Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Truyện ngắn: Mưa nắng Vũ Lâm

Trần Nguyễn Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đã lâu người ta không nghe thấy tin tức nàng, có người nói nàng xuất ngoại, có người bảo đã là doanh nhân thành đạt, lại có tin nàng đã qua đời vì một căn bệnh hiểm nghèo.

Người con gái có khuôn mặt đầy đặn, sở hữu một giọng hát hay, một năng khiếu kinh doanh, tấm lòng nhân hậu. Ấy vậy mà từ lâu người trong phố cũ chẳng ai còn gặp lại nàng. Có thầy tướng bảo nàng yểu mệnh, tài hoa ắt khó sống lâu. Ngẫm cho cùng cuộc đời như giấc mộng vậy.
Tôi là một bầu sô ca nhạc, vẫn thường tìm kiếm các tài năng, nhất là những người có giọng hát đặc biệt, khuynh đảo được thị trường. Một lần, trong quán nhạc của cô ca sĩ nổi tiếng, bạn bè cô cũng toàn những ca sĩ tiếng tăm, một số họ là học trò là “gà” của công ty tôi. Chúng tôi thán thưởng giọng hát của nhau, tự coi là tuyệt đỉnh, không thể hay hơn, đã tới mọi giới hạn của nghệ thuật rồi. Vâng, đúng lúc ấy, có một người tự xưng là fan hâm mộ được xin lên hát tặng các thần tượng một bài.
Minh họa: An Chi

M.C dẫn chương trình gạt đi, “Đây là cuộc giao lưu của các nghệ sĩ chứ không phải chỗ hát với nhau.” Cô ca sĩ chủ quán bảo: “Ngày vui, để khán giả góp vui cũng không sao”. Chúng tôi vẫn bù khú với nhau, có người còn đem cháo gà ra ăn.
Bất ngờ, giọng hát cất lên khiến chúng tôi đều sửng sốt, sởn hết gai ốc. Một giọng hát vừa ấm áp, vừa liêu trai, vừa chỉn chu vừa phá cách, một vẻ cổ điển nhưng chứa đựng trong đó là những sáng tạo mãnh liệt và hơn tất cả đó là cảm giác chúng tôi thoát ra khỏi thứ âm nhạc thị trường, những cuộc thi thố, những trò chơi âm nhạc trên truyền hình.
Chúng tôi ngỡ ngàng và chuyển qua tâm trạng tìm kiếm, thăm dò. “Cô bé này học trò của ca sĩ nào? Lò nào?”. Chắc phải học trường nhạc nào? “Hay cô ta học hát qua mạng, học những nghệ sĩ quốc tế”. Không. Một giọng hát nguyên sơ như từ trong rừng sâu một dòng suối chục tầng thác mát lịm giữa ngày hè. Như tiếng chim đại bàng trên cao, nhưng tiếng rì rào của làng quê và cả tiếng ồn ã của phố xá ngày cuối tuần.
Giọng hát ấy đưa chúng tôi đến một thế giới của thứ âm nhạc thánh thiện, trong sáng, chứa đầy trong đó những tâm trạng và sự suy ngẫm về cuộc đời. Rất lâu rồi, chúng tôi mới nghe nhạc trong tâm trạng phải động não, phải suy nghĩ xem người ca sĩ kia muốn nói lên điều gì.
“Một giọng ca lạ, một kỹ thuật tuyệt vời!”. Ai đó chợt sực tỉnh và nói như vậy. Tiếng vỗ tay vang khắp khán phòng và tất cả những ca sĩ chuyên nghiệp, thành danh của chúng tôi đều biến thành khán giả đầy háo hức, ngỡ ngàng và say sưa.
Tôi bật dậy, như trong trò chơi truyền hình: “Em thuộc về công ty tôi! Chúng tôi sẽ giúp em tỏa sáng!”. Cô chủ quán là ca sĩ nổi tiếng lườm nguýt: “Hôm nay cô ấy đến quán này, chứng tỏ em thích quán này phải không? Em thuộc về quán này”. Một cuộc tranh giành thực sự với một giọng ca mới được phát hiện đêm nay. Không hẳn vì lợi nhuận, vì những chương trình lớn trước mắt, trước hết là vì giọng hát quá hay và không ai muốn đánh mất một giọng ca như vậy về tay công ty biểu diễn khác.
“Cháu chưa đi hát bao giờ! Cháu cũng chẳng được ai dạy. Cháu cũng chẳng có ý định đến đây để làm ca sĩ ạ”. Cô bé ngồi khép nép tủm tỉm vân vê tà áo.
Tôi hỏi nàng: “Em hát vậy, chắc chắn em phải biểu diễn thường xuyên, em phải luyện thanh mỗi ngày, em phải biểu diễn rất nhiều”.
Cô bé gật đầu: “Vâng ạ. Em thường hát trong mái ấm tình thương”.
Mọi người ồ lên. Ra thế. Hát ở mái ấm tình thương có cần hát hay thế không?
Cô bé tâm sự: “Mái ấm chúng cháu thiếu thốn đủ thứ, bạn có cái này, lại thiếu mất cái kia. Có bạn mắt nhìn thấy thì tai lại không nghe được gì. Có bạn nghe được lại không nói được. Có bạn nói được thì không nhìn được”. Những tiếng thở dài.
Cô bé bảo: “Trong mái ấm, chỉ mình cháu lành lặn. Trước kia, cháu bị mù, chỉ nghe âm thanh, chỉ tưởng tượng mọi thứ thôi. Rồi cháu được mổ mắt từ thiện và nhìn thấy tất cả. Cháu rất thương các bạn. Mỗi tuần, chúng cháu có một đêm văn nghệ và cháu là người duy nhất hát toàn bộ chương trình”. Một mình ư? Có cát xê không?
Cô bé phân trần: “Cháu phải hát cho tất cả các bạn đều hiểu, đều thích, đều hài lòng. Bởi vì chúng cháu sống với nhau rất lâu rồi, hiểu từng tình cảm từng hơi ấm của nhau, từng cử động của nhau bởi vậy cháu sẽ phải hát cho làm sao tất cả các bạn đều thích, dù có cả những bạn chỉ nhìn thấy mà không nghe thấy gì cả”.
Bữa đó, giới nghệ sĩ chúng tôi quyên góp món quà nhỏ gửi tặng cho mái ấm. Nhiều người đưa cả bản hợp đồng bảo cô ca sĩ mái ấm ký vào: “Cuộc đời em sẽ thay đổi hoàn toàn. Em sẽ có nhà lầu, xe hơi, em sẽ nổi tiếng, em sẽ có kênh riêng, em sẽ đi diễn khắp thế giới. Chỉ cần ký vào đây, ca sĩ độc quyền của công ty, em sẽ có tất cả”.
Cô bé hỏi: “Vậy cháu không được hát ở mái ấm nữa à?”.
Các bầu sô chúng tôi gật đầu: “Đúng rồi. Bạn sẽ rời khỏi mái ấm, bạn được cấp căn hộ, sẽ có vệ sĩ, sẽ có quản lý, thực hiện các hợp đồng biểu diễn trong 3 năm, thậm chí 5 năm, 10 năm. Tài khoản bạn sẽ đầy ắp tiền ngay trong ngay hôm nay”. Ai đó còn bảo: “Đừng lo quần áo, sẽ có nhà thiết kế riêng. Đừng lo nhan sắc, sẽ có bác sĩ thẩm mỹ xẻ môi, nâng mũi, hớt cằm nếu bạn thích. Miễn sao hình ảnh bạn sẽ thời trang nhất”.
Cô bé bất ngờ bảo: “Vâng, cháu xin cảm ơn tất cả mọi người. Nhưng nãy giờ vẫn chưa ai hỏi tên cháu là gì. Thôi, giờ cháu xin phép về kẻo mái ấm đóng cửa”.
Cô bé đã đến và ra đi như một cơn gió vậy. Ôi, thật bất ngờ. Tất cả chúng tôi lặng im và ai đó bật ra lời than trách: “Ừ nhỉ! Quên hỏi cô bé tên gì? Hoàn cảnh ra sao? Hẳn vào mái ấm thì cuộc đời bạn ấy cũng nhiều gian khổ”.
***
Tôi hành hương về đất Phật Vũ Lâm ở Ninh Bình vào một ngày mưa nắng lẫn lộn. Dòng sông gợn sóng và cả những hạt mưa từ chín tầng trời rơi xuống. Người lái đò bảo tôi “Nơi đây, Phật Hoàng đã xuất gia tu tập ngàn năm trước. Bác có quen ai nơi này không?”.
Tôi ngồi trên con thuyền đi qua những hang động dài hàng cây số, như lạc vào tiên cảnh. Nơi đây, chỉ thấy rừng núi, không có bóng người. Vậy tôi biết ai, quen ai?
Người lái đò bèn bảo: “Chỗ chúng tôi có 24 ngôi chùa cổ có từ đời Trần. Chùa nằm trong hốc núi, heo hút, chỉ có những nhà sư khổ hạnh thường lui tới thôi. Bác có người nhà đi tu trong núi thì chúng tôi sẽ chở bác vào thăm”. Tôi nhìn xa xa, thấy những ngọn núi đá vôi như tạc vào trời, trên tảng đá rong rêu buông xuống như những bức tranh, như những bài thơ.
Tôi bất giác bảo: “Mình xưa cũng thích lên núi tu hành, nhưng ở nơi thâm sơn cùng cốc không một bóng người thế này, xa lánh mọi cuộc sống tiện nghi hiện đại, hẳn không dễ dàng”.
Người lái đò mồ hôi lăn trên trán, đáp: “Dạ vâng, chỗ này không có sóng điện thoại, chẳng có quán xá hay một rạp chiếu phim. Chỉ ngắm cỏ cây, chim muông thôi ạ”. Các nhà sư vào tu trong núi, lúc viên tịch có khi táng trong hang sâu. Nghe nói có nhiều sách cổ, đó chính là những thư tịch gồm có các bài thơ của đời trước để lại mà thôi.
Người lái đò phán thế này: “Người trần chẳng khá giả gì, đã quen với cảnh gian khổ, hoang vắng, ấy vậy vào nơi tu tập của các sư đều thấy gian nan, vậy mà có người làm vua lại quẳng tất cả đi sống khổ hạnh. Nghe như truyện không tưởng ấy bác nhỉ?”. Tôi mời người lái đò một ly rượu, bảo: “Con người ta, phần nhiều đều bỏ chỗ khổ lấy chỗ sướng, ít ai làm ngược lại”.
Lúc thuyền trở ra, đi qua những núi non và những dòng suối nhỏ, bất giác tôi nghe đâu đó trong sương chiều một tiếng hát cất lên trong đám cỏ lau xa xa. Đúng rồi, chính là giọng hát của cô ấy. Người ca sĩ của mái ấm năm xưa. Một giọng ca đã phai dần theo năm tháng nhưng vẫn còn đó một sức hút ghê người. Vẫn là bài ca cũ kia, vẫn giọng hát ấy, chỉ là khung cảnh khác đi.
Người lái đò hỏi: “Bác quen nhà sư à?”.
Tôi hỏi: “Nhà sư nào?”.
Người lái đò tủm tỉm: “Người vừa hát đó là một nhà sư. Hiếm khi nhà sư cất lên giọng hát. Nghe bảo thời trẻ nhà sư là một ca sĩ, được rất nhiều công ty săn đón. Nhưng rồi sư đã xuất gia, vào chùa chuyên nuôi dưỡng trẻ mồ côi, những đứa bé bị bỏ rơi”.
Vâng, thắm thoát cũng mấy chục năm rồi. “Nếu cô ấy là ca sĩ, hẳn cô ấy đã ra hàng chục băng đĩa, sắm hàng chục ngôi nhà” – tôi tiếc rẻ.
“Nhưng cũng mấy chục năm ấy, nhà chùa nuôi nấng rất nhiều đứa trẻ mồ côi lớn lên” – người lái đò tâm sự: “Tất cả những đứa trẻ đều coi sư như mẹ hiền”.
***
Tôi và người lái đò cùng ra sức chèo thuyền. Con thuyền nhỏ lướt như tên trong những dòng suối lau sậy trắng xóa, đuổi theo con thuyền vừa cất lên tiếng hát.
Có lúc chúng tôi nghe rõ tiếng hát ở rất gần. Ấy mà tới nơi, lại nghe thấy tiếng hát mãi xa. Lại cố chèo, tới nơi, chiếc thuyền kia lại biến mất trong buổi chiều sương khói mờ ảo.
Cuối cùng, chúng tôi lọt vào một cái hang tối, nơi đó rất nhiều thạch nhũ nom như những hình mẹ bồng con. Hang lạnh giá. Trong hang có những phiến đá, những dấu vết của con người thời văn hóa Hòa Bình.
Cất tiếng gọi: “Sư ơi!”.
Chỉ nghe trong đáy hang sâu vọng lại “ơi… ơi”.