Trung Quốc tiết kiệm điện, đe dọa chuỗi cung ứng toàn cầu

Hương Thảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các nhà máy ở quốc gia xuất khẩu lớn nhất thế giới đang buộc phải tiết kiệm điện bằng cách hạn chế sản xuất, trở thành cú sốc mới nhất đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.

Hệ thống truyền tải điện ở ngoại ô Golmud, tỉnh Thanh Hải, Trung Quốc. Ảnh: Bloomberg 
Trung Quốc đã nổi lên là quốc gia dẫn đầu toàn cầu về đầu tư "điện sạch" sau khi chi 127 tỷ USD vào năng lượng tái tạo trong năm ngoái, khi nước này tìm cách giảm bớt sự phụ thuộc vào than đá và giảm khói bụi ở các thành phố.
Các chính quyền địa phương tại Trung Quốc hiện ra lệnh cắt điện nhằm cố gắng theo đuổi các mục tiêu giảm năng lượng và cường độ phát thải, bất chấp việc một số nơi thực tế đang phải đối mặt với tình trạng thiếu điện.
Đáng nói, điều này diễn ra giữa bối cảnh các nhà sản xuất đang chạy đua để đáp ứng nhu cầu gia tăng về mọi thứ, từ quần áo đến đồ chơi cho mùa mua sắm cuối năm, đồng thời phải vật lộn với các nguồn cung đã bị thắt chặt do chi phí nguyên liệu tăng cao, sự chậm trễ kéo dài tại các cảng và tình trạng thiếu container vận chuyển.
Các nhà sản xuất Trung Quốc cảnh báo, các biện pháp cắt giảm sử dụng điện nghiêm ngặt của quốc gia sẽ làm giảm sản lượng tại các địa phương "đầu tàu kinh tế" như các tỉnh Giang Tô, Chiết Giang và Quảng Đông - chiếm gần 1/3 tổng GDP của quốc gia - và có thể khiến giá cả tăng lên.
Bloomberg dẫn lời Clark Feng - chủ của một công ty chuyên thu mua đồ nội thất từ ​​các nhà sản xuất Trung Quốc để bán ra nước ngoài - cho biết, việc hạn chế điện ở tỉnh Chiết Giang, nơi DN này đặt trụ sở, đã giáng một đòn khác vào các công ty khác. Ông cho biết, các nhà sản xuất vải ở tỉnh đang bị đình trệ sản xuất đã bắt đầu tăng giá và hoãn nhận các đơn đặt hàng mới ở nước ngoài.
Yiwu Huading Nylon - một nhà sản xuất nylon từ vải tổng hợp ở Chiết Giang - đã phải đình chỉ một nửa công suất sản xuất kể từ ngày 25/9 theo lệnh cắt giảm tiêu thụ điện của chính quyền địa phương. Công ty dự kiến ​​sản lượng sẽ tiếp tục trở lại từ ngày 1/10 và vẫn đang tìm cách giảm thiểu tác động của việc đóng cửa.
Các nhà phân tích lưu ý, tình trạng thiếu điện chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến cả các ngành công nghiệp nặng như nhôm và thép. Tại "trung tâm công nghiệp" Quảng Đông, cơ quan quản lý năng lượng của tỉnh này hôm 26/9 đã đưa ra một thông báo về việc cắt giảm quy mô lớn đối với các nhà máy.
Chen Yubing - một giám đốc doanh nghiệp tại Tô Châu - nói với Bloomberg rằng các dây chuyền sản xuất của công ty ông hiện chỉ được phép hoạt động 3 ngày/tuần, bắt đầu từ đầu tháng 9. Một nửa doanh số của công ty đến từ các khách hàng nước ngoài. "Tất cả những gì chúng tôi có thể làm bây giờ là chờ đợi và thương lượng với khách hàng", Chen nói.
Theo Bloomberg, cuộc khủng hoảng điện năng sẽ đè nặng lên nền kinh tế Trung Quốc vào thời điểm quốc gia này đang chậm lại vì nhiều yếu tố khác, bao gồm việc thắt chặt các biện pháp kiểm soát virus và các quy định mới để kiềm chế thị trường bất động sản. Nomura, China International Capital và Morgan Stanley đều đã hạ dự báo tăng trưởng GDP của Trung Quốc hoặc cảnh báo tăng trưởng thấp hơn do sự cố gián đoạn nguồn điện.
Nhân dân Nhật báo cho biết trong một bài xã luận phát hành hôm 26/9 nói rằng, tình trạng thiếu hụt điện sẽ buộc các công ty phải tăng giá hàng hóa cho người tiêu dùng Trung Quốc. Đài truyền hình CCTV đưa tin, chính quyền tỉnh Liêu Ninh đã kêu gọi các cơ quan quản lý địa phương ngăn chặn việc cắt điện ảnh hưởng đến sản xuất và dân cư.
Với cuộc khủng hoảng điện đang di chuyển từ nhà máy đến nhà ở cư dân, Tổng công ty điện lực Nhà nước Trung Quốc hôm 27/9 thông báo rằng họ sẽ cố gắng hết sức để tránh cắt điện nhằm đáp ứng nhu cầu cơ bản của người người dân.