6 tháng đầu năm thu ngân sách nhà nước đạt 63,5% dự toán
Kinh tế TP Hà Nội 6 tháng đầu năm tiếp đà phục hồi, các cân đối lớn được bảo đảm. Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội cho biết: Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Thủ đô đạt 63,5% dự toán, tăng 24,7% so với cùng kỳ năm 2022.
Tổng chi ngân sách địa phương trên 38.600 tỷ đồng, đạt 36,8% dự toán giao đầu năm, tăng 23,1% (so với cùng kỳ năm 2022). Trong đó, chi đầu tư phát triển là 15.931 tỷ đồng, đạt 33,9% dự toán, tăng 47,8%. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều khởi sắc, đáng ghi nhận so với cùng kỳ năm 2022.
Phó Chủ tịch UBND TP cho biết thêm: GRDP 6 tháng đầu năm tăng 5,97%; tổng vốn đầu tư xã hội đạt 195.563 tỷ đồng, tăng 9,0% so với cùng kỳ; chỉ số giá tiêu dùng được kiểm soát; thu hút vốn FDI đạt 1.842 triệu USD, dẫn đầu cả nước. Công tác đồng hành, hỗ trợ DN, người nộp thuế tiếp tục được đẩy mạnh, triển khai kịp thời, hiệu quả với nhiều hình thức tuyên truyền phong phú.
Trong 6 tháng qua, ngành Thuế Thủ đô đã ban hành 622 quyết định hoàn thuế giá trị gia tăng với tổng số tiền thuế hoàn là 3.057 tỷ đồng, tăng 23,5% so với cùng kỳ năm 2022 và đã hoàn thành 6.913 cuộc thanh tra, kiểm tra, tăng 5,9% so với cùng kỳ với tổng số tiền xử lý qua thanh kiểm tra là 6.713 tỷ đồng.
Công tác quản lý - cưỡng chế nợ thuế tiếp tục được tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt hướng tới mục tiêu kép vừa thu hồi nợ, vừa tháo gỡ khó khăn cho DN. Nhờ đó đã thu hồi và xử lý điều chỉnh nợ đọng thuế được 5.320 tỷ đồng, đạt 52,8% chỉ tiêu cả năm 2023...
Cùng DN thực hiện nhiệm vụ trọng tâm
Phát huy kết quả đó, 6 tháng cuối năm, TP Hà Nội sẽ tiếp tục tập trung triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, hỗ trợ hiệu quả các DN, nhà đầu tư, dự án đầu tư. Bên cạnh đó, TP tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo nguồn thu ngân sách ổn định, bền vững; đẩy mạnh điện tử hóa trong quản lý thuế, hiện đại hóa quản lý thu ở tất cả các khâu như quản lý đăng ký, kê khai, nộp thuế, hoàn thuế điện tử, thực hiện phân tích rủi ro, quản lý nợ đọng thuế theo phương thức điện tử, quản lý hóa đơn điện tử,...
Đồng chí Hà Minh Hải chỉ đạo: Mục tiêu phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ tài chính ngân sách nhà nước năm 2023, TP Hà Nội sẽ tập trung, thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: Khẩn trương xây dựng Đề án khai thác quỹ đất phụ cận đường Vành đai 4 để tạo nguồn vốn đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trên địa bàn TP; tiếp tục đẩy mạnh ủy quyền quyết định giá đất cụ thể theo Nghị quyết số 73/NQ-CP ngày 6-5-2023 của Chính phủ; Quản lý, điều hành ngân sách chủ động, tích cực và giữ vững cân đối ngân sách; quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tiết kiệm, đúng quy định; xử lý dứt điểm các khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công năm 2023 và các năm tiếp theo.
Hiện nay, hầu hết các tổ chức tín dụng đều triển khai các chương trình cho vay DN nhỏ và vừa, một số ngân hàng còn chủ động triển khai các chương trình, sản phẩm tín dụng ưu đãi với điều kiện vay vốn và lãi suất thấp hơn so với các sản phẩm tín dụng thông thường. Như, Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đang có chương trình giảm 0,5%/năm lãi suất cho vay VND cho toàn bộ khoản vay của khách hàng cá nhân và DN, thời gian áp dụng từ nay đến hết ngày 31/7/2023.
Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) điều chỉnh giảm lãi suất cho vay lần thứ 6 để hỗ trợ người dân, DN. Theo đó, đối với nhu cầu vay mới phục vụ sản xuất, kinh doanh, mức lãi suất cho vay ngắn hạn chỉ từ 5%/năm, lãi suất cho vay trung, dài hạn chỉ từ 8%/năm. Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Đông (OCB) triển khai chương trình hỗ trợ DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa, với mức cấp tín dụng lên đến 10 tỷ đồng và tỷ lệ tài trợ đến 100% giá trị tài sản bảo đảm.
Hiện OCB đang có mức lãi suất cho chương trình ưu đãi vượt trội so với thị trường và được áp dụng cho cả các khoản vay ngắn và trung, dài hạn. Thủ tục cho vay đơn giản, nhanh chóng với thời gian phê duyệt và có thông báo cấp tín dụng chỉ trong vòng 48 giờ làm việc…
Cái khó của các DN khi tiếp cận vốn vay là tài sản đảm bảo và tỷ lệ vay trên tài sản. Về vấn đề này lãnh đạo NHNN cho hay: NHNN không quy định khoản vay bắt buộc phải có tài sản bảo đảm (thực tế các tổ chức tín dụng vẫn cho vay tín chấp nếu khách hàng chứng minh được khả năng trả nợ), NHNN cũng không quy định tỷ lệ cho vay trên giá trị tài sản bảo đảm và cũng không quy định tài liệu khách hàng phải cung cấp cho tổ chức tín dụng để chứng minh đủ điều kiện vay vốn. Những vấn đề này hoàn toàn do tổ chức tín dụng tự quy định trong quy trình nội bộ.
Đối với công tác quản lý giá, về các loại hình dịch vụ công nghệ mới, TP Hà Nội đề nghị Bộ Tài chính hướng dẫn cụ thể việc thanh quyết toán đối với các hàng hoá, dịch vụ áp dụng công nghệ mới, lần đầu xuất hiện tại Việt Nam được Cơ quan nhà nước đặt hàng trong thời gian chưa xây dựng được đơn giá chính thức. Tập trung thực hiện hiệu quả việc tổ chức lập Quy hoạch Thủ đô và Điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; hoàn thiện dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi);…
TP Hà Nội mong muốn Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, hướng dẫn và tháo gỡ một số khó khăn và kiến nghị của TP. Trong đó, Bộ Tài chính tiếp tục quan tâm, ủng hộ TP trong quá trình đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù khi xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) để cụ thể hóa và triển khai hiệu quả Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Sớm ban hành quy định hướng dẫn về thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án hoàn thành đối với các dự án sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước để bảo đảm quá trình quản lý dự án đầu tư xây dựng sử dụng nguồn kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước thực hiện đồng bộ, thống nhất giữa các quy định pháp luật. Đồng thời, Bộ Tài chính tiếp tục tham mưu báo cáo Chính phủ, Quốc hội sớm ban hành quy định cho phép sử dụng kinh phí chi thường xuyên ngân sách nhà nước thực hiện các dự án có tổng mức kinh phí dưới 15 tỷ đồng...