Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Trăn trở của Thủ tướng về ngành giáo dục và "cái tát" vào Ngày Nhà giáo Việt Nam

Nam Thành
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Qua sự việc 1 học sinh lớp 6 bị tát 231 cái trong lớp học cho thấy, ngành giáo dục còn quá nhiều việc phải làm để đi đến đích cuối cùng là thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà, xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội.

Bế mạc kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV
Sau 22,5 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc; với tinh thần đoàn kết, dân chủ, trí tuệ và trách nhiệm cao; với sự tham gia tích cực, đóng góp nhiều ý kiến tâm huyết của các vị đại biểu Quốc hội, kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV đã kết thúc tốt đẹp vào ngày 20/11.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân phát biểu bế mạc kỳ họp thứ 6
Về công tác nhân sự, tại kỳ họp này, với sự tín nhiệm rất cao, Quốc hội đã bầu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giữ chức vụ Chủ tịch nước. Đây là nội dung quan trọng, được cử tri và Nhân dân cả nước quan tâm, đánh giá cao. Đồng thời, Quốc hội đã phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Trương Minh Tuấn và bổ nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng. Công tác nhân sự tại kỳ họp được tiến hành chặt chẽ, đúng trình tự, thủ tục theo quy định.
Tại kỳ họp, Quốc hội đã xem xét, thảo luận các báo cáo đánh giá kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước năm 2018 và kết quả giữa kỳ thực hiện các kế hoạch 5 năm 2016 - 2020 về kinh tế - xã hội, cơ cấu lại nền kinh tế, chương trình mục tiêu quốc gia, tài chính quốc gia, đầu tư công trung hạn; kết quả 3 năm thực hiện chính sách đối với vùng dân tộc thiểu số và miền núi. Đây là dịp để nhìn lại tình hình thực hiện nhiệm vụ trong nửa chặng đường đã qua của nhiệm kỳ 2016 - 2020.
Cũng tại kỳ họp này, trên cơ sở thảo luận, xem xét toàn diện, kỹ lưỡng, Quốc hội đã thông qua 9 luật, 1 nghị quyết và cho ý kiến về 6 dự án luật khác. Các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp này đã góp phần tiếp tục thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng và Hiến pháp năm 2013, tạo sự đồng bộ và hoàn thiện hệ thống pháp luật về phát triển kinh tế, quyền con người, quyền công dân, chính sách giáo dục, nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý nhà nước, phòng, chống tham nhũng, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế và hội nhập quốc tế.
Về Chất vấn và trả lời chất vấn, nội dung chất vấn có phạm vi rộng, nhiều chất vấn của đại biểu liên quan đến công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành ở hầu hết các lĩnh vực của cả khối hành pháp và tư pháp. Tổng cộng có 135 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn và 82 lượt đại biểu tranh luận. Các thành viên Chính phủ, trong đó 2 Phó Thủ tướng Chính phủ, 19 Bộ trưởng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước đã trực tiếp trả lời chất vấn các vấn đề thuộc trách nhiệm quản lý, điều hành. Cuối phiên chất vấn, Thủ tướng Chính phủ đã phát biểu làm rõ một số nội dung thuộc trách nhiệm của Chính phủ và trả lời một số chất vấn của đại biểu.
Về lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội đã hoàn thành tốt việc lấy phiếu tín nhiệm đối với 48 người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Việc lấy phiếu tín nhiệm đã được triển khai một cách thận trọng, chu đáo, trách nhiệm, nghiêm túc, theo đúng nội dung, quy trình, thủ tục của Nghị quyết số 85/2014/QH13. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm cho thấy, các vị đại biểu Quốc hội đã đánh giá khách quan, công tâm, thẳng thắn và thể hiện rõ mức độ tín nhiệm của mình đối với từng chức danh; các cá nhân được lấy phiếu tín nhiệm đều có sự ghi nhận về mức độ cố gắng, đóng góp, cống hiến trong quá trình thực thi chức năng, nhiệm vụ. Đây là cơ sở để người được lấy phiếu tiếp tục phát huy kết quả đạt được, nghiêm túc rút kinh nghiệm, khắc phục hạn chế để hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó.
Ngoài ra, Quốc hội đã dành thời gian thỏa đáng xem xét các báo cáo về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng; công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo; công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân; kết quả giám sát việc giải quyết, trả lời kiến nghị của cử tri gửi đến kỳ họp thứ 5 và một số báo cáo khác của cơ quan, tổ chức hữu quan...
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp xúc cử tri quận Lê Chân, Hải Phòng ngày 23/11.
Tiếp xúc cử tri sau kỳ họp Quốc hội
Ngay sau khi kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIV kết thúc, các đại biểu Quốc hội đã trở về đơn vị bầu cử tiếp xúc cử tri để báo cáo kết quả kỳ họp; đồng thời tiếp thu, giải đáp các kiến nghị của cử tri một số vấn đề về chính sách phát triển kinh tế - xã hội trong thời gian tới.
Tại các buổi tiếp xúc, đa phần cử tri đều bày tỏ vui mừng trước những đổi mới trong hoạt động của Quốc hội, cùng những thành tựu kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương trong năm 2018. Đồng thời, cũng đóng góp nhiều ý kiến thẳng thắn, cụ thể, trên tinh thần xây dựng, nhằm mong muốn địa phương mình và đất nước phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới.
Các ý kiến cử tri phản ánh nhiều vấn đề nổi cộm ở địa phương, trong đó công tác phòng, chống tham nhũng; điều tra làm rõ và xử lý những vụ án lớn; cải cách hành chính; ô nhiễm môi trường; giao thông; các vấn đề dân sinh được nhắc đến rất nhiều tại hầu hết các đơn vị bầu cử.
Tôn vinh các thầy cô giáo
Trong tuần qua có 1 sự kiện rất đáng chú ý, ảnh hưởng đến tất thảy người dân, đó là kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam. Bởi xã hội ta có truyền thống tôn sư trọng đạo, coi trọng người thầy, và hầu hết trong mỗi chúng ta ai cũng có khoảng thời gian ngồi trên ghế nhà trường.
Thủ tướng tặng quà các thầy cô giáo
Chiều 19/11, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt gần 200 cán bộ quản lý, nhà giáo tiêu biểu có thành tích nổi bật trong sự nghiệp trồng người, đại diện cho hơn 1,4 triệu nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục cả nước.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục trên mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11).
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Hiện công tác tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên đã đảm bảo cơ bản về số lượng, cơ cấu. Chất lượng đội ngũ ngày càng được nâng lên, đã có trên 99% giáo viên các cấp học đạt chuẩn và trên chuẩn trình độ đào tạo.
Theo Thủ tướng, đóng góp công sức nhiều nhất vào những thành quả của ngành giáo dục trong thời gian qua không ai khác, chính là đội ngũ giáo viên. Góp phần làm nên thành quả phổ cập giáo dục mầm non là hàng ngàn cô giáo với đời sống còn khó khăn nhưng không quản ngại ngày đêm vừa chăm nuôi, vừa dạy dỗ, vừa làm cô, vừa làm mẹ. Để có thành quả ghi nhận của thế giới với bậc học phổ thông, các thầy cô miệt mài đổi mới, sáng tạo không ngừng trong giảng dạy và hàng vạn giáo viên vùng sâu, vùng xa sẵn sàng nửa đêm đốt đuốc đi tìm học trò đến lớp.
Để có thành quả trên bảng xếp hạng đại học thế giới, những giảng viên đã luôn nỗ lực, sáng tạo vượt qua chính mình trong nghiên cứu và giảng dạy. Mỗi nhà giáo bằng những cách khác nhau đã và đang tham gia vào quá trình đổi mới giáo dục bằng sự tận tâm, tận lực, trách nhiệm và tâm huyết.
Tuy nhiên, Thủ tướng cũng bày tỏ băn khoăn khi “đâu đó trong xã hội vẫn chưa thấu hiểu, chia sẻ với những vất vả của thầy cô giáo”.
Em N bị các bạn tát 231 cái ngay trên lớp và phải nhập viện
Cùng thời gian với buổi gặp mặt, chia sẻ những lời tâm huyết của Thủ tướng tới các thầy cô giáo, 1 sự việc đáng tiếc đã xảy ra tại Quảng Bình.
Chiều 19/11, em H.L.N là học sinh lớp 6.2, trường THCS Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) nói tục trong giờ ra chơi và bị đội cờ đỏ ghi lại.
Cô Nguyễn Phương Thủy - chủ nhiệm lớp khi biết sự việc đã yêu cầu 23 bạn cùng lớp tát vào má em N, mỗi bạn tát 10 cái. Tổng cộng là 231 cái.
Ngày hôm sau, em N đã phải vào Bệnh viện đa khoa Dinh Mười (huyện Quảng Ninh) điều trị vì hai bên má bị sung, hoảng sợ. Hiện em N đã ra viện nhưng chưa thể đến trường học.
Trong bản tường trình với nhà trường, cô Phương Thủy giải thích việc áp dụng hình phạt trên là muốn học sinh tốt lên. Cô Thủy đã nhận ra khuyết điểm của mình và xin lỗi gia đình em N.
Phòng GD&ĐT huyện Quảng Ninh sau đó đã tạm đình chỉ cô Nguyễn Thị Phương Thủy không quá 15 ngày để có thời gian làm rõ sự việc và xử lý vi phạm.
Sự việc trên xảy ra ngay trước lễ kỷ niệm 36 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam đã gây phẫn nộ trong xã hội. Nhiều lời chỉ trích được dành cho vị giáo viên chủ nhiệm. Rõ ràng, ngành giáo dục còn quá nhiều việc phải làm để đi đến đích cuối cùng là thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo nước nhà, xứng đáng với sự quan tâm và kỳ vọng của xã hội.
Mức án dành cho các bị cáo vụ đánh bạc nghìn tỷ trên mạng
Bước sang tuần thứ 2 trong phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Phú Thọ (VKS) đã trình bày quan điểm và đề nghị mức án dành cho 92 bị cáo.
Bị cáo Phan Văn Vĩnh nói lời sau cùng tại tòa. Ảnh: Thanh Hòa.
Theo VKS, kết quả xét hỏi tại phiên tòa có 89/92 bị cáo thừa nhận hành vi phạm tội đúng như cáo trạng truy tố trước đó. Kết quả này cho thấy việc truy tố 89 bị cáo phạm tội là đúng người, đúng pháp luật.
Trong vụ án này có 6 loại tội danh, trong đó có 3 tội thuộc phạm vi rất nghiêm trọng, còn lại ở mức nghiêm trọng nhưng hậu quả gây ra cho xã hội thì đặc biệt nghiêm trọng.
Do tính chất đặc biệt của vụ án liên quan nhiều người, nhiều ngành, ở nhiều địa phương nên ngành tư pháp trung ương cho phép giải quyết vụ án có tính đặc thù, xử lý triệt để, không có vùng cấm. Giai đoạn 1 rõ đến đâu xử lý đến đó, còn lại giải quyết ở giai đoạn 2.
VKS đề nghị HĐXX tuyên bố bị cáo Phan Sào Nam phạm 2 tội tổ chức đánh bạc và rửa tiền. Mức án cụ thể VKS đề nghị là phạt Nam từ 3 - 4 năm tù tội tổ chức đánh bạc, 3 năm tù tội rửa tiền. Tổng hình phạt chung VKS đề nghị với bị cáo Nam là từ 6 - 7 năm tù.
Đối với bị cáo Nguyễn Văn Dương, VKS đề nghị mức án 8 - 9 năm tù cho tội tổ chức đánh bạc, và 3 - 4 năm tội rửa tiền, đề nghị tổng hợp hình phạt 11 - 13 năm tù cho cả 2 tội danh.
Cựu Trung tướng Phan Văn Vĩnh bị đề nghị mức án từ 7 - 7 năm 6 tháng tù. Cựu Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa không thừa nhận hành vi phạm tội của mình mà đổ tội cho người khác… VKS đề nghị tuyên phạt từ 7 năm 6 tháng - 8 năm tù.
Nói lời sau cùng, các bị cáo đều thành khẩn thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình, thể hiện sự ăn năn, hối hận đối với những việc mà mình đã làm và xin Hội đồng xét xử cho hưởng khoan hồng, sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Sang tuần tòa sẽ bước vào phần nghị án dự kiến kéo dài 5 ngày và sẽ tuyên án vào ngày 30/11/2018.
Hiện thực hóa giấc mơ ô tô của người Việt
Từ chiều 20/11 đến 21h30 tối 21/11, hàng chục nghìn lượt người sinh sống tại Hà Nội đã đổ về công viên Thống Nhất để được tận mắt ngắm nhìn, tìm hiểu và chọn mua những sản phẩm đầu tiên của hãng xe VinFast của tập đoàn Vingroup.
Mặc dù tổ chức vào giữa tuần, lượng khách không ngớt đến tham quan xe VinFast thực sự khiến ai có mặt ở đó cũng choáng váng, đông nghẹt từ phút đầu tiên cho đến quá tận những phút cuối cùng.
Tại sự kiện, hãng xe Việt trưng bày 3 mẫu ôtô gồm Lux A2.0, Lux SA2.0, Fadil và dòng xe điện Klara. Giá niêm yết ban đầu với 3 mẫu xe nhỏ, sedan và SUV lần lượt là 423 triệu, 1,366 tỷ và 1,181 tỷ đồng (đã áp dụng chính sách 3 không). Sau khuyến mại, giá còn 336 triệu, 800 triệu và 1,136 tỷ đồng (giá này chưa gồm 10% VAT). Và màn chào sân lần đầu tiên với quy mô lớn của hãng xe Việt đã thực sự thu hút sự chú ý của công chúng.
Phát biểu tại lễ phát động “Hàng Việt Nam chinh phục người Việt Nam” và ra mắt mẫu ô tô, xe máy điện Vinfast vào chiều 20/11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, đây là một sự kiện lớn vì chúng ta đã có được sản phẩm chất lượng cao mang thương hiệu của nước nhà.
Việt Nam chưa có nhiều thương hiệu có năng lực cạnh tranh cao, đạt đẳng cấp quốc tế, đặc biệt là trong các lĩnh vực quan trọng như ô tô, xe máy điện, điện tử, chế biến nông thủy sản và các ngành dịch vụ chất lượng. Cuộc vận động người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam được triển khai theo chủ trương của Bộ Chính trị là một trong những giải pháp quan trọng để góp phần thúc đẩy phát triển nhiều sản phẩm dịch vụ và hàng hóa thương hiệu Việt trong thời gian vừa qua.
Nhân dịp này, Thủ tướng bày tỏ mong muốn các doanh nghiệp trong nước đầu tư khoa học công nghệ, nghiên cứu thị trường để chinh phục gần 100 triệu dân với những sản phẩm tốt, để phục vụ tiêu dùng trong nước và phục vụ xuất khẩu.
Đánh giá cao việc trong một thời gian rất ngắn, Vingroup có thể tạo ra chuỗi giá trị ô tô, xe máy điện đầu tiên mang thương hiệu Việt Nam thông qua sự nghiên cứu kỹ lưỡng và đầu tư nghiêm túc từ khâu sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế đến dịch vụ bán hàng, Thủ tướng mong muốn VinFast sẽ thực hiện các cam kết của mình đối với người tiêu dùng, bảo đảm các quy định về bảo vệ môi trường, nhất là khí thải và phế thải công nghiệp để vừa có được thương hiệu ô tô cạnh tranh, vừa có ngành sản xuất ô tô đúng nghĩa tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo nhiều việc làm cho người dân.
Hậu quả do bão số 9 gây ra tại Khánh Hòa sáng 25/11.

Bão chồng bão uy hiếp Nam Trung Bộ
Cuối tuần tước, cơn bão số 8 tuy không mạnh nhưng đã bất ngờ gây thiệt hại nặng nề cho các tỉnh Nam Trung Bộ, đặc biệt là tại Khánh Hòa. Đã có hàng chục người chết, mất tích tại TP Nha Trang do ảnh hưởng của hoàn lưu bão.
Nguyên nhân được xác định là do mưa lớn tập trung trong thời gian ngắn cùng địa hình dốc làm cho lũ quét, sạt lở đất xảy ra liên tiếp. Trong khi đó, công tác dự báo lũ quét, sạt lở đất tại Khánh Hòa gặp nhiều khó khăn, mà chỉ có thể cảnh báo trước 3 - 6 giờ với độ chắc chắn không cao cũng như khó chi tiết được đến quy mô phường, xã. Mặt khác, tâm lý chủ quan trong phòng tránh thiên tai của người dân khu vực này cũng là 1 phần nguyên nhân khiến hậu quả thêm nặng nề.
Chưa khắc phục xong hậu quả của bão số 8, khu vực Nam Trung Bộ lại phải gấp rút ứng phó với bão số 9, với cường độ và sức nguy hiểm mạnh hơn hẳn.
Tính đến trưa 25/11, bão đã đi vào đất liền các tỉnh từ Bình Thuận đến Bến Tre với cường độ mạnh cấp 7, giật cấp 9. Hoàn lưu bão đã gây mưa rất to cho khu vực Trung Bộ (200 - 300mm). Hiện chưa có thống kê thiệt hại cụ thể do bão gây ra.
Nguyễn Hữu Tín (trái) cùng các đồng phạm

Bắt nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh
Chiều 19/11, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã thực hiện lệnh bắt tạm giam đối với bị can Nguyễn Hữu Tín (SN 1957, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) để tiếp tục điều tra về tội danh “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí” được quy định tại điều 219 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Cùng bị bắt tạm giam với bị can Nguyễn Hữu Tín với tội danh nêu trên là bị can Đào Anh Kiệt (SN 1957, nguyên Giám đốc Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (Phó phòng Quản lý đất đai, Sở TN&MT TP Hồ Chí Minh).
Việc bắt tạm giam 3 bị can nêu trên do liên quan đến bị can Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ “nhôm”, SN 1975, đã bị bắt và bị tòa xử trong 1 vụ án khác) trong vụ án xảy ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Hiện trường vụ tai nạn do xe bồn chở xăng gây ra tại Bình Phước.
Cháy xe bồn chở xăng sau tai nạn khiến 6 người chết
Vụ tai nạn xảy ra vào lúc 4h36 phút sáng 22/11, trên quốc lộ 13, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành (tỉnh Bình Phước) giữa xe chở xăng dầu mang BKS 93C-2689 do tài xế Thạch Văn Phong (quê Trà Vinh) điều khiển chạy hướng Chơn Thành đi Bình Long.
Khi phương tiện này chạy qua ấp 3B thì xảy ra va chạm với xe ba gác chạy cùng chiều do Bùi Thanh Vĩnh (SN 1975, ngụ huyện Chơn Thành) điều khiển.
Tai nạn giao thông khiến xe bồn chở xăng lật nhào và bồn xăng dầu chứa 10 khối dầu, 4 khối xăng tràn vào khu nhà dân rồi bùng cháy dữ dội.
Hậu quả, vụ tai nạn khiến 19 căn nhà dùng để kinh doanh kết hợp nhà ở bị hư hại, trong đó có 2 căn bị thiêu rụi hoàn toàn; 6 người thiệt mạng do cháy, tài xế lái xe bồn cũng bị thương nặng hiện đang cấp cứu tại bệnh viện Chợ Rẫy. Riêng người lái xe ba gác bị thương nhẹ.
Đáng chú ý, tại thời điểm xảy ra tai nạn lúc 4 giờ 33 phút ngày 22/11, xe bồn chở xăng dầu chạy với tốc độ 96 km/giờ. Trước khi xảy ra tai nạn, xe bồn này liên tục chạy quá tốc độ cho phép. Vụ tai nạn 1 lần nữa gióng lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho các cơ quan chức năng về việc quản lý từ phương tiện, tổ chức giao thông đến lái xe bồn, đặc biệt là xe chuyển chở xăng, dầu. Bởi đây là phương tiện đã được liệt kê vào danh sách tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn giao thông bậc nhất.