơ tuyến metro số 1 chậm tiến độ, phải sau năm 2020 mới hoàn thành là rất lớn”, ông Quang cho biết.
Cũng tại buổi họp báo, BQL đường sắt đô thị TP Hồ Chí Minh cho biết, tuyến metro Bến Thành - Suối Tiên sẽ được kéo dài đến tỉnh Bình Dương và Đồng Nai với tổng chi phí khoảng 100 triệu USD (tương đương 2.100 tỷ đồng). Theo đó, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai thống nhất từ ga cuối của tuyến số 1 (ga Suối Tiên) sẽ kéo dài thêm 2km tới ga nút giao trên địa bàn tỉnh Bình Dương và từ đây metro sẽ được chia 2 nhánh về Bình Dương và Đồng Nai…
Phối cảnh hầm metro. |
“Đồng Nai và Bình Dương đã có văn bản gửi TP Hồ Chí Minh đề nghị hỗ trợ thực hiện đoạn tuyến này theo hướng 2 tỉnh này đồng ý chịu tất cả chi phí giải tỏa mặt bằng, riêng kinh phí xây dựng, đề nghị TP Hồ Chí Minh xem xét”, đại diện BQL đường sắt đô thị cho biết.
Cũng theo vị đại diện BQL đường sắt đô thị, trong trường hợp tuyến metro số 1 được kéo dài sẽ mang lại lợi ích cho TP Hồ Chí Minh, như: Tăng lưu lượng hành khách khai thác của tuyến, giảm áp lực giao thông, giúp giãn dân về phía Đông.
Được biết, tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên có tổng vốn 2,49 tỷ USD (hơn 47.000 tỷ đồng) được khởi công tháng 8/2012. Tuyến này dài gần 20km, đi qua các quận 1, 2, 9, Bình Thạnh, Thủ Đức (TP Hồ Chí Minh) và huyện Dĩ An (tỉnh Bình Dương). Trong đó, có 2,6km đi ngầm (3 nhà ga) và hơn 17km trên cao (11 nhà ga). Công trình dự kiến đưa vào khai thác năm 2020.