Chiến thắng vẻ vang ngày ấy là động lực thôi thúc ý chí, lòng quyết tâm của thế hệ trẻ hôm nay đã và đang nỗ lực lao động phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh, quốc phòng xây dựng TP Buôn Ma Thuột trở thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên.
Kết quả đáng tự hào
Buôn Ma Thuột ngày nay đã trở thành đô thị loại 1. Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết: “Xác định được khó khăn thách thức, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân TP quyết tâm cao độ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nắm bắt tốt cơ hội để phát triển.
Trong đó, tập trung nguồn lực tài chính đầu tư hạ tầng, phát triển dịch vụ đô thị và an sinh xã hội với các tiêu chí đô thị xanh, sinh thái, bản sắc và đô thị thông minh, gắn kết chặt chẽ giữa đô thị hóa và xây dựng nông thôn mới.
Đồng thời, TP tập trung cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh cùng những chính sách hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia; huy động tốt nguồn lực phát triển, đặc biệt là nguồn lực kinh tế tư nhân, góp phần đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chuỗi giá trị ngành công nghiệp tiềm năng, trọng điểm phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu như: chế biến cà phê, tiêu, ca cao, bơ, các ngành công nghệ cao nhằm hạn chế xuất thô nâng giá trị sản phẩm. Qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của TP nhanh, bền vững”.
Cùng với đó, TP chú trọng phát triển trồng trọt, chăn nuôi tập trung theo hình thức liên kết theo chuỗi và ứng dụng khoa học, công nghệ vào sản xuất; mở rộng trồng trọt, chăn nuôi theo hướng VietGAP; organic, sản phẩm OCOP ứng dụng khoa học, kỹ thuật cải tạo chất lượng nguồn giống để nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng.
Từ sự quyết tâm đó, năm 2023 TP đã đạt nhiều kết quả đáng khích lệ như: tổng thu ngân sách đạt hơn 1,8 nghìn tỷ đồng; sản xuất công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp phát triển ổn định, các nhà máy nỗ lực tăng năng suất hoạt động đưa tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 67.978 tỷ đồng; sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản phát triển tốt ước đạt 2.882 tỷ đồng; tổng lượt khách du lịch đến TP khoảng 928.000 lượt (trong đó khách quốc tế ước đạt 18,832 lượt người), tổng doanh thu ước tính 740 tỷ đồng. 8/8 xã đạt chuẩn nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu.
Trong quý 1/2024 tổng thu ngân sách TP ước thực hiện hơn 472 tỷ đồng. Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả TP đã tiếp nhận 7.288 hồ sơ, đã giải quyết 7236 hồ sơ. Trong đó, giải quyết trước hạn và đúng hạn là 7.236 hồ sơ; không có hồ sơ giải quyết quá hạn.
Cơ hội lớn phát triển xứng tầm
Xác định Buôn Ma Thuột có vị trí đặc biệt quan trọng trung tâm vùng Tây Nguyên về kinh tế - xã hội - an ninh quốc phòng, T.Ư đã có nhiều quyết sách để tập trung đầu tư phát triển. Bộ Chính trị Kết luận 67-KL/TW ngày 16/12/2019 về xây dựng - phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk xứng tầm đô thị trung khu vực Tây Nguyên.
Tiếp đó là Nghị quyết số 72/NQ-QH của Quốc hội để phát huy tối đa hiệu quả của chính sách khi Nghị quyết thực hiện thí điểm trong 5 năm. Nghị quyết số 103/2020/NQ-CP của Chính phủ: Ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Kết luận số 67-KL/TW ngày 16/12/2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Chủ tịch UBND TP Buôn Ma Thuột Vũ Văn Hưng cho biết: ”Những quyết sách về cơ chế đặc thù dành cho Buôn Ma Thuột đã và đang trở thành hiện thực. Tỉnh ủy - HĐND - UBND tỉnh rất quan tâm, thường xuyên lãnh đạo, chỉ đạo Thành ủy - HĐND – UBND TP bám sát các quy định về cơ chế đặc thù để tập trung nguồn lực cho phát triển.
Trong đó, xây dựng cơ chế thu hút nhân tài, phát huy nguồn vốn đầu tư từ T.Ư, vốn ODA để xây dựng cơ sở hạ tầng đô thị, các công trình trọng điểm như: hồ sinh thái Ea Tam, hệ sinh thái và môi trường sông suối Ea Tam, Ea Nao; hệ thống thoát nước đô thị và xử lý môi trường.
Nhất là phát huy các cơ chế thu hút đầu tư như: miễn giảm thuế, tiền thuê đất, đào tạo nhân lực nhằm thu hút các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến đầu tư tại Buôn Ma Thuột nói riêng tỉnh Đắk Lắk nói chung”.
Từ cơ chế đặc thù, TP Buôn Ma Thuột đã đề xuất với tỉnh Đắk Lắk quy hoạch mở rộng TP, đẩy mạnh phát triển hạ tầng giao thông kết nối Buôn Ma Thuột với khu vực Nam bộ, Bắc Tây nguyên và Duyên hải miền trung như: cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột đang được triển khai xây dựng, đường sắt Tuy Hòa – Buôn Ma Thuột, cao tốc Phú Yên - Đắk Lắk; cao tốc Buôn Ma Thuột - Plêiku…
Bên cạnh đó, địa phương tập trung thực hiện Đề án "Phát triển thương hiệu TP Buôn Ma Thuột trở thành "TP cà phê của thế giới;" phát triển du lịch theo hướng sinh thái, khai thác giá trị văn hóa địa phương gắn với các di tích quốc gia.
Bằng sự phát huy nội lực của Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân TP Buôn Ma Thuột, sự quan tâm đầu tư của tỉnh cùng những quyết sách của T.Ư đã và đang triển khai sẽ là tiền đề quan trọng, đòn bẩy mạnh mẽ mở ra cơ hội lớn để TP bứt tốc phát triển thành đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên trong tương lai gần.