Ngoài mong muốn được gần gũi với gia đình sau nhiều năm xa cách, ông Khanh chia sẻ lý do trở về Việt Nam là sau một thời gian dài làm việc tại nước ngoài, nhận thấy khoảng cách trong ngành công nghiệp vi mạch Việt Nam với thế giới còn khá lớn.
"Điều đó thôi thúc tôi trở về Việt Nam vừa tham gia trong công nghiệp vi mạch ở môi trường thực tiễn, vừa tham gia đào tạo cho các sinh viên để giúp họ thu hẹp khoảng cách với "kĩ sư toàn cầu", vị kiều bào chia sẻ với Kinh tế & Đô thị.
Con chip mang đậm bản sắc Việt
Ông chia sẻ bản thân đang tham gia hai dự án lớn tâm huyết, trong đó có nhắm vào phát triển con chip dành riêng cho nông dân Việt Nam.
Dự án ứng dụng chip cảm biến AI cho nuôi trồng thủy sản ở Việt Nam của ông Khanh cùng các đồng sự khắp nơi trên thế giới, nhắm tới ra sản phẩm mang đậm chất "made in Vietnam".
Đặc biệt, ông Khanh cho biết, có một công ty điện tử Nhật Bản rất quan tâm và thích ý tưởng “Người Việt làm cho người Việt”, cam kết sản xuất, đóng góp "cốt lõi" của công ty đó là phần thiết kế cơ khí tổng hợp chống ăn mòn, chống va đập, sản xuất ngay tại Việt Nam.
"Có nhiều cửa ngách trong ngành nông nghiệp có thể tận dụng để phát triển con chip mang bản sắc riêng - con chip của người Việt,” ông Khanh hào hứng chia sẻ.
Theo kiều bào Nhật Bản, ví dụ như trong dự án ngành nuôi tôm, đa số hộ nông dân, công ty thiết kế sẽ ứng dụng có sẵn để tham gia công tác rà soát, theo dõi quy trình sản xuất. Nhưng nhìn dưới góc độ vi mạch, chúng ta có thể tự thiết kế con chip vi mạch cho người Việt, biến đổi phù hợp và chuẩn hóa theo khí hậu, văn hóa Việt Nam.
Khi được can thiệp từ mức vi mạch, còn có thể tối ưu được công suất tiêu thụ điện của chip với, kích thức nhỏ gọn, chuẩn hóa theo nhu cầu sử dụng của người nông dân Việt Nam.
“Không phải lúc này thì lúc nào”
Ông Khanh đánh giá thị trường bán dẫn Việt Nam có tiềm năng mạnh mẽ với nhu cầu nội địa lớn, từ an ninh quốc phòng, cảm biến dân dụng cho đến ứng dụng công nghệ cao cho nông nghiệp.
Với vai trò một kiều bào từng tham gia học tập và làm việc ở nhiều quốc gia, ông Khanh chia sẻ bản thân luôn có mong muốn đóng góp cho quê hương thông qua những hành động cụ thể.
Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ Việt Nam đã tích cực tạo điều kiện và làn sóng vi mạch đang phát triển mạnh mẽ, đây là thời điểm rất thuận lợi để những kiều bào như ông tham gia đóng góp vào lĩnh vực này. “Không phải lúc này thì lúc nào”, ông Khanh cười khảng khái cho biết.
Theo ông, chính phủ đã tạo nhiều điều kiện thu hút nhân tài vào lĩnh vực bán dẫn và công nghệ cao nói chung. Trong đó, việc xây dựng mối quan hệ ba bên giữa Chính quyền – Doanh nghiệp – Cơ sở đào tạo, nghiên cứu tại Việt Nam đang được phát huy ngày càng hiệu quả, khả quan. Đây cũng là một trong những yếu tố khuyến khích kiều bào trở về nước đóng góp nhiều hơn nữa. Việc kết hợp như vậy, theo ông, rất cần thiết cũng như việc mở rộng hơn nữa mạng lưới kiều bào nhằm “cộng hưởng” sức mạnh trong ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam.
Về dự định đào tạo 50.000 kĩ sư trong ngành bán dẫn của Việt Nam, ông Khanh đánh giá mạng lưới kiều bào có thể đóng góp đáng kể vào hiện thực hóa mục tiêu này. Lợi thế của cộng đồng kiều bào khi ở nước ngoài là có thể tận dụng chính sách, tài liệu, công nghệ từ khắp nơi trên thế giới. “Nếu liên kết được mạng lưới lớn như vậy sẽ tận dụng, cũng như tạo được cầu nối giữa Việt Nam và các nước tiên tiến,” ông nói.