Trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Đối với dự án Luật Căn cước công dân sửa đổi, để đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ liên quan đến ứng dụng Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, phát huy giá trị, tiện ích thẻ căn cước công dân, phục vụ phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030, Chính phủ đề nghị xây dựng luật này với 4 nhóm chính sách.
Trong đó, quy định việc tích hợp thông tin khác ngoài thông tin trong Cơ sở dữ liệu căn cước công dân vào thẻ căn cước công dân; thẻ căn cước công dân có giá trị sử dụng để cung cấp thông tin về công dân và tương đương việc xuất trình các giấy tờ do cơ quan có thẩm quyền cấp có thông tin đã được in hoặc tích hợp trong thẻ căn cước công dân.
Bổ sung thông tin lưu trữ trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân. Bổ sung đối tượng được cấp thẻ căn cước công dân và đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước. Hoàn thiện quy định về quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước công dân; tài khoản định danh điện tử (căn cước điện tử) và việc sử dụng tài khoản định danh điện tử; cấp, hủy/thu hồi số định danh cá nhân; quy định về việc sử dụng thống nhất thẻ căn cước công dân và việc hạn chế phát sinh thủ tục hành chính có liên quan.
Đối với dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, để bảo đảm an toàn của hệ thống tổ chức tín dụng, đổi mới hoạt động ngân hàng theo nội dung nhiệm vụ trọng tâm cơ cấu lại nền kinh tế; khắc phục những hạn chế, bất cập của Luật Các tổ chức tín dụng hiện hành, Chính phủ đề nghị xây dựng Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) với 6 chính sách.
Báo cáo thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng nêu rõ, trên cơ sở ý kiến các cơ quan của Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình năm 2023, trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Đối với dự án Luật Căn cước công dân (sửa đổi), Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng cần tiếp tục cân nhắc trong tổng thể các dự án luật thuộc lĩnh vực quốc phòng, an ninh dự kiến trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 5, Kỳ họp thứ 6 và sẽ được Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định khi xem xét dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình năm 2023.
Cần thiết sửa đổi sớm Luật Căn cước công dân
Phát biểu thảo luận, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới tán thành việc cần thiết sửa đổi sớm Luật Căn cước công dân nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thi hành Luật Căn cước công dân năm 2014. Tuy nhiên, với 6 dự án luật Chính phủ trình bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, ông Lê Tấn Tới cho rằng cần giãn tiến độ một số dự án luật chưa thực sự cấp bách để bảo đảm sự tập trung cũng như chất lượng xây dựng pháp luật.
Điều hành nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, có thể giãn tiến độ các dự án luật chưa cấp bách sang các kỳ họp sau là Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ và Luật Giao thông đường bộ. Hai luật này tuy rất quan trọng nhưng có thể giãn sang kỳ họp sau để có thời gian xử lý kỹ lưỡng và thận trọng hơn.
Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội ủng hộ việc bổ sung dự án Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, dự án luật này có liên quan trực tiếp tới khoảng 20 dự án luật khác. Bởi vậy, nếu được Quốc hội xem xét cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 sắp tới, Ban soạn thảo cần quan tâm rà soát, bảo đảm sự thống nhất trong hệ thống chính sách, pháp luật.
Phát biểu tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, việc sửa đổi Luật Căn cước công dân là cần thiết để thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và các văn bản, chính sách được Đảng, Nhà nước ban hành sau khi Luật Căn cước công dân năm 2014 có hiệu lực.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đồng ý với đề xuất biểu quyết thông qua Nghị quyết đưa 2 dự án luật vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 theo thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 và thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Chủ tịch Quốc hội cũng nhất trí với đề xuất giãn tiến độ một số dự án luật như Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội đã nêu.
Nhấn mạnh khối lượng công tác xây dựng pháp luật trong năm 2023 là rất lớn, Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra cố gắng nỗ lực hơn nữa.
Tại phiên họp, 100% thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội có mặt biểu quyết tán thành thông qua Nghị quyết về việc bổ sung nội dung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023 đối với 2 dự án: Luật Căn cước công dân (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi), trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ 5, thông qua tại Kỳ họp thứ 6.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ và các cơ quan khẩn trương chuẩn bị, hoàn thiện hồ sơ các dự án Luật để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến trong phiên họp tháng 4/2023.
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; đồng thời xem xét, quyết định việc bổ sung dự án luật này vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.