Bảo hiểm xã hội (BHXH) là một chính sách quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội - một trụ cột trong phát triển bền vững kinh tế - xã hội. Tính đến cuối năm 2017 đã có 13,6 triệu người tham gia BHXH bắt buộc, tăng 5,67% so với năm 2016; số thu ước đạt 197,5 nghìn tỷ đồng. Đó là những con số rất đáng ghi nhận sau nhiều năm thực thi chính sách. Nhưng thực tế, hệ thống BHXH còn thiết kế đơn tầng, sự kết nối với các chính sách xã hội khác chưa đồng bộ, chặt chẽ để thực hiện vai trò trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội.
Điều này dẫn tới diện bao phủ còn thấp, nhất là khu vực nông nghiệp, nông thôn và khu vực không có quan hệ lao động. Những con số cũng chỉ ra, mới chỉ gần 29% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia BHXH, vẫn còn trên 70% chưa tham gia. Rồi việc khó vận động người dân tham gia BHXH tự nguyện, khiến 66% số lao động vẫn nằm trong khu vực phi chính thức, nếu không giải được bài toán này. Những mục tiêu cần hướng đến trong mở rộng diện bao phủ cũng không dễ dàng.
Đã nhiều lần, những bất cập trong chính sách BHXH đã được chỉ ra xoay quanh các nguyên tắc công bằng, đóng - hưởng, chia sẻ và bảo đảm bền vững tài chính bất cập. Những lo lắng trước nguy cơ vỡ quỹ BHXH cũng đã nhiều lần được đề cập tới cùng với câu chuyện nên hay không nên tăng tuổi hưu, nên hay không nên kéo dài thời gian đóng. Và “nhức nhối” hơn cả là tình trạng trốn đóng BHXH cho người lao động diễn ra ở nơi nọ, nơi kia, mà cơ quan BHXH rất khó tiếp cận, kiểm tra bởi không thể tìm thấy địa chỉ DN trên thực tế, bởi DN đã phá sản, trây ì…Trước thực tế đó, việc có một cái nhìn tổng thể để cải cách triệt để chính sách liên quan, mở rộng đối tượng tham gia BHXH, thiết kế lại chính sách đóng – hưởng hợp lý là cần thiết. Trong Đề án liên quan đến nội dung này trình Hội nghị T.Ư 7, chính sách BHXH được cải cách theo hướng từng bước mở rộng vững chắc tiến tới thực hiện BHXH toàn dân. Phát triển hệ thống BHXH linh hoạt, đa dạng, đa tầng, hiện đại theo nguyên tắc đóng - hưởng, công bằng, bình đẳng, chia sẻ và bền vững. Đi kèm với đó, những giải pháp cụ thể cũng được đề xuất như thiết kế chính sách BHXH kiểu ba tầng: Tầng thứ nhất là Nhà nước đóng cho các đối tượng chính sách để họ hưởng lương hưu; Tầng thứ hai là BHXH bắt buộc, giống như quy định hiện hành; Tầng thứ ba là bảo hiểm tự nguyện, người lao động đóng cao hưởng cao…Chính sách BHXH là để bảo đảm an sinh xã hội trước những rủi ro trong và sau cuộc đời lao động. Như nhiều ý kiến nhận định, đây là "của để dành" tích lũy khi đang làm việc để được hưởng thụ khi tuổi già. Bởi thế, việc cùng mở rộng đối tượng, việc cải cách trong thiết kế chính sách và tổ chức thực hiện sẽ góp phần củng cố niềm tin của người tham gia vào hệ thống BHXH; tăng tính hấp dẫn để mọi người thấy cần thiết và quyền được tham gia. Bên cạnh đó, cũng cần có chế tài đủ sức răn đe những hành vi trục lợi chính sách và các bất cập đã tồn tại từ nhiều năm nay, như trốn đóng, nợ đọng BHXH, BHYT, đảm bảo quyền lợi của người lao động và khẳng định sự nhân văn của chính sách.