TP Hồ Chí Minh: Xét xử nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang

TÂN TIẾN
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chuyển nhượng 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim không đấu giá, ông Tất Thành Cang - Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cùng 19 đồng phạm gây thiệt hại cho SADECO hơn 1.103 tỷ đồng, trong đó gây thất thoát tài sản của Nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng.

Bị cáo Tất Thành Cang giữ vai trò đứng đầu
Sáng nay 27/12, TAND TP Hồ Chí Minh đưa ra xét xử sơ thẩm đối với 20 bị cáo trong vụ án “Tham ô tài sản”, “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” với số tiền hơn 669,6 tỷ đồng xảy ra tại Công ty Cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn (SADECO) là công ty con của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp Tân Thuận (IPC), 100% vốn của Nhà nước.
Trong vụ án này, bị cáo Tất Thành Cang (SN 1971) được xác định giữ vai trò đầu vụ, bị xét xử tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”.
 Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh Tất Thành Cang tại thời điểm bị công an bắt tạm giam. Ảnh: Công an cung cấp.
Các bị cáo Tề Trí Dũng (SN 1981, nguyên Tổng Giám đốc IPC kiêm Chủ tịch HĐQT SADECO); Hồ Thị Thanh Phúc (Nguyên Tổng Giám đốc SADECO); Đỗ Công Hiệp (SN 1973, nguyên Kế toán trưởng SADECO); Huỳnh Phước Long (SN 1967, nguyên Trưởng phòng Quản lý đầu tư và Kinh doanh vốn thuộc Văn phòng Thành ủy TP Hồ Chí Minh, nguyên thành viên HĐQT SADECO), Trần Công Thiện (SN 1965, nguyên Tổng Giám đốc IPC, thành viên HĐQT SADECO) ngoài tội danh bị truy tố như bị cáo Tất Thành Cang, còn bị xét xử thêm tội “Tham ô tài sản”.
Theo đó, ngày 26/3/2015, IPC đấu giá bán vốn tại SADECO. Công ty Cổ phần Bất động sản Exim (EximLand) trúng đấu giá mua số lượng 5.235.683 cổ phần (30,8% vốn điều lệ của SADECO), với giá 26.100 đồng/cổ phần. Ngày 12/9/2016, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Nguyễn Kim (Công ty Nguyễn Kim) ký hợp đồng mua toàn bộ 5.235.683 cổ phần của EximLand tại SADECO với giá 55.000 đồng/cổ phần (Sau điều chỉnh thành 57.000 đồng/cổ phần, bao gồm cổ tức 2.000 đồng/cổ phần), tổng giá trị 287.962.565.000 đồng.
Vốn điều lệ của SADECO vào tháng 10/2016 là 170 tỷ đồng (Tương ứng 17 triệu cổ phần), trong đó vốn của IPC 44%, vốn của Thành ủy chiếm 16,7%. Nhóm cổ đông cá nhân là người nhà của ông Nguyễn Văn Kim (Chủ tịch HĐQT Công ty Nguyễn Kim) đứng tên thay Công ty Nguyễn Kim gồm mẹ ruột là bà Nguyễn Thị Hương, mẹ vợ là bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết, chị vợ là bà Nguyễn Thị Ánh Phượng chiếm 30,8%, cổ đông khác chiếm 8,5%.
Theo quy định khi tăng vốn và chuyển nhượng quyền mua cổ phần của IPC, vốn Văn phòng Thành ủy (VPTU) TP Hồ Chí Minh tại SADECO thì phải đấu giá. Tuy nhiên, các cá nhân liên quan tại Thành ủy, VPTU, IPC và SADECO đã đồng ý phát hành 9 triệu cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim với giá 40.000 đồng/cổ phần, không được đơn vị có chức năng thẩm định giá thẩm định giá và đấu giá theo quy định.
Cố tình chọn đơn vị không có chức năng thẩm định giá
Cụ thể, ngày 10/11/2016, Công ty Nguyễn Kim có công văn đề nghị xác lập mối quan hệ đối tác chiến lược với SADECO thông qua hình thức tham gia mua cổ phần để trở thành cổ đông chiến lược, hợp tác đầu tư 2 dự án của Công ty Nguyễn Kim là dự án Khu dân cư Rạch Chiếc ở phường Trường Thọ, quận Thủ Đức và dự án Khu phức hợp căn hộ thương mại tại 79B Lý Thường Kiệt, phường 8, quận Tân Bình.
Ngày 21/11/2016, Tề Trí Dũng ký tờ trình gửi Hội đồng thành viên (HĐTV) IPC về chủ trương tăng vốn điều lệ của SADECO, đề xuất chọn Công ty Nguyễn Kim làm đối tác chiến lược. Đến ngày 25/11/2016, Dũng đại diện HĐTV IPC ký nghị quyết chấp thuận cho người đại diện vốn biểu quyết thông qua chủ trương tăng vốn điều lệ của SADECO.
Ngày 9/1/2017, SADECO và Công ty Cổ phần Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HSC) ký hợp đồng tư vấn xác định giá trị doanh nghiệp, mặc dù biết HSC không phải là tổ chức có chức năng thẩm định giá. Đến ngày 25/1/2017, HSC báo cáo định giá xác định giá trị cổ phần của SADECO là 36.548 đồng/cổ phần. Ngày 1/3/2017, Hồ Thị Thanh Phúc thay mặt nhóm đại diện vốn của IPC tại SADECO báo cáo nhu cầu tăng vốn để đầu tư phát triển các dự án, đề xuất 2 phương án tăng vốn điều lệ. Theo đó, phương án 1 phát hành cho cổ đông hiện hữu 33 triệu cổ phần với tổng giá trị 330 tỷ đồng. Phương án 2, phát hành cho cổ đông chiến lược 9 triệu cổ phần, giá bán 40.000 đồng/cổ phần, số tiền dự kiến thu được là 360 tỷ đồng.
Nhóm đại diện vốn của IPC đề xuất tăng vốn điều lệ theo phương án 2 phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược là Công ty Nguyễn Kim và căn cứ báo cáo định giá của HSC để đưa ra giá 40.000 đồng/cổ phần. Ngày 24/3/2017, Tề Trí Dũng ký tờ trình tăng vốn điều lệ của SADECO, thống nhất với nhóm đại diện vốn IPC tại SADECO lựa chọn phương án 2.
Ngày 5/4/2017, IPC có văn bản báo cáo UBND TP Hồ Chí Minh và Chi cục Tài chính Doanh nghiệp thành phố về việc tăng vốn điều lệ của SADECO theo phương thức phát hành cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Ngày 27/06/2017, Văn phòng UBND TP Hồ Chí Minh có công văn gửi Chi cục Tài chính doanh nghiệp và IPC nêu ý kiến chỉ đạo của ông Lê Thanh Liêm - Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố về kiến nghị giảm tỷ lệ vốn Nhà nước từ 44% xuống 28,8% tại SADECO. Nội dung giao HĐTV của IPC chịu trách nhiệm xem xét, quyết định phương án phát hành cổ phần tăng vốn điều lệ tại SADECO phải đảm bảo lợi ích hợp pháp của Nhà nước và thực hiện việc đầu tư vốn ra ngoài công ty, quản lý vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác theo đúng quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, HĐTV IPC và các cá nhân liên quan không thực hiện đúng theo các quy định của pháp luật, tiếp tục thực hiện chuyển nhượng cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim, gây thất thoát tài sản Nhà nước. Cụ thể, ngày 27/6/2017, Tề Trí Dũng ký tờ trình về việc giảm tỷ lệ sở hữu của IPC tại SADECO từ 44% xuống 28,8% theo phương án phát hành 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim. Cùng ngày IPC ra nghị quyết chấp thuận và nhất trí thông qua phương án tăng vốn điều lệ cho cổ đông chiến lược.
Gây thất thoát tài sản Nhà nước hơn 669,6 tỷ đồng
Đối với đại diện vốn của VPTU TP Hồ Chí Minh tại SADECO (Huỳnh Phước Long và Trần Công Thiện), vào ngày 24/4/2017, ký tờ trình không số gửi VPTU về việc thông qua phương án phát hành cổ phần, đề xuất chọn phương án 2. Ngày 28/4/2017, Phạm Văn Thông - Phó Chánh VPTU ký tờ trình 1148/TTr-VPTU gửi ông Tất Thành Cang để xin chủ trương về phương án phát hành cổ phần nhằm tăng vốn điều lệ tại SADECO, đề xuất chấp thuận chủ trương để VPTU biểu quyết chấp thuận cho SADECO phát hành cổ phần theo phương án 2.
Sau khi nhận tờ trình 1148/Ttr-VPTU, ngày 16/5/2017, ông Tất Thành Cang bút phê “Đồng ý” vào tờ trình. Sau đó, Phạm Văn Thông ký thông báo 495/TB-VPTU về ý kiến chỉ đạo của ông Cang với nội dung: “Chấp thuận chủ trương để VPTU được biểu quyết chấp thuận phương án phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược, tăng vốn điều lệ tại SADECO”. Căn cứ thông báo 495/TB-VPTU, nhóm đại diện quản lý vốn của Thành uỷ đã biểu quyết đồng ý phương án bán 9 triệu cổ phần với giá 40.000 đồng/cổ phần cho Công ty Nguyễn Kim và công ty này thanh toán đủ 360 tỷ đồng cho SADECO vào ngày 19/10/2017.
Sau khi vụ án xảy ra, cơ quan điều tra xác định việc chuyển nhượng cổ phần không được tổ chức có chức năng thẩm định giá và đấu giá theo quy định, đã gây thiệt hại cho SADECO số tiền hơn 1.103 tỷ đồng. Trong đó thất thoát tài sản của Nhà nước là 669.605.373.000 đồng (Gồm 44% vốn của UBND TP Hồ Chí Minh là 485.381.160.000 đồng, và 16,7% vốn của Thành ủy là 184.224.213.000 đồng).
Đối với hành vi “Tham ô tài sản”, cơ quan điều tra xác định Tề Trí Dũng, Hồ Thị Thanh Phúc và các đồng phạm lợi dụng thẩm quyền quản lý nguồn tiền thù lao khen thưởng của SADECO cho các bị cáo là người đại diện vốn của VPTU và IPC, đã thực hiện nhiều hành vi gian dối nhằm mục đích chi số tiền lẽ ra SADECO phải chuyển cho VPTU và IPC, để cho Tề Trí Dũng cùng đồng phạm chiếm hưởng hơn 4,6 tỷ đồng. Ngoài ra, Dũng còn chỉ đạo Phúc cùng các đồng phạm chi tiền của SADECO cho nhiều cá nhân đi du lịch nước ngoài trái quy định, gây thất thoát của Nhà nước hơn 2,1 tỷ đồng.