Kinhtedothi - Sáng 10/10, tại Thư viện Hà Nội đã diễn ra Lễ trao giải thưởng Hội Nhà văn Hà Nội. Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên - Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội đã trao giải cho 6 tác phẩm xuất sắc nhất năm 2015.
Theo đó, 6 tác phẩm là: Tiểu thuyết “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương, tập thơ “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư, “Trên đường biên của lý luận văn học, phê bình” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử, tiểu thuyết “Kiên ngạnh như thủy” của Diêm Liên Khoa (Trung Quốc) do Minh Thương dịch từ tiếng Trung, “Trúc Thông thơ” được trao giải thưởng Thành tựu về thơ và tập thơ “Những người vũ công memphis” của Đào Quốc Minh được trai giải Tác giả trẻ.
Nhà thơ Bằng Việt, Chủ tịch Hội Liên hiệp VHNT Hà Nội và nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội trao giải cho các tác giả.
|
Khác với những ì xèo thường nổ ra với các giải thưởng văn chương, mùa giải năm nay khiến “người trong đạo” cảm thấy hài lòng. Nhà văn Bảo Ninh không ngần ngại khẳng định, chính các tác phẩm như “Mình và họ” của Nguyễn Bình Phương và “Trên đường biên của lý luận văn học, phê bình” của nhà nghiên cứu Trần Đình Sử đã làm vinh quang cho Hội Nhà văn Hà Nội. Là bởi cái tên Nguyễn Bình Phương chưa bao giờ đứng trong danh sách các tác giả “best seller” trên thị trường. Song ấy là cái tên khá “nặng ký” và nhiều ấn tượng với những người cầm bút khi nhắc đến các tác phẩm: “Một thời ngang dọc”, “Lửa hận rừng xanh”, “Những đứa trẻ chết già”, “Người đi vắng”, “Trí nhớ suy tàn”… Anh đã được đánh giá là cây bút trẻ giàu năng lượng, một trong những nhà văn trẻ tạo được nét mới cho tiểu thuyết Việt Nam đương đại. Và cách đánh giá về văn chương cũng như sự mạnh dạn trao giải này của Hội Nhà văn Hà Nội thực sự là một động lực đối với chính tác giả nói riêng, giới làm văn chương nói chung trong thời kinh tế thị trường này.
Tiểu thuyết “Mình và họ” có lối viết phức tạp đa tuyến, đa chiều, vì thế đã đẩy nghệ thuật viết tiểu thuyết mang đặc hiệu của tác giả lên một mức độ cao. Cuốn tiểu thuyết đan xen nhiều thế giới, nhiều nhân vật, có quá khứ và hiện tại, bên này và bên kia, thực và ảo, chiến tranh và hòa bình. Nguyễn Bình Phương đã thể hiện được sức mạnh của một nhà văn có tài kết cấu và sử dụng ngôn ngữ. Cuốn “Những người vũ công Memphis” của Đào Quốc Minh thì thực sự là một thể nghiệm. Người đọc thấy được từ trong không gian văn chương ấy một sự mới mẻ, khác lạ, những câu thơ như vọng ra từ một cõi khác, xa xôi nhưng thăm thẳm chiều sâu.
Như nhận định của hội đồng xét giải, tập thơ cho thất một sức thơ có thể bung phá và vượt thoát nhiều hơn nữa. “Đứng” cạnh giải thưởng “to nhất” và “trẻ nhất” kia, “Sẹo độc lập” của Phan Huyền Thư cũng đầy mới mẻ trong tư duy thơ về con người trong một cõi nhân sinh nhiều lo âu và bất an. Tập thơ đầy khắc khoải suy tư trên hành trình tìm về và tìm lại bản thể mình. Cuốn “Kiên ngạnh như thủy” do Minh Thương dịch cũng “giữ” nguyên được chất hài hước, giễu nhại mà tác giả Diêm Liên Khoa đã tạo ra khi nhìn về một thực tại thảm họa đau thương mà Trung Quốc trải qua. Bản dịch từ nguyên tác này là một nỗ lực lớn trong việc tìm cách chuyển tải chính xác, đầy đủ các sắc thái văn chương thâm thúy của tác giả.
Không phải ngẫu nhiên và cũng không “tô hồng” cho giải thưởng của “hội nhà”, mà Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội Phạm Xuân Nguyên nhận định, giải thưởng năm nay chất lượng và xứng đáng vì những tác phẩm được chọn đang gây tranh cãi trên văn đàn. Dẫu vậy các tác phẩm đều nhận được sự đồng thuận cao từ hội đồng xét giải. Chỉ duy nhất tập thơ “Những người vũ công Memphis” được 8/9 phiếu bầu, còn lại các tác phẩm đạt giải đều đạt 9/9 phiếu bầu của hội đồng xét giải. Đây là mùa giải thưởng đẹp trong làng văn lẫn trong độc giả.