Trái phiếu doanh nghiệp: Sau cơn mưa, trời lại sáng?

Nha Trang
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau các thông tin tiêu cực liên quan đến sai phạm trong phát hành trái phiếu DN (TPDN) như vụ việc Tân Hoàng Minh…, Nghị định 65/2022/NĐ-CP (Nghị định 65) sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP về TPDN đã được ban hành.

Dù không thêm điều kiện phát hành mới, tuy nhiên, các quy định bổ sung để minh bạch thị trường được kỳ vọng sẽ hỗ trợ kênh huy động vốn này sớm về “bình thường mới” và sôi động trở lại trong thời gian tới.

Chặn cửa lách luật

Ông Nguyễn Hoàng Dương - Phó Vụ trưởng Vụ Tài chính các ngân hàng và tổ chức tài chính (Bộ Tài chính) cho biết, Nghị định 65 có nhiều quy định nhằm tăng cường tính minh bạch của thị trường TPDN.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trong đó, bổ sung quy định đối với một số trường hợp hồ sơ phát hành phải có xếp hạng tín nhiệm theo quy định Luật Chứng khoán. Đó là trường hợp DN phát hành tổng giá trị trái phiếu theo mệnh giá huy động trong mỗi 12 tháng lớn hơn 500 tỷ đồng và lớn hơn 50% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất được soát xét bởi tổ chức kiểm toán được chấp thuận. Hoặc, DN phát hành tổng dư nợ trái phiếu theo mệnh giá tính đến thời điểm đăng ký chào bán lớn hơn 100% vốn chủ sở hữu căn cứ trên báo cáo tài chính kỳ gần nhất trong các báo cáo sau: Báo cáo tài chính năm gần nhất được kiểm toán hoặc báo cáo tài chính bán niên gần nhất soát xét.

Bên cạnh đó, quy định trường hợp chào bán cho nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp là cá nhân phải có hợp đồng ký với đại diện người chủ sở hữu trái phiếu; có xác nhận của ngân hàng thương mại về mở tài khoản mua trái phiếu.

Để tăng trách nhiệm của DN phát hành, Nghị định số 65 đã bổ sung quy định DN phải mua lại trước hạn bắt buộc khi vi phạm phương án phát hành (trong đó có phương án sử dụng vốn) hoặc vi phạm pháp luật; trước và sau khi phát hành phải có công bố thông tin về khả năng đảm bảo thanh toán, báo cáo kiểm toán tình hình tài chính và kiểm toán tình hình sử dụng vốn theo mục đích phát hành đã được công bố; bổ sung quy định tài sản bảo đảm của trái phiếu phải được định giá và đăng ký biện pháp bảo đảm.

Đồng thời, khi mua trái phiếu, nhà đầu tư phải đọc, hiểu và ký văn bản xác nhận đã tiếp cận đầy đủ các tài liệu về trái phiếu dự kiến mua và hiểu biết pháp luật, chấp nhận rủi ro về trái phiếu DN riêng lẻ (cả trên thị trường sơ cấp và thứ cấp); tổ chức cung cấp thông tin và tổ chức xác nhận tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp cùng ký xác nhận lên văn bản này về việc đã cung cấp đầy đủ thông tin và hồ sơ cho nhà đầu tư.

Nhằm tăng cường tính minh bạch và tuân thủ pháp luật của các tổ chức cung cấp dịch vụ, Nghị định số 65 bổ sung quy định, đại lý phát hành là công ty chứng khoán được Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cấp phép hoặc ngân hàng thương mại được Ngân hàng Nhà nước cấp phép; tổ chức đấu thầu, bảo lãnh, đại lý phát hành phải xác nhận về việc DN phát hành đã nhận đủ tiền thu từ phát hành trái phiếu; tổ chức cung cấp dịch vụ không được là người có liên quan của DN phát hành.

Nhóm quy định thứ ba là nâng cao tính chuyên nghiệp của nhà đầu tư khi mua TPDN riêng lẻ, hạn chế tối đa nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ gian lận. Theo đó, việc xác định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bằng danh mục chứng khoán phải đảm bảo danh mục nắm giữ có giá trị trung bình từ 2 tỷ đồng tối thiểu trong vòng 180 ngày bằng tài sản của nhà đầu tư, không bao gồm tiền vay.

Theo ông Nguyễn Hoàng Dương, với việc Chính phủ đã ban hành Nghị định 65 sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho DN huy động vốn. Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ đẩy mạnh kiểm tra, khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý nghiêm minh với DN lách quy định của pháp luật để phát hành trái phiếu; nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ trên thị trường của tổ chức trung gian như công ty chứng khoán…

Đại diện Bộ Tài chính cũng khẳng định, việc ban hành Nghị định 65 không phải động thái thắt chặt mà là làm rõ việc giám sát thị trường. “Nghị định không có quy định nào nói thắt chặt thị trường TPDN, không có thêm điều kiện phát hành mới, quy định chỉ phục vụ thị trường thời gian tới minh bạch hơn.

Với DN công khai thông tin ở cấp độ cao, đặc biệt là DN đại chúng, có tình hình tài chính tốt, công bố thông tin tốt vẫn huy động được vốn trên thị trường” - ông Dương khẳng định.

Báo cáo mới nhất của Fiin Group đánh giá, Nghị định 65 chưa thể xử lý triệt để lỗ hổng pháp lý, song điều khoản nghiêm ngặt chắc chắn sẽ khiến các hình thức “lách luật” trở nên đắt đỏ hơn đáng kể.

Dù điều kiện xác định nhà đầu tư chuyên nghiệp trở nên nghiêm ngặt hơn trước, nhưng bù lại nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp được bảo vệ nhiều hơn khi có cơ chế báo cáo và trách nhiệm cam kết cao hơn, với quyền biểu quyết các vấn đề liên quan đến TPDN do họ sở hữu.

Nghị định cũng đưa ra các quy định chặt chẽ, hướng tới việc báo cáo và công bố thông tin minh bạch, rõ ràng. Fiin Group đánh giá cao quy định liên quan đến quyền biểu quyết và tỷ lệ thông qua tối thiểu 65% tổng số trái phiếu đang lưu hành giúp các trái chủ chủ động nắm bắt thông tin về DN và dự án mà mình đang đầu tư.

Không siết điều kiện chào bán, nhưng yêu cầu chặt chẽ hơn về hồ sơ chào bán và phương thức phát hành giúp giải tỏa nỗi lo của thị trường khi các DN được phát hành trái phiếu để cơ cấu lại nợ.

Hồ sơ chào bán và phương thức phát hành được yêu cầu cao hơn, do đó nhà phát hành phải thực sự có năng lực và hồ sơ minh bạch thì mới có thể tham gia hoạt động phát hành trái phiếu. Bởi vậy, vẫn sẽ có hiện tượng DN khó khăn trong việc cơ cấu lại nợ và dẫn đến mất khả năng thanh toán.

Khác với các dự thảo trước đó, Nghị định 65 ban hành vẫn cho phép các DN được phát hành TPDN để đảo nợ, nhưng chỉ cho chính DN đó. Điều này sẽ củng cố thêm nhu cầu tìm kiếm các kênh vốn khác để đảo nợ của các DN, đặc biệt là với các DN bất động sản vốn sở hữu nhiều công ty con, liên kết để phát triển dự án.

Kỳ vọng mùa “bình thường mới” của trái phiếu doanh nghiệp

Thị trường TPDN đã trải qua giai đoạn trầm lắng kể từ đầu quý II đến nay sau sự kiện trái phiếu Tân Hoàng Minh. Sau khi có Nghị định 65, khối lượng phát hành, dự kiến sẽ gia tăng trở lại do tình trạng dồn nén và chờ đợi định hướng chính sách trong nhiều tháng.

Mặc dù kênh vốn tín dụng ngân hàng cũng được nới ở mức độ nhất định nhưng không thể đáp ứng nhu cầu vốn của DN, nhất là các ngành có nhu cầu vốn trung và dài hạn như bất động sản và năng lượng.

Nghị định 65 được ban hành giúp các DN “thở phào” vì điều kiện phát hành trái phiếu không khắt khe như dự thảo trước đó. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng, thị trường TPDN khó sôi động sớm trở lại sau giai đoạn vùng trũng thời gian qua.

Bà Trần Thị Thu Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán SHS cho rằng, Nghị định 65 sẽ làm “cầu” trên thị trường TPDN sút giảm đáng kể. Trên thực tế, số lượng nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp có danh mục tài sản trên 2 tỷ đồng tối thiểu 180 ngày không nhiều theo quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp tại Nghị định 65 và thường nhà đầu tư chứng khoán cũng không có “khẩu vị” chuyển sang TPDN.

Các chuyên gia phân tích của Fiin Group cũng cho rằng, thị trường cần có đủ thời gian để làm quen với quy định mới và khẩn trương thực hiện các hoạt động phát hành nhằm đáp ứng nhu cầu vốn. Do đó, Fiin Group dự báo quy mô phát hành TPDN sẽ chỉ tăng mạnh trở lại kể từ năm sau, đặc biệt là trong giai đoạn nửa cuối năm 2023.

“Nghị định 65 bổ sung quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bên cạnh việc nắm giữ danh mục ít nhất 2 tỷ đồng còn cần phải duy trì con số này bình quân trong 180 ngày liền kề. Fiin Group cho rằng điều này sẽ gây ảnh hưởng lớn tới cơ cấu nhà đầu tư trái phiếu DN hiện nay” - báo cáo của tổ chức này cho hay.

Fiin Group cũng kỳ vọng các ảnh hưởng tích cực của Nghị định 65 sẽ giúp phát triển thị trường TPDN thành kênh huy động vốn trung và dài hạn chính, trả lại chức năng thực cho kênh tín dụng ngân hàng là nguồn vốn ngắn hạn tập trung cho vay tiêu dùng và mua nhà.

 

"Hiện nay, thị trường có vài trăm nghìn DN phát hành TPDN. Không một cơ quan nào có đủ nguồn lực để giám sát từng DN. Theo quy định hiện hành, chúng tôi thực hiện giám sát qua các tổ chức tư vấn phát hành là công ty chứng khoán, nếu phát hiện dấu hiệu sai phạm mới kiểm tra." - Đại diện Bộ Tài chính

"Nghị định 65 có thêm nhiều quy định mà các DN phát hành, đơn vị tư vấn, nhà đầu tư… phải tuân thủ. Cụ thể, nghị định này chặt hơn ở vấn đề mục đích sử dụng vốn, thêm giám sát của đơn vị đại diện sở hữu trái phiếu, quy định nhà đầu tư chuyên nghiệp, sàng lọc bớt nhà đầu tư nhỏ.

Tuy nhiên, chưa chặt chẽ hẳn ở chỗ chỉ quy định một số trường hợp DN phát hành phải xếp hạng tín nhiệm. Hiện tại mới có 2 công ty xếp hạng được cấp phép, số lượng còn hạn chế nên hy vọng là cung cầu đáp ứng, đảm bảo tính cạnh tranh và thuận lợi cho DN phát hành." - Phó Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến Thiết Đỗ Bảo Ngọc

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần